Áp lực cho doanh nghiệp
Ngày 21/12, Tổng cục Hải quan tổ chức họp báo chuyên đề “Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc”. Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý Hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, tính đến sáng 21/12, tổng lượng xe tồn tại 3 khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma là 4.461 xe, giảm 137 xe so với ngày 20/12.
Hiện nay, trên toàn tuyến biên giới đất liền của Việt Nam - Trung Quốc đã mở 7 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu song phương, 21 cửa khẩu phụ, 37 lối mở biên giới. Tuy nhiên, ùn tắc nông sản chủ yếu diễn ra tại Lạng Sơn. Ông Tuấn nói: "Do dịch bệnh, phía Trung Quốc thường đưa ra nhiều thay đổi đột ngột, gây khó khăn và áp lực cho phía doanh nghiệp".
Kim ngạch chung xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn từ 1/12/2021 đến hết ngày 15/12/2021 chỉ đạt 121,65 triệu USD, giảm 40,5% so với cùng kỳ tháng 11/2021 và giảm 32,7% so với cùng kỳ năm 2020. Theo lãnh đạo Ngành Hải quan, đây là thử thách lớn bởi vào dịp cuối năm, sát Tết Nguyên đán, lượng hàng hóa giao thương giữa hai nước rất lớn.
Lý giải cho việc ùn tắc kéo dài nửa tháng qua, ông Tuấn cho rằng, nguyên nhân xuất phát từ cả hai bên. Về phía Trung Quốc, nước này tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 dẫn đến tình trạng lái xe hàng hóa qua lại khu vực biên giới hạn chế, có những cửa khẩu chỉ đáp ứng 20 - 25% so với lưu lượng thông quan hàng hóa so với bình thường.
Ngoài ra, để tập trung chống dịch, phía Trung Quốc đã chuyển một số cán bộ kiểm dịch hải quan sang hỗ trợ công tác kiểm soát người Trung Quốc nhập cảnh về nước ăn Tết. Do đó, lực lượng hải quan giải quyết thủ tục hàng hóa hiện nay rất mỏng.
Về phía Việt Nam, ông Tuấn thống kê, nông sản của các tỉnh phía Nam đang vào vụ thu hoạch, sản lượng hàng hóa tăng và nhu cầu tiêu dùng dịp lễ, Tết của thị trường Trung Quốc vào những tháng cuối năm tăng cao.
Một nguyên nhân nữa, là từ ngày 1/1/2022, Lệnh 248 và 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc có hiệu lực. Nhiều doanh nghiệp trong nước có xu hướng đổ dồn nông sản về các cửa khẩu biên giới phía Bắc để tránh chính sách mới này.
Ông Vy Công Tường, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết, tỉnh hiện phê duyệt dự án đầu tư, xây dựng kho bãi rộng khoảng 150ha, nhằm góp phần giải quyền tình trạng ùn tắc nông sản tại cửa khẩu.
Từ ngày 15/12, Lạng Sơn đã vận hành cửa khẩu số tại Hữu Nghị. Bước đầu thí điểm cho thấy nhiều thuận lợi. Mục tiêu của tỉnh là quản lý, giám sát chặt chẽ các hoạt động xuất nhập khẩu như: nắm lượng xe, kim ngạch, để điều hành hoạt động. Đây là cơ sở để ngành hải quan thay đổi căn bản cách quản lý thủ công, tự thống kê bằng sổ sách, giảm thiểu nguy cơ chồng chéo, không thống nhất số liệu.
Trước mắt, Lạng Sơn đang nghiên cứu xây dựng cơ chế hỗ trợ cho những lái xe ở lại dài ngày tại khu vực cửa khẩu. Ngoài ra, tỉnh tiến hành xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ cán bộ, nhân sự tại cửa khẩu 3 ngày/lần, với riêng lái xe là mỗi ngày một lần.
