| Hotline: 0983.970.780

Giải 'cơn khát' cho tài xế đường dài ở cửa khẩu

Thứ Sáu 24/12/2021 , 09:59 (GMT+7)

Hàng ngàn tài xế kẹt tại khu vực cửa khẩu của Lạng Sơn sẽ được giảm 50 - 70% chi phí bến bãi và hỗ trợ mỳ tôm, nước uống trong giai đoạn khó khăn.

Mong ước bình nước sạch

Trưa 23/12, hàng trăm tài xế xếp thành hàng dài dằng dặc ở khu vực phi thuế quan gần cửa khẩu Tân Thanh, đang được trưng dụng làm bãi đỗ tạm thời, mắt ngóng chờ đến lượt nhận nước sạch.

1.000 bình nước uống, mỗi bình 20 lít, đã được một công ty vận tải mua sẵn, tặng cho các tài xế.

"Cả chục ngày qua phải dùng nước giếng khoan, hoặc nước ở nơi nào đó mà dân lấy được, đem về bán. Chuyện tiền nong thì không có gì, chỉ 20.000 đồng/bình 20 lít, nhưng nói thật nước không sạch nên anh em không dám uống. Lỡ đau bụng giữa đồng không mông quạnh thì chết", Vũ Tiến Hùng, tài xế người Bình Định, kể.

1.000 thùng mỳ được phát cho các tài xế trong chưa đầy 1 giờ tại Bến xe Tân Thanh. Ảnh: Tùng Đinh.

1.000 thùng mỳ được phát cho các tài xế trong chưa đầy 1 giờ tại Bến xe Tân Thanh. Ảnh: Tùng Đinh.

Hùng không phải là người duy nhất lâm vào cảnh thiếu thốn nước sạch. Hàng nghìn tài xế ở các bãi đỗ tạm thời đều như vậy, họ không được như tài xế được xếp lốt vào bến. Trong bến có đủ ăn uống, tắm giặt. Bãi tạm cách bến vài km, không ai đủ sức mang vác bình nước đi xa đến thế.

Tính đến sáng 23/12, vẫn còn 4.460 container đang ùn tắc tại các khu vực cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn, trong đó nhiều nhất là khu vực Cửa khẩu Tân Thanh với tổng số 2.404, sau đó là Cửa khẩu Hữu Nghị với 1.447 xe. Các xe container này đa số chở nông sản, đến từ nhiều địa phương trên cả nước và bị ùn tắc dài ngày từ các bãi phi thuế quan cho đến bãi xe ở khu vực cửa khẩu.

Tài xế Đoàn Xuân Thư, lái xe chở thanh long từ Bình Định ra Lạng Sơn chia sẻ: “Còn 2 ngày nữa là tròn 1 tháng tôi xuất phát từ Bình Định mà bây giờ vẫn còn ở cửa khẩu, chưa thể xuất hàng sang Trung Quốc”.

Về chi phí hàng ngày, anh Thư cho biết bến bãi hết 400.000 đồng, cộng thêm ăn uống, tắm giặt và dầu chạy máy lạnh cho thanh long thì mỗi ngày có khi tốn xấp xỉ cả triệu đồng.

“Bây giờ Trung Quốc mà cho thông quan thì cũng không đủ tiền thanh toán để ra khỏi bến mất”, tài xế người Bình Định tâm sự.

Trước tình hình đó, Lạng Sơn phối hợp cùng các doanh nghiệp kinh doanh bến bãi của tỉnh đưa ra các chính sách hỗ trợ cho hàng ngàn tài xế đường dài đang bị kẹt lại đây.

Cụ thể, chiều 23/12, các tài xế đường dài ở Bến xe Tân Thanh của Công ty CP Vận tải thương mại Bảo Nguyên được hỗ trợ mỳ tôm với số lượng 1.000 thùng, ưu tiên theo thời gian ùn tắc tại cửa khẩu.

Chi phí hàng ngày, tài xế cho biết, bến bãi hết 400.000 đồng, cộng thêm ăn uống, tắm giặt và dầu chạy máy lạnh cho thanh long thì mỗi ngày có khi tốn xấp xỉ cả triệu đồng.

Chi phí hàng ngày, tài xế cho biết, bến bãi hết 400.000 đồng, cộng thêm ăn uống, tắm giặt và dầu chạy máy lạnh cho thanh long thì mỗi ngày có khi tốn xấp xỉ cả triệu đồng.

Đại diện Bến xe Tân Thanh cho biết thêm, ngoài hỗ trợ mỳ tôm trong bến xe, công ty còn cung cấp nước uống cho tài xế ở khu vực bãi phi thuế quan với số lượng 1.000 bình nước 20 lít mỗi ngày.

Đặc biệt, để giảm gánh nặng cho tài xế và các đơn vị vận tải, Công ty CP Vận tải thương mại Bảo Nguyên đã đưa ra chính sách giảm phí lưu bãi cho phương tiện, áp dụng từ 24/12. Theo đó, với các phương tiện lưu bãi từ ngày thứ 3 trở đi, sẽ được giảm 50% phí, còn 200.000 đồng/ngày, các phương tiện lưu bãi từ ngày thứ 11 trở đi sẽ được giảm 70% phí, còn 120.000 đồng/ngày.

Đây là chính sách đang được các tài xế rất mong chờ. Sau khi biết tin, anh Đoàn Xuân Thư vừa cười vừa nói: “Đây chính là điều chúng tôi mong chờ nhất. Tôi ở đây 18 ngày rồi, tối thiểu mỗi ngày mất 400.000 đồng mà bây giờ được giảm thế này thì tốt quá”.

Tiếp tục khuyến cáo

Trước tình trạng hàng nghìn xe container chở hàng hoá nông sản vẫn đang ùn ứ tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn, Bộ Công thương đã có nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ tình trạng này.

Ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khuyến cáo thương nhân cần theo dõi sát diễn biến tình hình tại các cửa khẩu và thị trường nước bạn, thông qua các phương tiện thông tin và cảnh báo từ các địa phương.

 

“Bộ Công thương trong thời gian qua đã thường xuyên thông tin và nhiều lần có văn bản khuyến cáo gửi các doanh nghiệp, hiệp hội cũng như đề nghị các địa phương, các vùng trồng trọng điểm tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho người nông dân, các doanh nghiệp về một số nội dung.

Thứ nhất là thường xuyên cập nhật thông tin tình hình các tỉnh biên giới phía Bắc, đặc biệt trong thời điểm gần tết về tình hình ùn ứ hàng hóa tại Lạng Sơn. Thứ hai là, trong thời gian tới, phải lưu ý khi có những thông tin về lịch nghỉ tết của phía Trung Quốc để có sự chủ động điều chỉnh nhịp độ đưa hàng lên biên giới cho phù hợp với năng lực thông quan tại khu vực cửa khẩu cũng như thời gian nghỉ cửa khẩu trong dịp Tết của phía Trung Quốc…”, ông Toản nêu rõ.

Trong thời gian tới, dịch Covid-19 được dự báo diễn biến tiếp tục phức tạp, khó lường; một số mặt hàng nông sản vào vụ thu hoạch; vào dịp lễ tết (Tết Nguyên đán) của ta và Trung Quốc là thời điểm cao điểm xuất khẩu hàng hóa qua ta sang thị trường Trung Quốc, lưu lượng hàng hóa và phương tiện lên cửa khẩu sẽ tiếp tục còn tăng cao, áp lực đối với năng lực thông quan tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, nhất là trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn là rất lớn.

Do đó, để thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa duy trì tăng trưởng kinh tế, các địa phương, doanh nghiệp và hộ nông dân được khuyến cáo thường xuyên cập nhật diễn biến thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc để chủ động có kế hoạch sản xuất, đóng gói, giao nhận, xuất khẩu hàng hóa, tránh để phát sinh ùn ứ và các tác động bất lợi khác; kịp thời trao đổi với Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương và các cơ quan liên quan cùng phối hợp xử lý những vấn đề phát sinh.

Tính đến sáng 23/12, vẫn còn 4.460 container đang ùn tắc tại các khu vực cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn.

Tính đến sáng 23/12, vẫn còn 4.460 container đang ùn tắc tại các khu vực cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn.

Trong khi đó, để giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu, Tổng cục Hải quan đã có chỉ đạo các Cục Hải quan các tỉnh biên giới thực hiện các giải pháp như: Khẩn trương tạo điều kiện và thực hiện thông quan ngay trong ngày đối với hàng hóa xuất khẩu, giải quyết ngay các vướng mắc phát sinh, phối hợp trao đổi thông tin với cơ quan kiểm dịch để thực hiện nhanh chóng thủ tục cho doanh nghiệp.

Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan khẳng định, thời gian tới sẽ đẩy mạnh tạo điều kiện tối đa và thực hiện thông quan nhanh chóng trong ngày đối với hàng hóa xuất khẩu tại địa bàn (kể cả ngoài giờ hành chính).

Về phía địa phương, ông Liễu Anh Minh, Phó Giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn, cho biết: "Trước tình trạng ùn ứ phương tiện chở hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản đề nghị các hiệp hội, các doanh nghiệp cần hướng đến việc đa dạng hóa hình thức vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, trong đó cần lưu ý, tính toán khai thác tuyến vận tải đường sắt, liên vận để giảm áp lực cho các cửa khẩu đường bộ…".

Không có chuyện xe nông sản bị thối rữa

Theo quan sát của nhóm phóng viên tại các bến xe, bãi tạm, không có tình trạng nông sản bị thối rữa đến mức phải đổ bỏ. Một số chủ hàng do biết trước không thể đợi đến lượt thông quan, đã chủ động cho tài xế bán hàng dọc đường, hoặc quay lại các chợ tại Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh bán.

"Mít vừa chín tới, thường thì tài xế thuê dân địa phương gọt bỏ phần vỏ gai, giữ lại phần vỏ sát múi, bán với giá 15.000 - 22.000 đồng/kg. Mít chín quá thì 5.000 - 8.000 đồng/kg", bà Yến, một tiểu thương chuyên "xử lý khủng hoảng nông sản" tại Lạng Sơn, cho biết.

Theo các tài xế xe đường dài, giai đoạn này, nông sản "khó nhằn" nhất là mít, do không để được lâu như thanh long, dưa hấu. Với giá bán nêu trên, chủ hàng hoàn toàn có thể đủ tiền cước trả chủ xe, thậm chí dôi ra "dăm đồng làm quà Noel".

Một số tiểu thương ở Lạng Sơn cũng nhanh tay tìm mua các xe mít "xả hàng", sau đó chở về Hà Nội bán. Theo tìm hiểu của phóng viên, mỗi xe mít như thế nếu trưng thêm biển "giải cứu", sẽ lãi tầm 50 - 80 triệu đồng. 

"Hoàn toàn không có chuyện gì bi đát ở đây. Nhưng nếu tiếp tục không thông quan được, lúc đó mới đáng lo vì sức tiêu thụ trong nội địa không cao. Tính ra mỗi xe tải mít tầm 18 tấn, dồn hai xe vào thì bán ở Lạng Sơn chắc nửa tháng chưa hết", ông Khiêm, một tiểu thương nhiều năm buôn nông sản, chia sẻ.

  • Tags:
Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuất hiện vết nứt trên núi Phú Gia, di dời khẩn cấp hàng chục hộ dân

THỪA THIÊN - HUẾ Trên núi Phú Gia xuất hiện vết nứt dài khoảng 50m, đã có 1 điểm lở xuống phía dưới, độ cao khoảng 20m có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản người dân.