Nhiều băng rôn kêu gọi hạn chế rác thải nhựa đã xuất hiện ở nhiều cơ sở khám chữa bệnh uy tín tại Hà Nội và TP.HCM.
Tác phẩm sắp đặt Cơn sóng rác trong triển lãm Xả rác ít thôi. |
Cụ thể, ngành y tế làm gì cho cuộc vận động đầy thiện chí ấy? Bà Nguyễn Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Quản lý môi trường của Bộ Y tế, chia sẻ: “Thứ nhất, tăng cường sử dụng thuốc bằng đường uống nếu có thể. Thứ hai, sử dụng các vật dụng, vật tư, thiết bị y tế, bao bì, dụng cụ đóng gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng trong quá trình khám, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh.
Trên thực tế, ngành y tế là một trong những lĩnh vực phát sinh rất nhiều chất thải nhựa. Có khoảng 5% rác thải y tế là rác thải nhựa. Trung bình mỗi ngày có khoảng 22 tấn chất thải nhựa được thải ra từ các hoạt động y tế trên toàn quốc. Vì vậy, hạn chế rác thải nhựa trong ngành y tế sẽ góp phần không nhỏ cho hành trình đẩy lùi hiểm họa rác thải nhựa tại Việt Nam. Với quyết tâm của đội ngũ cán bộ và nhân viên y tế, thì chiến dịch hạn chế rác thải nhựa hoàn toàn khả quan, Bởi lẽ, Việt Nam đã xây dựng được bệnh viện dã chiến cấp 2 không rác thải nhựa để đưa sang Nam Sudan tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc.
Lý do gì khiến rác thải nhựa làm đau đầu nhân loại? Rất đơn giản, rác thải nhựa cần thời gian rất lâu mới có thể phân hủy. Dù được chôn trong đất ẩm, thì một túi nhựa cũng cần ít nhất 100 năm để phân hủy, còn một chai nhựa cần ít nhất là 200 năm để phân hủy. Nghĩa là rác thải nhựa khi được vứt ra sau khi thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng, thì con người phải sống chung với nó nhiều thế hệ.
Các quốc gia phương Tây đã nhìn thấy mức độ tàn phá môi trường của rác thải nhựa từ lâu, trong khi nhiều nước Đông Nam Á vẫn hồn nhiên với rác thải nhựa. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ giảm được 65% số lượng túi nilon sử dụng tại các siêu thị và các trung tâm thương mại, nhắm ngăn chặn hậu quả ô nhiễm do rác thải nhựa gây ra.
Một thống kê của Bộ TN-MT công bố gần đây cho biết, mỗi ngày Hà Nội thải ra 4.000 - 5.000 tấn rác, trong đó rác thải nhựa chiếm 7 - 8%. Chỉ tính riêng hai đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM, thì mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa. Đáng lo ngại hơn, lượng rác thải nhựa của cả nước chiếm khoảng 8 - 12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Nếu trung bình khoảng 10% lượng rác thải nhữa chất không được tái sử dụng, thì mỗi năm môi trường phải gánh thêm 2,5 triệu tấn rác thải nhựa.
Ngành y tế đã đương đầu với thách thức rác thải nhựa, thì những ngành khác cũng không thể đứng ngoài cuộc một cách vô can!