"Chúng ta cần tiến hành khắc phục dịch bệnh tại khu vực cửa khẩu, góp phần xây dựng niềm tin cho phía bạn. Đó là cơ sở để Trung Quốc nới lỏng việc kiểm tra, kiểm soát thời gian tới", ông Tường nói.
Đề cao sự chủ động
Theo Tổng cục Hải quan, việc ùn tắc tại cửa khẩu hầu như năm nào cũng xảy ra. Ông Âu Anh Tuấn nhận định, từ Trung ương đến địa phương và doanh nghiệp cần phối hợp đồng bộ, giảm thiểu tổn thất, tiến tới giải quyết tận gốc vấn đề này.
Trong ngắn hạn, với những hàng hóa đang ùn tắc, thậm chí không xuất được sang Trung Quốc, hoặc phải chuyển cửa khẩu, ông Tuấn yêu cầu cán bộ hải quan địa phương giúp đỡ, tạo điều kiện tối đa về mặt thủ tục, giấy tờ.
Với những xe container đang chuyển hàng lên cửa khẩu, ông Tuấn đề nghị các chủ hàng thỏa thuận kỹ lưỡng với đối tác, tìm điểm giao nhận hàng thuận tiện, trong bối cảnh năng lực thông quan tại Lạng Sơn hiện giảm khoảng một nửa.
“Tôi có thể khẳng định, Việt Nam hiện không hề vướng bất cứ thủ tục thông quan nào. Ngành Hải quan đang nỗ lực liên hệ với phía Trung Quốc tăng năng lực thông quan bằng cách tăng nhân sự, kéo dài thời gian mở cửa khẩu, tăng số lượng lái xe chuyên trách", ông Tuấn bày tỏ.
Đề án chuyển đổi số đã được Bộ Tài chính phê duyệt cho Tổng cục Hải quan. Trong thời gian qua, ngành hải quan các cấp đã hướng dẫn doanh nghiệp điền biểu mẫu, kê khai trực tuyến trước khi đưa hàng lên cửa khẩu. Tại khu vực cửa khẩu, hải quan hầu như trả kết quả ngay, và chỉ thực hiện nhiệm vụ phân luồng vàng, luồng xanh.
Trong trung và dài hạn, ông Tuấn cho rằng các doanh nghiệp nên đa dạng thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Một điểm nữa, là các tỉnh biên giới sớm thành lập khu trung chuyển hàng hóa tại sát khu vực cửa khẩu, điều Trung Quốc đã và đang làm.
"Chúng ta cần hoàn thiện các thủ tục ở khu trung chuyển, tránh kiểm soát, tập kết hàng hóa nhiều tại cửa khẩu. Ngành hải quan hứa tạo điều kiện và thực hiện thông quan ngay trong ngày đối với hàng hóa xuất khẩu là nông sản đến thời điểm thu hoạch chính vụ nói riêng và nông sản nói chung qua cửa khẩu biên giới", ông Tuấn nhấn mạnh.
Ông Trần Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Ninh cho biết, các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh không xảy ra ách tắc nghiêm trọng như Lạng Sơn. Số lượng xe container nhiều nhất tập trung ở cửa khẩu Móng Cái là 1.534 xe. Các cửa khẩu khác khoảng vài trăm xe.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động thông quan hàng hóa ở khu vực cửa khẩu, Hải quan Quảng Ninh đã đề nghị Hải quan tỉnh Nam Ninh, Trung Quốc tăng thời gian thông quan, và tạo điều kiện cho một số mặt hàng nông sản, thủy sản.
Do Trung Quốc duy trì chế độ "zero Covid", nên Hải quan Quảng Ninh đã kiện toàn cơ chế phòng, chống dịch bệnh tại khu vực cửa khẩu. Ông Trung cho biết, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm tới vấn đề thông quan và đã có nhiều văn bản gửi các đơn vị quản lý dịch vụ, kho bãi, logisctics... chia sẻ khó khăn với các phương tiện lưu bãi.