Giải quyết vướng mắc trong xuất khẩu lâm, thủy sản. Bà Rịa - Vũng Tàu: Nhiều ngư dân bán tàu cá vì thua lỗ. Bình Phước: Nhiều doanh nghiệp chế biến điều hoạt động cầm chừng. Khai mạc triển lãm quốc tế về ngành cà phê Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, lạm phát tiếp tục tăng cao tại nhiều quốc gia, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, đã và đang ảnh hưởng đến kết quả xuất khẩu lâm sản, thủy sản.
Chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Năm 2023, chúng ta đặt mục tiêu xuất khẩu gỗ, lâm sản đạt giá trị 17 tỷ USD và xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD. Đây là quyết tâm lớn, cần sự phấn đấu cao và có sự vào cuộc, nỗ lực của tất cả các chủ thể từ Chính phủ, bộ, ngành, địa phương cho đến 2 hiệp hội ngành hàng.
Theo Thủ tướng, cần phải bình tĩnh, kiên định các mục tiêu, nguyên tắc cơ bản, nhưng linh hoạt trong điều hành, tổ chức thực hiện. Đặc biệt, các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng cho người dân, doanh nghiệp.
BÀ RỊA – VŨNG TÀU: NHIỀU NGƯ DÂN BÁN TÀU CÁ VÌ THUA LỖ
(Minh Sáng - Lê Bình)
Do ngư trường ngày càng cạn kiệt, giá nhiên liệu, chi phí đánh bắt tăng cao, nhiều tàu cá phải nằm bờ và được ngư dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu rao bán với giá rẻ mạt.
Ông Phan Thạch, Chủ tịch UBND xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền xác nhận thực trạng này. Toàn xã có khoảng 290 hộ có tàu đánh bắt xa bờ thì hơn 10 chủ tàu rao bán. Đặc biệt, có chủ tàu do làm ăn quá thua lỗ, dự định bỏ nghề nên rao bán cả đội tàu 10 chiếc.
Được biết, thực trạng trên diễn ra từ nhiều năm qua, nhưng cao điểm nhất từ năm 2020 khi dịch Covid-19 diễn biến biến phức tạp. Nguyên nhân vì tàu nằm bờ lâu năm bị hỏng hóc, không có khả năng ra khơi, người mua về chỉ để tháo ra bán ve chai nên giá bán rất rẻ, chỉ vài trăm triệu đồng/chiếc, trong khi lúc họ đóng hơn 10 tỷ đồng/cặp tàu.
BÌNH PHƯỚC: NHIỀU DOANH NGHIỆP CHẾ BIẾN ĐIỀU HOẠT ĐỘNG CẦM CHỪNG
– Trần Trung
Hiện nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hạt điều tại Bình Phước đã phải hoạt động cầm chừng, thậm chí ngưng hoạt động do thua lỗ. Hiện Bình Phước đang vào chính vụ thu hoạch điều, nguồn nguyên liệu sản xuất dồi dào, tuy nhiên giá điều nhân chỉ dao động khoảng 5,5 USD/kg (giảm 0,5 USD so với cùng kỳ năm 2022).
Do đó, cơ sở chế biến hạt điều không có lãi, thậm chí thua lỗ. Nhiều nhà máy qui mô nhỏ phải tạm dừng sản xuất.
Toàn tỉnh Bình Phước hiện có hơn 1.400 cơ sở chế biến hạt điều (chiếm khoảng 47% tổng số cơ sở chế biến điều toàn quốc), trong đó có 140 doanh nghiệp vừa và nhỏ, hơn 1.200 doanh nghiệp siêu nhỏ, 39 tổ hợp sản xuất với hơn 500 hội viên tham gia dưới hình thức hỗ trợ nhau trong sản xuất, hướng đến sản xuất theo chuỗi khép kín, chế biến sâu.
KHAI MẠC TRIỂN LÃM QUỐC TẾ VỀ NGÀNH CÀ PHÊ VIỆT NAM
Nguyễn Thủy
Triển lãm Quốc tế Café show Việt Nam chuyên ngành cà phê, Thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam chính thức khai mạc vào hôm nay tại TP. Hồ Chí Minh. Đây là sự kiện thường niên nằm trong chuỗi Triển lãm Café show tại Seoul, Thượng Hải, Pháp và Việt Nam.
Triển lãm do Công ty Exporum Việt Nam tổ chức với sự bảo trợ của Hiệp Hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, Hội cà phê Buôn Ma Thuột, cơ quan xúc tiến thương mại các nước tại Việt Nam. Triển lãm diễn ra từ ngày 13-15/4, thu hút hơn 400 đơn vị tham gia trưng bày trong nước và quốc tế.
Đây là cơ hội để các nhà quản lý, các chuyên gia hàng đầu trong nước và nước ngoài gặp gỡ, chia sẻ các định hướng, chiến lược, giải pháp và công cụ quản lý thực tiễn trong ngành sản xuất, chế biến cà phê, trà, thực phẩm đồ uống nói chung. Qua đó, góp phần làm thay đổi ngành pha chế, đưa nền công nghiệp đồ uống Việt Nam vươn lên tầm cao mới.