Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Công ty Bagico Bắc Giang, khẳng định: Phương án lưu thông nông sản phải thường xuyên chứ không phải là giải pháp nhất thời.
Theo bà Nguyễn Thị Thành Thực, tình hình giãn cách xã hội ở một số địa phương hiện nay đã ảnh hưởng đến cả người mua lẫn người bán nông sản.
Đối với người mua đó là tâm lý e ngại nông sản từ vùng dịch, e ngại việc đến những vùng có dịch để buôn bán, mặc dù chưa hẳn đã bị cấm. Thậm chí có những trường hợp đã đặt cọc rồi nhưng do tình hình dịch bệnh, sức mua giảm nên họ đã chọn giải pháp an toàn hơn là rút tiền cọc.
Đối với người bán ở các vùng sản xuất có dịch như Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hà Nội, mặc dù nhà nước không ngăn cản tuy nhiên do tâm lý người đi mua ngại đến, hoặc có những địa phương khắt khe, cứng nhắc trong vấn đề kiểm soát đi lại nên tình hình trở nên hết sức khó khăn.
Đặc biệt đối với các mặt hàng như đào, quất, hoa hỏa làm cả năm trông chờ vào phục vụ dịp tết lại càng khốn đốn, nguy cơ mất trắng là rất rõ ràng vì không không có người mua.
“Vấn đề ở đây tôi nghĩ là nằm ở tư duy phương pháp đối phó dịch bệnh và ách tắc thông tin”, bà Thực nói.
Chủ tịch Công ty Bagico Bắc Giang cho rằng, không phải đến thời điểm này mới phải bàn mà vấn đề nông sản cần phải có phương án, giải pháp thường xuyên.
Thị trường nông sản của mình phần nhiều vẫn nhỏ lẻ và kinh doanh đang thiếu kế hoạch, không có nguồn lưu trữ và không có thông tin.
Chúng ta nói nhiều đến chi phí trung gian, đến chênh lệch giữa giá người bán và giá đến tay người tiêu dùng thì mấu chốt vẫn ở chỗ thiếu thông tin mà thôi.
Ví dụ, khi bùng phát dịch, nhu cầu mua vẫn có, một cành đào cắm lọ ở chợ Hà Nội vẫn có giá hàng trăm nghìn trong khi đào ở các vùng sản xuất đang có nguy cơ phải chặt bỏ. Tức là cung và cầu đều có và vấn đề ở đây là khâu lưu thông đang bị ách tắc.
Vì vậy, tôi nghĩ rằng giải pháp phải là chính quyền các địa phương cần có những phương án hỗ trợ người sản xuất khi bùng phát dịch. Ví dụ một xã vùng trồng đào có thể bị cách ly không có nghĩa là nội bất xuất ngoại bất nhập, không có nghĩa là chỉ tập trung đảm bảo phương án an toàn cho con người mà cần phải có phương án giải cứu nông sản, kinh tế của họ.
Trước hết cần phải thông tin rằng vùng đào đó số lượng còn bao nhiêu, giá cả như thế nào để thông tin đến người mua. Thứ hai là cần thực hiện các biện pháp đảm bảo việc mua bán vẫn có thể thực hiện, tất nhiên là phải đảm bảo an toàn.
Người dân trong vùng cách ly vẫn có thể sản xuất, vẫn có thể thu hoạch, vận chuyển lên xe nếu thực hiện tốt các biện pháp khử trùng. Người mua cũng vậy, xe cộ vận chuyển cũng vậy, virus nguy hiểm đấy nhưng có phải nó nằm sẵn ngoài đồng, ngoài đường đợi người đến để bám vào đâu.
Cho nên chính quyền các địa phương cần linh hoạt bố trí thực hiện các biện pháp vừa đảm bảo an toàn vừa hỗ trợ điều kiện tối đa cho nông sản có thể lưu thông. Còn như hiện tại người dân vẫn tự quây nhau, kêu gọi giúp nhau trên facebook như thế là không chuyên nghiệp.
Doanh nghiệp chúng tôi cũng tính đến các phương án thu mua giúp bà con nhưng ai thu hoạch, ai vận chuyển đi lại là cả một vấn đề.
Tôi cũng nghĩ rằng, trong bối cảnh như thế này cũng là một cơ hội để chúng ta số hóa trong nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực nông sản. Nhà nước cần có thống kê, dữ liệu thời vụ, thị trường, chất lượng, giá cả, cần có sự quan tâm đến người dân, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của người dân, xem thử họ trồng thế này thì bán ở đâu…