| Hotline: 0983.970.780

Hạn mặn kỷ lục ở ĐBSCL: Lối đi nào cho một vùng đất?

Thứ Sáu 03/04/2020 , 10:05 (GMT+7)

Mùa khô 2020, ĐBSCL lại đối diện một mùa hạn mặn khốc liệt, đảo lộn đời sống xã hội rất lớn ở vùng đất trù phú.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia về   sinh thái ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia về
sinh thái ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tình hình đó đặt ra một loạt câu hỏi: nguyên nhân do đâu, có phải từ nay đồng bằng càng ngày càng khan hiếm nước, làm sao ứng phó với tình hình trước mắt, và quan trọng hơn cả là về lâu dài nên chọn lối đi nào cho một vùng đất mệnh danh là miền sông nước trù phú.

NNVN đã có cuộc trò chuyện với Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia về sinh thái ĐBSCL xung quanh các câu hỏi trên.

Xin ông phân tích vì sao mùa khô năm nay ĐBSCL hạn mặn đến sớm, gay gắt?

Chuyện hạn mặn năm nay gay gắt, chúng ta đã biết từ tháng 7 năm trước, khi nước sông Mekong hạ thấp kỷ lục trong hơn nửa thế kỷ, ngay đầu mùa nước.

Theo quy luật, ở ĐBSCL có thể quan sát mùa nước nổi năm trước để tiên liệu tình hình hạn mặn sau Tết. Nguyên nhân chính là do từ đầu năm đến tháng 9/2019, có hiện tượng El Nino diễn ra trên toàn lưu vực Mekong, lượng mưa thấp nên mực nước sông Mekong hạ thấp kỷ lục ngay trong mùa lũ. 

Về ảnh hưởng của thủy điện Mekong, thủy điện khác với thủy nông ở chỗ thủy điện không làm mất lượng nước mà chỉ tích rồi xả để phát điện.

Bản thân thủy điện không tự gây ra thiếu nước, nhưng khi gặp tình huống mưa ít thì việc tích xả của chuỗi đập thủy điện sẽ làm chậm đường đi của nước, làm tình hình gay gắt càng gay gắt hơn.

Gần đây, Trung Quốc tuyên bố xả nước để tăng nước cho phía hạ lưu Mekong, theo ông việc này có giúp giảm hạn mặn cho ĐBSCL không?

Khó có thể. Như đã nói, nguyên nhân chính của việc ít nước là do El Nino gây mưa ít. Hiện nay tỉnh Vân Nam - Trung Quốc cũng bị hạn, thiếu nước.

Năm 2016, Trung Quốc đã tăng cường xả nước đập Cảnh Hồng từ 1.100m3/s lên 2.190m3/s nhưng nước xả đó không giúp gì nhiều ở ĐBSCL vì quá ít, quá xa. Năm đó, mực nước tới Viêng Chăn cũng chỉ tăng khoảng 30cm.

Năm nay, theo yêu cầu của Thái Lan, Trung Quốc sẽ tăng lưu lượng xả từ 800m3/s lên 1.000m3/s, chỉ có ý nghĩa với đoạn sông qua Đông bắc Thái - Lào, khó có thể tới ĐBSCL. Chúng ta không nên kỳ vọng mà lơ là việc ứng phó.

Tình hình như năm nay thì những nơi nào sẽ bị ảnh hưởng nhiều?

Đối với các năm cực đoan khô hạn như năm nay, thiệt hại sẽ tùy từng vùng, vì mỗi vùng có những đặc điểm riêng. 

Cụ thể, ĐBSCL có vùng lõi là “vùng phủ sóng” của hệ thống sông Cửu Long, gồm vùng kẹp giữa sông Tiền, Sông Hậu, và hành lang hai bên hai nhánh sông này. Vùng lõi này có nước ngọt quanh năm. Dù năm nay ít nước vùng này vẫn thiệt hại ít nhất. 

ĐBSCL đang đối mặt với vấn đề khô hạn và xâm nhập mặn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

ĐBSCL đang đối mặt với vấn đề khô hạn và xâm nhập mặn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Vùng ven biển phía Đông, ranh giới mặn - ngọt là sự tranh chấp giữa lực sông và lực biển. Vào mùa khô, ở đây có vùng nước mặn - lợ bình thường hàng năm. Năm nay, vùng này sẽ lấn thêm vài chục km vào vùng lõi ngọt.

