| Hotline: 0983.970.780

Nâng cao chất lượng, phát triển bền vững

Giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm tại hệ thống siêu thị hiện đại

Thứ Ba 20/12/2022 , 17:25 (GMT+7)

Mỗi năm, Saigon Co.op đầu tư 5 - 6 tỷ đồng để kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm hàng hóa từ khâu đầu vào nhà cung cấp, cho tới tay người tiêu dùng.

DSC03802

Hệ thống siêu thị hiện đại tăng cường kiểm soát chất lượng nông sản, đảm bảo đến tay người tiêu dùng an toàn. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bà Vũ Thị Bích Thủy, Phó Giám đốc Phòng quản lý chất lượng Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) cho biết, định hướng phát triển bền vững của doanh nghiệp luôn đặt trọng tâm nâng cao chất lượng hàng hóa là mục tiêu hàng đầu và ý thức rõ trách nhiệm của mình trong việc cung ứng hàng hóa an toàn, chất lượng đến tay người tiêu dùng, đảm bảo sản phẩm lưu thông trên thị trường được quản lý chặt chẽ về chất lượng cũng như truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Theo bà Thủy, Saigon Co.op đặc biệt lưu ý đến việc kiểm soát chất lượng đầu vào từ nhà cung cấp, luôn chọn các nhà cung cấp tuân thủ đúng các quy định của Nhà nước về hồ sơ pháp lý; ưu tiên chọn của nhà cung cấp có chứng nhận GlobalG.A.P, VietGAP, chuỗi thực phẩm an toàn, chứng nhận hữu cơ, hàng Việt Nam chất lượng cao, OCOP,... Ngoài ra, định kỳ đánh giá khảo sát trực tiếp điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị nhà xưởng, vệ sinh nhân viên cũng như rà soát quá trình tiếp nhận, phân loại, sơ chế, sản xuất, đóng gói của nhà cung cấp.

“Saigon Co.op có thể hỗ trợ tư vấn kịp thời cho doanh nghiệp nâng cao kiến thức, cải tiến điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ, hồ sơ pháp lý,... đáp ứng đầy đủ các quy định an toàn thực phẩm với phương châm làm đúng ngay từ đầu để tránh những vấn đề phát sinh sau đó”, bà Thủy nói.

Saigon Co.op đưa vào hoạt động xe kiểm nghiệm lưu động với các trang thiết bị, dụng cụ như một Trung tâm kiểm nghiệm thu nhỏ với công suất tối thiểu khoảng 800 mẫu/năm để lấy mẫu ngẫu nhiên trực tiếp ngay tại vùng trồng, sản phẩm có kết quả đạt mới được thu hoạch và chuyển về Trung tâm phân phối.

Cũng theo bà Thủy, trong quá trình tiếp nhận hàng hóa tại Trung tâm phân phối thực phẩm tươi sống, khi xe nhà vận chuyển đến khu vực giao hàng, hàng hóa được nhận tại vị trí giao hàng có camera giám sát, bộ phận nhận hàng kiểm tra tình trạng niêm seal, cắt seal và kiểm tra nhiệt độ xe trước khi bốc dỡ hàng hóa. Đối với sản phẩm rau củ quả vận chuyển từ các tỉnh về, nhiệt độ phải đảm bảo trong khoảng từ 18 – 25 độ C. Sau khi tiếp nhận, nhân viên kho sẽ tiến hành kiểm tra việc chất xếp trên xe ngay ngắn, không bị sụp chân đế, hàng hóa không bị cấn dập, không sử dụng giấy báo lót và được bố trí trên pallet cách sàn xe theo quy định.

Đội kiểm tra chất lượng tại Trung tâm phân phối tiến hành kiểm tra cảm quan, kích thước, trọng lượng sản phẩm theo quy định kỹ thuật, hồ sơ truy xuất nguồn gốc lô hàng. Nếu hàng hóa hư hỏng hoặc không đạt yêu cầu của quy định kỹ thuật, Trung tâm phân phối thực phẩm tươi sống sẽ lập biên bản và xác định tỉ lệ hao hụt để trừ hàng hoặc hạ loại. Trường hợp có nghi ngờ về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, trộn sản phẩm không đạt chất lượng, sẽ lập biên bản, ngưng không nhập lô hàng và thông tin các phòng ban liên quan để xử lý. Đối với các sản phẩm rau củ quả sơ chế, sẽ kiểm tra các thông tin truy xuất nguồn gốc trong chứng từ kèm theo lô hàng và thông tin trên thùng/sọt trước khi đưa vào công đoạn sơ chế.

lấy mẫu2

Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM phối hợp các hệ thống siêu thị hiện đại lấy mẫu ngẫu nhiên thực phẩm. Ảnh: Nguyễn Thủy.

“Năm 2022, Saigon Co.op phối hợp với Sở NN-PTNT các địa phương triển khai tận dụng và khai thác các vùng nguyên liệu đã có sẵn theo đề án xây dựng “Liên kết 4 nhà” (Nhà nước - Nhà tư vấn - Nhà nông – Nhà phân phối) thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn Saigon Co.op. Đồng thời, kết hợp cùng các nhà cung cấp đạt chuẩn GlobalG.A.P xây dựng các vùng nguyên liệu đặc thù phù hợp theo nhu cầu kinh doanh và phát triển”, bà Thủy nói.

Bà Thủy cho biết thêm, mỗi năm đơn vị đầu tư 5-6 tỷ đồng/năm cho việc kiểm soát chất lượng hàng hóa. Tại mỗi siêu thị, đều có bộ phận quản lý chất lượng được trang bị thiết bị, dụng cụ chuyên dụng để kiểm tra nhiệt độ, quy cách bảo quản, test nhanh hàng hóa,... đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất tại khâu tiếp nhận, cũng như duy trì tính ổn định khi đến tay người tiêu dùng.

Ngoài việc kiểm soát tại nhà cung cấp, Saigon Co.op cũng thường xuyên lấy mẫu ngẫu nhiên hàng hóa đang kinh doanh tại các điểm bán để kiểm định, phân tích chất lượng tại Trung tâm kiểm nghiệm được cơ quan nhà nước chỉ định. Tại các điểm bán lẻ, các nhân viên kiểm soát chất lượng của Saigon Co.op cũng thực hiện gửi mẫu thực phẩm kiểm nghiệm định kỳ nhằm đánh giá độ ổn định và chất lượng của sản phẩm trong quá trình lưu thông.

Trong bối cảnh thực phẩm sạch, an toàn đang bị lẫn lộn với các thực phẩm kém chất lượng, thì việc kết nối cung cầu để đưa thực phẩm an toàn đến tận tay người tiêu dùng ngày càng trở nên cấp thiết. Vì vậy, việc xây dựng các chuỗi và địa chỉ cung ứng thực phẩm an toàn sẽ mang lại lợi ích cho cộng đồng, đảm bảo sản phẩm thực phẩm đang lưu thông trên thị trường được quản lý chặt chẽ về chất lượng cũng như truy xuất nguồn gốc.

Từ năm 2017, Saigon Co.op tham gia “Chuỗi thực phẩm an toàn” Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM. Chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn giúp việc liên kết kiểm soát tất cả các khâu từ sản xuất ban đầu đến tiêu thụ sản phẩm như: trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt đến thu gom, sơ chế, giết mổ, chế biến, đóng gói, vận chuyển và phân phối tiêu thụ sản phẩm. Qua logo nhận diện sản phẩm tham gia “chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn”, giúp người tiêu dùng phân biệt được sản phẩm đã kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi với sản phẩm khác để lựa chọn.

Xem thêm
1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Cargill tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu ngành chăn nuôi Việt Nam

Gần 30 năm gắn bó với Việt Nam, Cargill luôn khẳng định vị thế dẫn đầu về dinh dưỡng và sức khỏe vật nuôi...

Hà Nội công bố bảng giá đất mới, cao nhất gần 700 triệu đồng/m2

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký Quyết định 71 sửa đổi, bổ sung Quyết định 30 về quy định và bảng giá đất trên địa bàn thành phố.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.