Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tháng 7/2023, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai chương trình tín dụng 15 nghìn tỉ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản với lãi suất ưu đãi, thấp hơn tối thiểu từ 1- 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn.
Sau khi gói tín dụng được triển khai, đã có 12 ngân hàng thương mại đăng ký tham gia chương trình, trong đó có các ngân hàng lớn như Agribank, BIDV, Vietinbank,.... Đến tháng 4/2024, dù chưa hết hạn nhưng chương trình cho vay đã hoàn thành mục tiêu và giải ngân hết 100% nguồn vốn cho các doanh nghiệp.
Tham gia vào gói tín dụng 15 nghìn tỉ đồng, Agribank đã nhanh chóng giải ngân cho vay đạt quy mô 3 nghìn tỉ đồng theo cam kết và hoàn thành giải ngân chỉ sau hơn 4 tháng triển khai.
Cùng với Agribank, các ngân hàng khác cũng nhanh chóng hoàn thiện việc giải ngân trước thời hạn. Đến tháng 4/2024, dù chưa hết thời hạn nhưng gói tín dụng này hoàn thành giải ngân cho trên 6.000 lượt khách hàng, tốc độ này cho thấy nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp ngành lâm, thủy sản rất lớn.
Theo Ngân hàng Nhà nước, cùng với các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất đã và đang triển khai thời gian qua, việc triển khai chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản tiếp tục thể hiện tinh thần đồng hành của ngành ngân hàng trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Dù việc triển khai cho vay lĩnh vực lâm sản, thủy sản tại Agribank và các ngân hàng tham gia chương trình đạt được những kết quả khả quan, nhưng ngân hàng này cho biết, trong quá trình triển khai mô hình cho vay theo chuỗi giá trị nông nghiệp vẫn còn gặp một số vướng mắc, khó khăn.
Đơn cử như việc phát triển các chuỗi liên kết giá trị hiện nay thiếu các doanh nghiệp đủ tiềm lực để giữ vai trò dẫn dắt, vai trò hạt nhân trong hoạt động của chuỗi liên kết. Tại các địa phương chưa có các chính sách đồng bộ trong việc xây dựng chuỗi liên kết, chưa có sự tham gia đủ mạnh của các ngành chức năng.
Bên cạnh đó, hợp đồng liên kết thiếu chặt chẽ, hiện tượng vi phạm hợp đồng liên kết của người dân, doanh nghiệp đầu mối còn phổ biến, gây khó khăn cho ngân hàng trong việc kiểm soát dòng tiền. Chưa có chế tài cụ thể để điều chỉnh quan hệ, tăng tính ràng buộc, tuân thủ hợp đồng liên kết giữa người nông dân và doanh nghiệp nên khi gặp những tranh chấp diễn ra, không có cơ sở pháp lý để giải quyết, thiếu biện pháp xử lý để tăng tính ràng buộc, tuân thủ hợp đồng của người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, còn có khó khăn trong kiểm soát hồ sơ giải ngân vốn vay như: tập quán địa phương việc mua sản phẩm của người dân không có hóa đơn, chứng từ và phần lớn sử dụng thanh toán tiền mặt.
Do vậy, ngoài các giải pháp, chính sách từ ngành ngân hàng, cần có sự phối hợp đồng bộ từ chính sách của các Bộ, ngành, địa phương nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, kích thích tổng cầu,…
Bên cạnh đó, cần tăng cường minh bạch hóa tài chính doanh nghiệp để ngân hàng có cơ sở tiếp cận, thẩm định, cấp tín dụng đối với khách hàng, các dự án khả thi, đủ pháp lý. Mặt khác, các sở, ban, ngành, các hiệp hội doanh nghiệp địa phương tiếp tục hỗ trợ, phối hợp với ngành ngân hàng trong việc kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, kịp thời nắm bắt nhu cầu khách hàng, những khó khăn vướng mắc để tháo gỡ, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp được kịp thời.
Năm 2023, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là về thị trường xuất khẩu lâm sản và thủy sản, tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp ước đạt 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây. Cụ thể, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 8,98 tỷ USD và giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản đạt 14,39 tỷ USD.