Từ Quốc lộ 1 ra hướng biển sẽ bị mặn lên xuống theo nhịp thủy triều. Mặn thọc sâu nhất theo các cửa sông vào những ngày Nước rong (triều cao trong tháng) xung quanh ngày rằm và ba mươi âm lịch hàng tháng và vào những giờ Nước lớn (triều cao trong ngày).

Trong những ngày Nước kém (triều thấp trong tháng), và vào những giờ Nước ròng (triều thấp trong ngày), nước biển tạm lui ra thì độ mặn giảm.

Vùng Bán đảo Cà Mau, gồm Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, một phần Sóc Trăng và Hậu Giang nhận ít hoặc không nhận nước từ hệ thống sông ngòi Cửu Long là vùng mặn - ngọt luân phiên theo mùa.

Vùng này có sáu tháng ngọt nhờ nước mưa và sáu tháng mặn mùa khô. Năm nay mưa ít, mùa ngọt của vùng này sẽ kết thúc sớm hơn. 

Đặc biệt, những vùng ngọt hóa, tức là những vùng “cơi nới” vùng ngọt một cách nhân tạo bằng công trình thì năm nay sẽ dễ bị tổn thương nhất vì hệ thống canh tác ở đây không còn luân phiên mặn - ngọt theo mùa như trước và vì năm nay không đủ nước duy trì ngọt vào mùa khô nên sẽ quay lại bản chất mặn cố hữu trong mùa khô, đặc biệt là vào đỉnh điểm mùa khô cuối tháng ba đầu tháng tư.

Mùa khô 2016 và năm nay, hạn mặn diễn ra gay gắt, tình hình như vậy có đáng báo động rằng ĐBSCL sẽ ngày càng cạn kiện nguồn nước không. Ông nhận định thế nào về tình hình nước ĐBSCL?

Cần phân biệt năm cực đoan và tình hình chung và không nên vội vã “bi đát hóa” rằng ĐBSCL ngày càng cạn kiệt nguồn nước và cho rằng đây là tình chung trong tương lai rồi hốt hoảng, từ đó lấy những năm cực đoan như năm nay và năm 2016 làm chuẩn cho chiến lược lâu dài.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, những sự kiện cực đoan sẽ diễn ra với tần suất cao hơn, nhưng dù sao những năm cực đoan cũng không phải là tình hình chung cho tất cả các năm.

Vậy theo ông, ĐBSCL nên ứng phó thế nào?

Với những năm cực đoan thì ứng phó theo năm cực đoan, trong đó cách ứng phó tốt nhất là né tránh thời vụ để tránh thiệt hại. Thực tế, hạn mặn mùa khô có thể dự báo trước đó 6 tháng, không phải bất ngờ. 

Đối với những vùng mà bản chất là mặn như vùng Bán đảo Cà Mau và vùng “cơi nới” đã nói ở trên thì việc trữ ngọt chỉ có thể kéo dài thời gian ngọt một thời gian nhưng đến đỉnh điểm mùa khô sẽ vẫn mặn vì lớp nước ngọt đã hết.

Đối với các vùng này, đến đỉnh điểm mùa khô, việc ngăn mặn từ biển vào sẽ ít tác dụng vì bên trong không còn nước ngọt và đất bên dưới là đất mặn.

Thực tế, hạn mặn mùa khô có thể dự báo trước đó 6 tháng, không phải bất ngờ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thực tế, hạn mặn mùa khô có thể dự báo trước đó 6 tháng, không phải bất ngờ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Vấn đề lớn nhất năm nay là thiếu nước sinh hoạt ở những vùng xưa nay chưa từng bị mặn, cả người dân và chính quyền đều rơi vào thế bị động. Còn về sản xuất, dù năm nay có hạn mặn gay gắt hơn, nhưng nhờ kinh nghiệm từ 2016, ngành nông nghiệp đã cảnh báo sớm, khuyến cáo né vụ, nên đã tránh được nhiều thiệt hại.

Vấn đề nước sinh hoạt cho vùng ven biển vào mùa khô thì sao, thưa ông?

Nhu cầu nước ngọt cho sinh hoạt phải giải quyết riêng, bằng những phương tiện trữ nước tại gia đình, ao hồ cộng đồng theo kinh nghiệm dân gian và áp dụng công nghệ mới như chống bốc hơi, màng lọc na-nô, túi trữ nước, đường ống cấp nước.

Chúng ta không nên lẫn lộn, nhập chung nhu cầu nước sinh hoạt và nước sản xuất rồi từ đó vì cái này mà làm cái kia.

Công trình ngăn mặn để phục vụ sản xuất như trước nay không phục vụ cho nước sinh hoạt được vì các công trình làm nước tù đọng, tích tụ ô nhiễm trầm trọng sông ngòi cả vùng, khó sử dụng cho sinh hoạt được mà vẫn phải sử dụng nước ngầm gây sụt lún đất.

Nước sinh hoạt chất lượng phải khác nước cho sản xuất. Nếu tách bạch ra khỏi nước sản xuất thì nhu cầu nước sinh hoạt nhỏ hơn nhiều, dễ giải quyết hơn.

Còn về lâu dài, ĐBSCL nên chọn hướng đi nào?

Trong bối cảnh này, Nghị quyết 120 của Chính phủ chính là lời giải chiến lược lâu dài cho ĐBSCL, cần kèm theo dự phòng tình huống cực đoan, trong đó chú ý đặc biệt đến nhu cầu nước sinh hoạt vùng ven biển.

Chìa khóa trung tâm của vấn đề là chuyển hóa nền nông nghiệp ĐBSCL theo tinh thần NQ120 từ thuần túy sản xuất chạy theo số lượng sang tập trung vào chất lượng. Số lượng ít hơn nhưng sạch hơn, giá trị cao hơn, đa dạng hơn.

Chúng ta đã thoát đói từ lâu, nay muốn làm giàu thì cách làm phải khác thời thiếu lương thực. Nếu chỉ miệt mài tăng sản lượng sản phẩm thô, giá rẻ thì không thể tiến đi đâu xa được.

Về lâu dài, cần giảm bớt một vụ lúa ở vùng đầu nguồn để hấp thu nước lũ, kèm theo là phù sa và tôm cá, vào ruộng đồng để cải thiện đất đai, tăng lượng nước để cân bằng mặn - ngọt trong mùa khô. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Về lâu dài, cần giảm bớt một vụ lúa ở vùng đầu nguồn để hấp thu nước lũ, kèm theo là phù sa và tôm cá, vào ruộng đồng để cải thiện đất đai, tăng lượng nước để cân bằng mặn - ngọt trong mùa khô. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

NQ 120 cũng xác định xoay trục chiến lược sang ưu tiên thủy sản, hoa màu, cây trồng khác, rồi mới tới lúa.

Không cần thâm canh ba vụ, ĐBSCL vẫn dư sức đảm bảo lượng lúa gạo cho an ninh lương thực quốc gia, nhưng ưu tiên số một bây giờ không phải là làm ra thật nhiều lúa giá rẻ, mà tập trung vào chất lượng, thu nhập.

NQ120 cũng chỉ rõ cần xem nước mặn, nước lợ, nước ngọt đều là tài nguyên chứ không chỉ là nước ngọt phục vụ tối đa hóa lượng lúa như trước đây.

Cụ thể về lâu dài, cần giảm bớt một vụ lúa ở vùng đầu nguồn để hấp thu nước lũ, kèm theo là phù sa và tôm cá, vào ruộng đồng để cải thiện đất đai, tăng lượng nước để cân bằng mặn - ngọt trong mùa khô. Với vùng ven biển thì nên chuyển dần sang canh tác theo mặn, theo mùa, phù hợp với quy luật thiên nhiên. Song song đó, cần tăng cường các giải pháp về nước sinh hoạt.

Để chuyển đổi được thì Chính phủ cần có hẳn một chương trình chuyển hóa nền nông nghiệp, giúp người dân về mặt tổ chức, kỹ thuật, tài chính, chế biến sản phẩm, xây dựng thương hiệu, chuỗi giá trị, tìm kiếm thị trường cao cấp hơn. Thị trường trong nước bây giờ cũng đòi hỏi chất lượng sản phẩm nông nghiệp cao hơn. 

Hiểu và thích ứng với quy luật tự nhiên thì chúng ta đỡ tốn sức, loay hoay chống lũ, chống hạn - mặn, mà còn tận dụng được cơ hội trong đó.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người dâng giọt mật cho đời

Nghề làm mật mía đã nuôi sống mấy thế hệ trong gia đình lão Nhạc. Tuy nhiên, lão vẫn lo một ngày nào đó nghề cha ông sẽ bị thất truyền.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất