| Hotline: 0983.970.780

Thay đổi cơ cấu nông nghiệp vùng duyên hải Nam Trung bộ:

Giải pháp bớt tiêu tốn hàng trăm tỷ mỗi năm chống hạn cho lúa

Thứ Sáu 10/04/2020 , 10:48 (GMT+7)

PV NNVN đã có cuộc trao đổi với TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện KHKTNN Duyên hải Nam Trung bộ giải pháp để sản xuất nông nghiệp có thể “chung sống” với hạn hán.

* Cây trái vùng Nam Trung bộ có một phân khúc đặc biệt
Tiến sĩ Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện KHKTNN  Duyên hải Nam Trung bộ. Ảnh: NVCC.

Tiến sĩ Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện KHKTNN
Duyên hải Nam Trung bộ. Ảnh: NVCC.

Trong những năm qua biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng như thế nào đến SXNN trong khu vực Nam Trung bộ, thưa ông?

Nói đến biến đổi khí hậu phải nhìn ở 2 khía cạnh, tiêu cực và tích cực. Tiêu cực là do ảnh hưởng biến đổi khí hậu đã khiến nước biển dâng, diện tích đất nông nghiệp ven biển vùng Nam Trung bộ bị nhiễm mặn. Mặn cũng xâm nhập vào cửa sông dẫn tới nước tưới trong mùa khô bị nhiễm mặn khiến cây trồng sinh trưởng kém.

Nền nhiệt độ tăng cao ảnh hưởng xấu đến việc thụ phấn, thụ tinh của cây trồng, nhất là giai đoạn ra hoa. Thường khi nền nhiệt độ tăng cao thì côn trùng gây hại có cơ hội phát triển, nhất là bọ xít và rầy.

Nắng nóng cao độ đã khiến lượng bốc thoát hơi nước tăng lên, khiến lượng nước các hồ chứa, lưu vực giảm mạnh.

Bên cạnh đó, lượng bốc thoát hơi nước của cây trồng cũng rất cao khiến nhu cầu tưới tăng theo, dẫn đến nguồn nước tưới thiếu hụt. Vào những thời điểm này, từ con người đến cây trồng và gia súc đều khát nước.

Tuy nhiên, biến đổi khí hậu cũng tạo ra nhiều mặt tích cực cho cây trồng. Mùa nắng nóng kéo dài đã hạn chế cho cây trồng bị bệnh hại do nấm và virus gây ra, bởi không khí không có độ ẩm nên chúng đã mất đi cơ hội phát triển. Nắng càng to thì độ bức xạ càng lớn, dẫn tới năng suất các loại cây trồng tăng lên và mùa vụ được rút ngắn lại. Trong điều kiện này, ở những vùng có điều kiện đủ nước tưới bà con có thể tăng mùa vụ cây trồng.

Trước tình hình trên thì vùng Nam Trung bộ có giải pháp nào để chung sống với hạn hán, thưa ông?

Trong thách thức bao giờ cũng có cơ hội. Cơ hội ở đây là tận dụng cường độ ánh sáng, sâu bệnh hại ít và mùa vụ cây trồng có thể rút ngắn để chuyển đổi những loại cây trồng sử dụng nhiều nước, đặc biệt là lúa sang trồng các loại cây trồng cạn.

Chúng ta phải hiểu cây trồng cạn không chỉ là đậu phộng, ngô, hành, mè… mà còn có cây ăn quả. Cây ăn quả ở vùng Nam Trung bộ có nhiều lợi thế, mùa mưa ở Nam Trung bộ trái với mùa mưa ở các vùng trồng cây ăn quả trọng điểm ở miền Đông Nam bộ và miền Bắc.

Nho trồng trên đất cát tại Ninh Thuận có thể cho thu xấp xỉ 1 tỷ đồng/ha. Ảnh: Minh Hậu.

Nho trồng trên đất cát tại Ninh Thuận có thể cho thu xấp xỉ 1 tỷ đồng/ha. Ảnh: Minh Hậu.

Cụ thể, thời điểm thu hoạch cây ăn quả ở Nam Trung bộ trái vụ tự nhiên với các vùng trồng cây ăn quả trên cả nước. Do đó, khi nông dân thu quả thì các vùng trồng cây ăn quả khác đã cạn mùa hoặc chưa tới, tránh được sự cạnh tranh trong khâu tiêu thụ.

Trong khi đó, nhu cầu về nước tưới của cây ăn quả chỉ bằng 1/3 – 1/4 so với cây lúa, bộ rễ của chúng ăn sâu dưới lòng đất còn sử dụng được nguồn nước sâu. Thị trường xuất khẩu của cây ăn quả có dư địa rất lớn. Ví như mỗi năm xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt 41 – 42 tỷ USD, trong đó sản phẩm đồ gỗ và thủy sản chiếm phần lớn rồi đến các mặt hàng rau quả các loại, lúa chỉ chiếm 3 – 4 tỷ USD.

Thêm vào đó, lúa trong vùng Nam Trung bộ không phải là phân khúc lúa chất lượng cao để xuất khẩu, nên không thể cạnh tranh với lúa ở các tỉnh miền Nam, phân khúc của lúa vùng Nam Trung bộ chỉ là để phục vụ chế biến. Do đó, Nam Trung bộ có nhiều lý do để xây dựng vùng cây ăn quả tập trung.

Những năm trước đây, những vùng cây ăn quả ở miền Nam phát triển manh mún với quy mô hộ nhỏ lẻ, không theo quy hoạch, không theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc tiêu chuẩn nông nghiệp tốt. Bây giờ Nam Trung bộ mới xây dựng vùng trồng mới thì mình có cơ hội để sửa sai, đi theo hướng VietGAP ngay từ đầu thì cơ hội xuất khẩu sản phẩm rộng mở.

Ông đánh giá thế nào về công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở vùng Nam Trung bộ trong những năm qua?

Trong những năm qua, các tỉnh trong khu vực chuyển mạnh từ trồng lúa sang trồng các loại cây trồng cạn như đậu phộng, mè, ngô sinh khối. Hằng năm mỗi tỉnh chuyển được đến 2.000 – 3.000ha, địa phương có phong trào chuyển đổi mạnh nhất là Bình Định.

Ví như năm 2019 Bình Định chuyển 2.000ha thì năm nay diện tích chuyển tăng lên 3.000ha, hầu hết những diện tích chuyển là những vùng đất lúa thiếu nước tưới.

Công tác chuyển đổi vừa làm tăng hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích mà còn giải thoát nỗi lo cho Bộ NN-PTNT và các tỉnh trong chống hạn hằng năm.

Tuy nhiên, số diện tích lúa cần phải chống hạn trong những vụ hè thu khu vực Nam Trung bộ vẫn còn rất lớn. Tổng diện tích gieo trồng vụ hè thu hằng năm của các tỉnh Nam Trung bộ gieo trồng khoảng 750.000ha, trong đó diện tích trồng lúa khoảng hơn 300.000ha.

Đến thời điểm hạn gắt, trên địa bàn từ Ninh Thuận ra đến Đà Nẵng có khoảng gần 30.000ha lúa luôn bị hạn hán hoành hành, năng suất bấp bênh.

Người dân Ninh Thuận trồng táo trên đất lúa, thu nhập mỗi năm 300-400 triệu đồng/ha. Ảnh: Minh Hậu.

Người dân Ninh Thuận trồng táo trên đất lúa, thu nhập mỗi năm 300-400 triệu đồng/ha. Ảnh: Minh Hậu.

Chỉ có gần 30.000ha lúa bị hạn mà năm nào Bộ NN-PTNT cũng hao tốn nhiều thời gian đến từng địa phương để chỉ đạo chống hạn, chính quyền và ngành chức năng các địa phương thì chạy “vắt giò lên cổ” để tìm giải pháp cứu lúa. Năm nào ngành chức năng cũng tiêu tốn kinh phí chống hạn rất lớn, cả hàng trăm tỷ đồng trên toàn khu vực.

Hạn hán xảy ra ngày càng khó lường trong khu vực Nam Trung bộ, có giải pháp nào ứng phó một cách căn cơ không, thưa ông?

Những vùng sản xuất lúa chỉ chủ động được từ 40 – 60% nước tưới so với nhu cầu, chủ yếu trên chân cao và chân vàn trong khu vực Nam Trung bộ cần kíp phải chuyển sang trồng các loại cây trồng cạn. Đối tượng cây trồng chuyển đổi thì tùy thực tế mà các địa phương chọn giữa những cây đậu phộng, mè, ngô và đậu xanh.

Trong đó, giải pháp căn cơ nhất là đề xuất Bộ NN-PTNT hỗ trợ, chỉ đạo đơn vị nghiên cứu khoa học đóng trên địa bàn tổ chức khảo sát, thu thập thông tin, đưa lên bản đồ hạn hán những vùng thường xuyên bị hạn gây hại.

Đơn vị ấy có nhiệm vụ nghiên cứu khi mực nước trong các hồ chứa ở mức nào thì cấp độ hạn sẽ ra sao, tất cả những thông số trên được thể hiện trên bản đồ hạn hán của toàn vùng.

Giống xoài Mỹ Keitt nhiều triển vọng trồng thử nghiệm tại Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao Khánh Hòa. Ảnh: Huỳnh Kim Sơ.

Giống xoài Mỹ Keitt nhiều triển vọng trồng thử nghiệm tại Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao Khánh Hòa. Ảnh: Huỳnh Kim Sơ.

Trên cơ sở đó, các địa phương sẽ chủ động trong việc bố trí sản xuất trong những vụ hè thu, vùng nào nên tiếp tục sản xuất lúa, vùng nào cần phải chuyển đổi sang cây trồng cạn thì chuyển, có như vậy thiệt hại về hạn hán trong những vụ hè thu ở khu vực Nam Trung bộ sẽ được giảm thiểu đến mức thấp nhất.

Trong những năm qua, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ đã chuẩn bị được những bộ giống gì để phục vụ cho công tác chuyển đổi, thưa ông?

Do đặc thù về phân khúc cây lúa trong khu vực nên trong những năm qua chúng tôi đã chuẩn bị các bộ giống lúa phục vụ chế biến có chất lượng gạo trung bình, chống chịu được các loại sâu bệnh hại như An Sinh 1399, sắp tới cho ra thêm giống BĐR 57 và BĐR 99.

Về cây trồng cạn chúng tôi đã có giống Lạc Duyên hải 01, Lạc Duyên hải 09 và 2 giống đậu xanh kháng bệnh khảm vàng là ĐXBĐ 07 và ĐXBĐ 09. Chúng tôi còn đang tập trung chọn tạo giống đậu cow peas và vừng.

Xin cám ơn ông!

  • Tags:
Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.