| Hotline: 0983.970.780

Nâng cao chất lượng, phát triển bền vững

Bảo đảm an toàn thực phẩm để sản phẩm nông nghiệp rộng đường tiêu thụ

Thứ Năm 24/11/2022 , 13:52 (GMT+7)

Ngành nông nghiệp Bình Định tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm để các sản phẩm nông nghiệp bay xa.

Đảm bảo an toàn cho các sản phẩm nông nghiệp

Hiện Bình Định đã có 50 sản phẩm của 29 cơ sở, doanh nghiệp được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản xác nhận chuỗi cung ứng nông sản an toàn thực phẩm (ATTP). Những sản phẩm được xác nhận chủ yếu là nước mắm, hải sản, chả ram tôm đất, nem chua, chả lụa, trà các loại…

Theo đánh giá của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Bình Định, tỉnh này có nhiều sản phẩm đặc trưng, sản phẩm làng nghề tiêu biểu, sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, đến nay số lượng sản phẩm được chứng nhận theo chuỗi cung ứng ATTP còn ít. Nguyên nhân là do được sản xuất tại các cơ sở có quy mô nhỏ. Trong đó có nhiều cơ sở chỉ sản xuất theo mùa vụ; cơ sở hạ tầng và trang thiết bị không được chú trọng đầu tư, công tác đào tạo nhân lực phục vụ sản xuất cũng không được quan tâm.

Nước mắm Như Hoa (Thị xã Hoài Nhơn, Bình Định), sản phẩm được chứng nhận theo chuỗi cung ứng ATTP. Ảnh: V.Đ.T.

Nước mắm Như Hoa (Thị xã Hoài Nhơn, Bình Định), sản phẩm được chứng nhận theo chuỗi cung ứng ATTP. Ảnh: V.Đ.T.

Trong khi theo quy định, chuỗi cung ứng nông sản an toàn thực phẩm được xác nhận phải tuân thủ theo quy trình kiểm soát từ sản xuất tới khi đến tay người tiêu dùng. Xuyên suốt chuỗi, tất cả các công đoạn phải được áp dụng chương trình quản lý chất lượng theo hướng đảm bảo an toàn ATTP, đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc, cam kết về đảm bảo ATTP. Sau khi sản phẩm được cấp chứng nhận, định kỳ hằng năm, cơ quan chuyên môn sẽ lấy mẫu giám sát để đánh giá lại chất lượng, nhằm duy trì tính minh bạch chuỗi cung ứng của sản phẩm.

Để đảm bảo ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Bình Định tăng cường công tác giám sát định kỳ, thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thuộc lĩnh vực; trong đó, chú trọng công tác giám sát và hậu kiểm đối với các chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn đã được chứng nhận.

Bún khô, phở khô của Cơ sở sản xuất thực phẩm Kicafoods ở xã Ân Hảo Đông (huyện Hoài Ân, Bình Định) đang được thị trường ưa chuộng. Ảnh: V.Đ.T.

Bún khô, phở khô của Cơ sở sản xuất thực phẩm Kicafoods ở xã Ân Hảo Đông (huyện Hoài Ân, Bình Định) đang được thị trường ưa chuộng. Ảnh: V.Đ.T.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Bình Định đã thực hiện giám sát định kỳ đối với 50 sản phẩm của 29 cơ sở thuộc chuỗi cung ứng, các mẫu giám sát đạt yêu cầu về ATTP. Thực hiện giám sát dư lượng kháng sinh cấm, các chất độc hại trong sản phẩm nông sản với 433 mẫu, trong đó có 36 mẫu không đáp ứng được các quy định về ATTP, chiếm tỷ lệ 8,3%.

Đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng

Theo ông Hồ Phước Hoàn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Bình Định, người tiêu dùng ngày càng khó tính, càng quan tâm đến sức khỏe của mình và của gia đình, nên luôn xét nét thực phẩm mình sử dụng có đủ độ tin cậy về an toàn hay không. Do đó, việc đáp ứng các điều kiện ATTP theo chuỗi ngày càng trở nên cấp thiết hơn, đó cũng là “sinh lộ” của các cơ sở sản xuất.

Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Bình Định, qua kiểm tra cho thấy, những cơ sở có xác nhận chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn được người tiêu dùng tín nhiệm, được thị trường chấp nhận, cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ thênh thang hơn rất nhiều so với nhóm sản phẩm chưa được cơ quan chức năng xác nhận.

“Chuỗi cung ứng nông sản ATTP là giải pháp tiếp sức hữu hiệu cho nông sản Bình Định ngày càng chiếm lĩnh các thị trường khó tính. Trong những năm qua, Bình Định đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng và khai thác thủy sản, từng bước xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ. Hỗ trợ tập huấn nâng cao chất lượng cho từng sản phẩm. Việc có xác nhận chuỗi cung ứng đủ điều kiện ATTP giúp minh bạch thông tin từ sản xuất đến tiêu thụ, tạo được niềm tin nơi người tiêu dùng”, ông Hồ Phước Hoàn, chia sẻ.

Bún khô làm bằng gạo lức, sản phẩm độc đáo của Cơ sở sản xuất thực phẩm Kicafoods đang được thị trường ăn mạnh. Ảnh: V.Đ.T.

Bún khô làm bằng gạo lức, sản phẩm độc đáo của Cơ sở sản xuất thực phẩm Kicafoods đang được thị trường ăn mạnh. Ảnh: V.Đ.T.

Ví như sản phẩm của bún, phở khô của cơ sở sản xuất thực phẩm Kicafoods ở xã Ân Hảo Đông (huyện Hoài Ân, Bình Định). Các sản phẩm của Kicafoods hiện đang  được thị trường đón nhận rất tích cực, có mặt tại nhiều địa phương như: TP.HCM, Nha Trang, Đồng Nai, Gia Lai, Đà Nẵng, Quảng Trị… Ngoài ra, sản phẩm của Kicafoods còn đang được người tiêu dùng ở Lào và Campuchia ưa chuộng.

“Trong thời gian qua, công tác giám sát  ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp ở Bình Định ngày càng cho thấy hiệu quả rõ rệt. Nhờ khâu giám sát chặt chẽ và hậu kiểm nghiêm túc, các cơ sở sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn đồng loạt đổi mới tư duy. Sản xuất giảm dần kiểu “ăn xổi ở thì” mà chú trọng đầu tư hạ tầng, trang thiết bị để đảm bảo an toàn thực phẩm theo đúng quy trình. Tỷ lệ vi phạm trong lĩnh vực ATTP các sản phẩm nông nghiệp giảm, tỷ lệ cơ sở đăng ký xác nhận chuỗi cung ứng an toàn trên địa bàn Bình Định ngày càng tăng cao là 1 minh chứng”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở N-PTNT Bình Định, đánh giá.

(Bài viết có sự phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm