Tự động hóa và tiết kiệm năng lượng
Bình Phước hiện có hơn 134.000ha điều, chiếm gần 50% diện tích điều cả nước, trong đó có 132.000ha đang cho thu hoạch, sản lượng hàng năm đạt khoảng 150.000 tấn. Với nguồn nguyên liệu lớn, Bình Phước có nhiều doanh nghiệp chế biến, kinh doanh điều với 290 công ty và khoảng 600 cơ sở sản xuất, chế biến nhỏ.
Công ty sản xuất, chế biến điều Phúc An (Bình Phước) có dây chuyền tự động hoá trong sản xuất, chế biến điều |
Tuy nhiên, sản lượng thu hoạch mấy năm vừa qua chỉ đáp ứng được 25% công suất chế biến, tỉnh phải nhập thêm điều thô từ châu Phi về chế biến nên phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ nước ngoài. Điều này dẫn tới 80% cơ sở sản xuất vừa và nhỏ phải đóng cửa.
Anh Vũ Mạnh Tùng (SN 1982, ngụ huyện Phú Riềng) có 9 năm làm việc trong ngành chế biến điều tại một công ty đóng trên địa bàn TX. Phước Long cho biết, sản xuất, chế biến điều là một trong những ngành mũi nhọn, đóng góp lớn vào ngân sách của tỉnh. Việc ứng dụng tự động hóa trong sản xuất, chế biến điều ngày càng được áp dụng rộng rãi trong nhà máy. “Tuy nhiên việc ứng dụng tự động hóa làm gia tăng chi phí năng lượng. Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là vấn đề rất được quan tâm”, anh Tùng nói.
Theo Sở Công thương Bình Phước, hệ thống tiêu thụ điện năng chủ yếu của nhà máy sản xuất chế biến điều thường tập trung vào các dây truyền sản xuất và hệ thống máy nén khí, các phụ tải chiếu sáng và một số thiết bị khác chiếm phần trăm không đáng kể. Hệ thống tiêu thụ nhiệt năng từ lò hơi chủ yếu sử dụng trong công đoạn hấp và sấy. Do đó, việc sử dụng năng lượng ở hầu hết nhà máy vẫn còn một số nhược điểm cần phải khắc phục.
Sở Công thương Bình Phước đang phát động phong trào thi đua tiết kiệm điện nói riêng và năng lượng nói chung trong tất cả các nhà máy, cơ sở sản xuất, cải thiện, nâng cấp hệ thống máy nén khí như kiểm tra và khắc phục rò rỉ hệ thống khí nén, gắn biến tần điều khiển thông minh máy nén khí có thời gian chạy không tải nhiều hoặc mua sắm máy nén khí thế hệ mới trong tương lai...
Để tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, cơ sở chế biến điều, năm 2019, bên cạnh việc tiếp tục triển khai đề án khuyến công quốc gia, UBND tỉnh Bình Phước tiếp tục bố trí nguồn vốn cho triển khai chương trình khuyến công địa phương; chú trọng thực hiện đề án chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học, máy móc, thiết bị hiện đại nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Các chuyên gia khảo sát thực tế vườn điều |
Sở Công thương Bình Phước cũng hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh nhằm quảng bá sản phẩm, tìm kiếm cơ hội hợp tác, mở rộng thị trường. Bộ Công thương cũng thông qua đề án khuyến công quốc gia điểm “Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Phước phát triển chế biến hạt điều giai đoạn 2018 – 2020”, dành 9,3 tỷ đồng cho Bình Phước triển khai các nội dung hỗ trợ.
Nâng cao chất lượng chế biến
Mới đây, tại hội thảo nâng cao sản xuất, chất lượng chế biến điều, ông Vũ Duy Khiên, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Bình Phước cho biết, hạt điều Bình Phước có ưu thế vượt trội về chất lượng so với hạt điều nhập khẩu đã góp phần đưa điều trở thành cây công nghiệp thế mạnh, đem lại giá trị xuất khẩu cao. Do đó, thời gian qua tỉnh đã hỗ trợ cho 63 cơ sở sản xuất, kinh doanh điều với số kinh phí hơn 11 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ xây dựng 6 mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến hạt điều xuất khẩu; ứng dụng 5 máy phân loại màu, 16 máy bóc vỏ lụa hạt điều, 5 hệ thống nồi hơi dùng xử lý hạt điều thô và 30 máy cắt tách hạt điều trong dây chuyền chế biến hạt điều xuất khẩu.
Tại hội thảo, nhiều giải pháp được đưa ra nhằm nâng cao, chất lượng sản phẩm hạt điều như áp dụng máy móc, thiết bị hiện đại trong chế biến; áp dụng sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng trong chế biến.
Bà Đỗ Thị Minh Trâm, Phó Cục trưởng Cục Công thương địa phương, Bộ Công thương nhấn mạnh, để giữ được tốc độ phát triển bảo đảm tính ổn định và bền vững, ngành điều Việt Nam nói chung và Bình Phước nói riêng vẫn còn nhiều vấn đề xem xét và cần được quan tâm giải quyết. Trong đó, hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị nhằm nâng cao sản lượng sản phẩm điều nhân nội địa; hỗ trợ mô hình trình diễn kỹ thuật các công nghệ mới; tập huấn nâng cao năng lực quản lý nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất... |