| Hotline: 0983.970.780

Giải ngân trên 95% gói hỗ trợ Covid-19 trước 23/7

Thứ Sáu 16/07/2021 , 06:48 (GMT+7)

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu, không để xảy ra sự phiền hà về thái độ trong quá trình giải quyết chính sách gói hỗ trợ Covid-19 cho người dân.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tại điểm cầu UBND TP.HCM. Ảnh: TTBC.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tại điểm cầu UBND TP.HCM. Ảnh: TTBC.

Xót xa khi nghe nhiều nơi xác định đường lây xuất phát từ TP.HCM

Tại Hội nghị tổng kết 7 ngày thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16 do UBND TP.HCM tổ chức chiều 15/7, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, trong cuộc họp sáng nay với Thủ tướng Chính phủ, nhận định chung của Ban chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia và Thủ tướng Chính phủ hiện thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn TP.HCM cũng như các tỉnh đang đúng hướng. Tuy nhiên, trước tính chất diễn biến của tình hình và chủng mới Delta lây lan rất nhanh, đã làm cho nhiều nơi "lúng túng", vượt quá tầm kiểm soát.

“Chúng ta rất xót xa khi nghe nhiều nơi xác định đường lây xuất phát từ TP.HCM. Vì vậy, việc TP.HCM tập trung các giải pháp để thực hiện Chỉ thị 16 trên toàn Thành phố nhằm ngăn chặn, kìm chế, kéo giảm, khống chế và từng bước kiểm soát dịch bệnh bằng một trách nhiệm rất cao, trọng trách lớn không chỉ đối với TP.HCM", bí thư Nên nói.

Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng, công tác cách ly điều trị những ngày gần đây là sức ép chưa từng có với hệ thống y tế, hệ thống chính trị. Khoảng 30.000 người thực hiện cách ly tập trung là con số rất lớn, việc bố trí nơi ở, ăn nghỉ đảm bảo điều kiện sinh hoạt, thăm khám sức khỏe, chăm sóc F1 và F0 là nỗ lực lớn, cơ bản TP.HCM đã vượt qua được chặng đường khó khăn ban đầu.

Những ngày thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, bí thư Nên nhận định, đời sống sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng rất nhiều. Nhiều vấn đề phát sinh từ thực tiễn khiến lực lượng ở các tổ công tác trên các nẻo đường lúng túng khi xử lý, ứng xử không kịp thời. Mục đích của các biện pháp là tránh lây nhiễm nhưng khi thực hiện kiểm soát lại gây ùn tắc, gây ra nguy cơ lây nhiễm lớn hơn, do đó cần phải chọn phương án ít xấu hơn.

Ông đề nghị các địa phương, lực lượng ở tuyến đầu chú ý ứng xử, không để xảy ra thêm vấn đề khiến người dân thêm bức xúc. "Phải dự kiến tình huống có thể xảy ra. Đặc biệt, tính toán phương án nếu sắp tới các tỉnh xung quanh đồng loạt thực hiện Chỉ thị 16, tình huống còn có thể khó hơn", ông Nên lưu ý.

Qua 7 ngày thực hiện, số ca F0, F1 tăng nhanh, tăng theo năng lực và cường độ xét nghiệm. Tuy nhiên, không được chủ quan. Tới đây số F0 còn ngoài cộng đồng, ở nhiều nơi và chưa phát hiện kịp thời. “Phải hết sức bình tình để nhận định. Tuy nhiên, cần tăng cường xét nghiệm, truy vết phát hiện sớm, nhanh để ngăn chặn kịp thời.

Khi thực hiện chỉ thị 16, phát sinh những tình huống khó khăn tuy kế hoạch có tính đến, nhưng có thể nói chúng ta phải giải quyết liên tục phát sinh của người dân trong cuộc sống. Ông đề nghị tập trung giải quyết, không để người dân bức xúc.

Phường Tam Phú, Thành phố Thủ Đức hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong khu vực phong tỏa. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Phường Tam Phú, Thành phố Thủ Đức hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong khu vực phong tỏa. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Tập trung xét nghiệm, tách F0 ra khỏi cộng đồng

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, phải nhìn thẳng vào sự thật để rút kinh nghiệm và có phương án tốt hơn cho các công việc trong 7 ngày sắp tới.

Đó là tập trung xét nghiệm tách F0 ra khỏi cộng đồng nhanh nhất, mở rộng vùng xanh trên bản đồ Covid-19. Phân tích dữ liệu đánh giá khả năng lây nhiễm chéo trong các khu cách ly tập trung, cần phải siết chặt an ninh, đảm bảo tốt việc giãn cách trong khu cách ly và phải có đầy đủ phòng tắm, nhà vệ sinh, xử lý tốt rác thải, dụng cụ y tế.

Đặc biệt, cần phải làm sao để không xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo, nhằm giảm các ca F0 phát sinh trong khu vực này. Không để tình trạng người cách ly giao lưu, tiếp xúc với nhau, không tuân thủ việc giãn cách. Tuyệt đối, không hình thành các khu cách ly tại quận huyện nếu không đảm bảo điều kiện về nhà vệ sinh... 

Đối với khu vực phong tỏa, cần siết chặt hơn nữa, tăng cường tuyên truyền, vận động nhắc nhở người dân ở nhà, không để người dân ở khu phong tỏa vi phạm giãn cách, có thể lắp camera theo dõi, không để phát sinh tình trạng lây chéo trong nội khu. Các quận huyện quan tâm chăm lo cho các tổ kiểm tra tại các khu phong tỏa, giảm thiểu trường hợp phơi nhiễm khi thực hiện nhiệm vụ; tập trung tập trung nguồn lực điều trị cho các ca F0 nặng, hạn chế tối đa ca tử vong. Rút ngắn thời gian chờ đợi di chuyển F0 đang ở bệnh viện tuyến huyện có trở nặng lên tuyến trên. Thiết lập đường dây nóng có thể tiếp nhận thông tin trường hợp F0 trở nặng để kịp thời điều phối người bệnh về bệnh viện tuyến trên.

Về triển khai gói hỗ trợ Covid-19 cho người lao động, người dân bị ảnh hưởng, mục tiêu xuyên suốt là không để ai bị bỏ lại phía sau. Các quận huyện tập trung hỗ trợ, phản ứng nhanh, thành lập đường dây nóng tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân. "Không để xảy ra sự phiền hà về thái độ trong quá trình giải quyết chính sách hỗ trợ cho người dân. Đến 23/7, các quận, huyện và TP Thủ Đức phải giải ngân trên 95% kế hoạch đề ra", ông Phong lưu ý.

Về điều trị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định,đây là việc quan trọng để người dân không hoang mang, gây bất ổn trong xã hội. Mục đích tập trung điều trị F0 là hạn chế ca tử vong, tập trung nguồn lực điều trị cho F0 nặng và người có bệnh nền.

Người đứng đầu UBND TP.HCM yêu cầu rút ngắn thời gian chờ đợi, di chuyển các ca F0 có dấu hiệu chuyển nặng tại bệnh viện quận, huyện. Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm phối hợp với ngành công nghệ thông tin, thiết lập đường dây nóng, tiếp nhận thông tin của quận, huyện, TP về đưa F0 chuyển nặng đến bệnh viện gần nhất để điều trị.

Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh, Thành phố chỉ còn 7 ngày thực hiện Chỉ thị 16 với mục tiêu cao nhất, tách cơ bản F0 ra khỏi cộng đồng, khống chế hoàn toàn dịch bệnh, đưa TP.HCM trở về trạng thái bình thường mới. "Quan trọng nhất bây giờ là sự đồng lòng, chung sức. Thành phố hơn bao giờ hết đang rất cần tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành, địa phương trước Đảng, nhân dân Thành phố. Chúng ta nhất định sẽ chiến thắng trong cuộc chiến này”, ông Phong khẳng định.

Tăng cường lấy mẫu xét nghiệm, tách F0 ra khỏi cộng đồng. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Tăng cường lấy mẫu xét nghiệm, tách F0 ra khỏi cộng đồng. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Tính phương án kéo dài thời gian thực hiện Chỉ thị 16 nếu ca Covid-19 còn tăng

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình ghi nhận những nỗ lực và kết quả bước đầu TP.HCM đã đạt trong 7 ngày thực hiện Chỉ thị 16. Tuy nhiên, còn một số khiếm khuyết như hiện tượng tập trung đông người tại các chốt kiểm soát.

Phó Thủ tướng lưu ý cần đánh giá, hiểu đúng bản chất số ca mắc những ngày qua, việc gia tăng số ca nhiễm do kết quả xét nghiệm dồn lại hay số ca thực tế.

“Trong một tuần tới, nếu ca mắc Covid-19 còn tăng, bệnh nặng tăng, tử vong tăng thì chúng ta khó lòng chấm dứt việc áp dụng Chỉ thị 16 và có thể phải tính phương án kéo dài thêm thời gian để xử lý dứt điểm nếu chưa kiểm soát được số ca nhiễm mới", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng lưu ý, TP.HCM tăng cường năng lực cho các bệnh viện quận, huyện để tiếp nhận điều trị F0 triệu chứng nhẹ. Có thể tổ chức điều trị tập trung F0 ở tuyến trên nhưng phải đảm bảo điều kiện chăm sóc không để người bệnh hoang mang. Tận dụng các nguồn lực xã hội, tại nhà hoặc tại các khách sạn, những nơi có cơ sở vật chất tốt.

Phó Thủ tướng cho rằng, vẫn cần phải giám sát các doanh nghiệp có đáp ứng được phương án “ba tại chỗ” theo yêu cầu hay không.

Xem thêm
Hơn 500 kg lòng lợn hôi thối đang trên đường đi tiêu thụ

Lực lượng chức năng tỉnh Thái Nguyên phát hiện 520kg lòng lợn bốc mùi hôi thối sắp được bán lại cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và sản xuất lạp sườn.

STP hỗ trợ ngư dân trả góp lồng nuôi thủy sản HDPE không cần thế chấp

Nhằm giúp ngư dân chuyển đổi mô hình nuôi trồng thủy sản HDPE, STP Group đưa ra 3 chương trình hỗ trợ thuận lợi để bà con tiếp cận công nghệ nuôi biển mới.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.