| Hotline: 0983.970.780

Giảm nhiệt lây nhiễm bệnh từ động vật nhờ ‘Một sức khỏe’

Thứ Tư 03/08/2022 , 18:46 (GMT+7)

Ngày 3/8, Hội thảo khởi động Sáng kiến Một sức khỏe của CGIAR và Dự án ICT4Health đã diễn ra tại Hà Nội.

Thủ phạm gây 60% trường hợp bệnh truyền nhiễm ở người

Hội thảo do Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) tổ chức nhằm giới thiệu và khởi động hai dự án mới do Bộ Nông nghiệp, Lương thực và Nông thôn Hàn Quốc tài trợ. Các dự án thuộc chương trình nghiên cứu Một sức khỏe của Tổ chức Cố vấn Quốc tế về Nghiên cứu Nông nghiệp (CGIAR).

Theo đó, dự án “Bảo vệ sức khỏe con người thông qua cách tiếp cận Một sức khỏe” và dự án Cải thiện sức khỏe con người thông qua các chuỗi giá trị bền vững trong tương tác giữa con người - động vật và môi trường dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin tại Việt Nam (ICT4Health) sẽ được ILRI triển khai tại Việt Nam với các cơ quan đối tác, dự kiến trong đó có Viện Thú y.

Việt Nam được xác định là một trong những điểm nóng toàn cầu có nguy cơ rất cao xuất hiện các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người. Ảnh minh họa.

Việt Nam được xác định là một trong những điểm nóng toàn cầu có nguy cơ rất cao xuất hiện các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người. Ảnh minh họa.

Thông tin từ hội thảo cho biết, các bệnh truyền lây từ động vật sang người không chỉ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe con người, sinh kế và nền kinh tế, mà còn được dự đoán sẽ xảy ra thường xuyên hơn trong tương lai do nhu cầu đầy mạnh chuỗi sản xuất chăn nuôi và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng. Đặc biệt báo động là chuỗi sản xuất chăn nuôi có khả năng là ổ chứa mầm bệnh lây truyền từ động vật sang người, và liên quan tới 60% các trường hợp bệnh truyền nhiễm ở người.

Thói quen tiêu thụ các sản phẩm động vật hoang dã thường thấy ở Việt Nam và nhiều nước châu Á có thể làm lây lan thêm các loại virus có khả năng gây thành đại dịch. Như đã được ghi nhận ở một vài quốc gia trong khu vực, ngành chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản góp phần gây ra tình trạng kháng kháng sinh do sự phổ biến của việc lạm dụng hoặc sử dụng sai thuốc kháng sinh.

Việt Nam được xác định là một trong những điểm nóng toàn cầu có nguy cơ rất cao xuất hiện các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người bao gồm các bệnh lây truyền từ vật nuôi, động vật hoang dã hoặc hệ sinh thái. Tổ chức Y tế Thế giới xếp Việt Nam vào nhóm các nước có tỉ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới. Theo Ngân hàng thế giới, mất an toàn thực phẩm gây thiệt hại hơn 100 tỷ USD mỗi năm trên toàn cầu, chủ yếu ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam.

Lối thoát từ “Một sức khỏe”

Để giải quyết các thách thức này, cần có giải pháp giúp phòng, chống hiệu quả các bệnh lây truyền từ động vật sang người, kiểm soát kháng kháng sinh, tăng cường an toàn thực phẩm, giúp bảo vệ sức khỏe con người, vật nuôi…t rong bối cảnh biến đổi khí hậu và nguy cơ xuất hiện các bệnh lây truyền từ động vật sang người có xu hướng ngày càng gia tăng.

TS Jimmy Smith, Tổng giám đốc ILRI nhấn mạnh: “Giải quyết những thách thức này đòi hỏi quyết tâm vượt qua các rào cản thể chế, giúp thúc đẩy hợp tác liên ngành, đưa ra các bằng chứng mạnh mẽ hơn về tầm quan trọng và hiệu quả chi phí của việc áp dụng nguyên tắc Một sức khỏe vào quản lý hệ thống thực phẩm như những gì mà sáng kiến Một sức khỏe và dự án ICT4Health sẽ áp dụng.”

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trong thời gian qua, tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi của Việt Nam luôn ở mức cao. Tuy nhiên với sự hỗ trợ từ sáng kiến Một sức khỏe, sự quan tâm sâu rộng hơn nữa về an toàn thực phẩm, tốc độ tăng trưởng và sản lượng của ngành chăn nuôi sẽ được thúc đẩy hơn nữa, phục vụ tốt hơn cho phát triển kinh tế xã hội.

“Chúng ta sẽ không chỉ hiểu đơn giản về cách tiếp cận Một sức khỏe là vấn đề an toàn thực phẩm, an toàn sinh học mà hơn nữa, thực phẩm an toàn sẽ quyết định trí tuệ, chiều cao của lực lượng lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao hai dự án mới trong khuôn khổ tiếp cận 'Một sức khỏe'. Ảnh: Linh Linh. 

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao hai dự án mới trong khuôn khổ tiếp cận "Một sức khỏe". Ảnh: Linh Linh. 

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đánh giá hai dự án trong khuôn khổ sáng kiến “Một sức khỏe” sẽ hỗ trợ cho các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng các bằng chứng khoa học, từ đó đưa ra những lựa chọn chính sách giúp phòng chống, kiểm soát tốt hơn các bệnh dịch, kháng kháng sinh và cải thiện an toàn thực phẩm.

Thứ trưởng khẳng định Bộ NN-PTNT sẽ tạo điều kiện thuận lợi về nhân sự, cơ chế phối hợp và sớm hoàn thiện văn kiện dự án để tiến hành các thủ tục tiếp nhận theo quy định hiện hành để đảm bảo thực hiện tốt nhất 2 dự án nói trên.

Hai dự án hướng đến áp dụng cách tiếp cận Một sức khỏe để đảm bảo sự tham gia đa ngành và đa lĩnh vực nhằm giải quyết các mối đe dọa của các bệnh truyền nhiễm từ động vật. Cả hai dự án sẽ giúp tăng cường năng lực cho các đối tác quốc gia trong giám sát, phát hiện sớm và ứng phó khẩn cấp, phòng chống dịch bệnh, đưa ra khuyến nghị cho các nhà hoạch định chính sách. Hai dự án sẽ mang lại lợi ích cho sức khỏe con người, động vật và môi trường và hiệp đồng với nhau để đạt được các mục tiêu đã đặt ra.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng chia sẻ tại các phiên thảo luận về kinh nghiệm, thực hành cách tiếp cận Một sức khỏe trong khu vực và toàn cầu, làm thể nào để lồng ghép và thực hiện hiệu quả các sáng kiến tại Việt Nam cũng như thảo luận các nội dung liên quan đến hai dự án.

Sáng kiến Một sức khỏe của CGIAR được cấu trúc theo năm hợp phần gồm bệnh truyền nhiễm từ động vật, an toàn thực phẩm, kháng kháng sinh, môi trường (nước và động vật hoang dã), và kinh tế, quản trị và hành vi.

Dự án ICT4Health có năm hợp phần gồm đánh giá các khoảng trống trong việc xác định các bệnh động vật xuyên biên giới và các bệnh truyền lây từ động vật sang người mới nổi hiện nay; thành lập các nhóm công tác giám sát Một sức khỏe đối với các bệnh động vật xuyên biên giới và các bệnh truyền lây mới nổi từ động vật sang người và thiết lập mạng lưới giữa các nhóm với các đối tác giám sát chủ chốt; tiến hành các nghiên cứu thí điểm về một hệ thống giám sát và theo dõi sử dụng CNTT ứng phó với các bệnh động vật xuyên biên giới và các bệnh truyền lây mới nổi từ động vật sang người; áp dụng các công cụ và phương pháp giúp tăng cường hoạt động giám sát các bệnh động vật xuyên biên giới và các bệnh truyền lây mới nổi từ động vật sang người; và xây dựng các chiến lược nhằm tăng cường các dịch vụ khuyến nông và chia sẻ lợi ích, quyền bình đẳng cho phụ nữ thông qua các can thiệp dựa trên bình đẳng giới.

Theo bà Vũ Thị Phượng, Điều phối Đối tác Một sức khỏe - Bộ NN-PTNT, hai dự án đóng vai trò hỗ trợ tích cực cho nhiều kế hoạch hành động "Một sức khỏe" giai đoạn 2021 - 2025 được ký kết vào ngày 23/3/2021.

Đại diện Bộ NN-PTNT đã đề xuất thông qua các biện pháp can thiệp của hai dự án hỗ trợ trực tiếp việc ứng dụng nghiên cứu trong chăn nuôi, thú y và thực phẩm góp phần triển khai một số mục tiêu và nhiệm vụ của Khung đối tác Một sức khỏe; tăng cường năng lực cho khối viện, trường, nhà sản xuất, người tiêu dùng các sản phẩm chăn nuôi... trong việc giám sát, phát hiện sớm và ứng phó khẩn cấp, phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi, từ đó đưa ra khuyến nghị cho các nhà hoạch định chính sách, giảm gánh nặng bệnh tật do thực phẩm...

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Viện Cây ăn quả miền Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Tiền Giang Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri) vừa tổ chức lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và kỷ niệm 30 năm thành lập Viện 1994 - 2024.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.