| Hotline: 0983.970.780

Giảng đường không phải chọn lựa duy nhất

Thứ Năm 27/06/2019 , 07:20 (GMT+7)

Gần 900 ngàn thí sinh trên cả nước bước vào kỳ thi THPT Quốc gia 2019.

cb384788096c573518100657335
Ảnh mang tính minh họa.

Các quy định về giám thị và giám sát tất cả địa điểm thi được thực hiện chặt chẽ hơn, vì dư âm vụ gian lận năm ngoái ở Hòa Bình, Sơn La và Hà Giang vẫn còn để lại day dứt chưa nguôi. 12 năm đèn sách, một phen cá vượt vũ môn, tâm lý lo lắng và hồi hộp trong chỉ phảng phất khuôn mặt mỗi thí sinh mà còn rõ nét ở ánh mắt mỗi bậc phụ huynh.

Trong một xã hội vẫn đang quá ưa chuộng bằng cấp, không ai muốn con em mình bị bỏ lại phía sau vì không được bước chân vào đại học để thành cử nhân hoặc kỹ sư. Áp lực thi cử bây giờ đã giảm nhiều so với trước đây, nhưng những căng thẳng và những hệ lụy vẫn rất đáng suy ngẫm.

Giảng đường có phải là cánh cửa duy nhất để vào đời không? Chắc chắn không! Rất nhiều nhân vật thành đạt mà chưa từng học đại học. Ngược lại, hàng vạn người sau khi hoàn thành chương trình đại học đã rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp, hoặc chấp nhận làm những công việc không liên quan gì đến chuyên môn được đào tạo.

Thực trạng “thừa thầy thiếu thợ” đã được cảnh báo nhiều năm, mà mục tiêu giáo dục nước nhà chẳng thấy chuyển biến gì về công tác hướng nghiệp. Thị trường lao động bỗng nhiên trở thành ẩn số với từng gia đình.

Khi tốc độ phát triển được cộng hưởng bởi tiến bộ công nghệ, thì kinh nghiệm của bố mẹ không phải quà tặng đáng tin cậy cho con em mình. Tuy nhiên, điều quan trọng mà bố mẹ có thể làm cho con em mình, đó là sự thấu hiểu và sự sẻ chia trước mỗi kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia.

Bố mẹ nào cũng yêu thương con và mong muốn tương lai tốt đẹp cho con, thực tế ấy không ai phủ nhận. Thế nhưng, bởi tâm lý luôn cho rằng con mình vẫn bé bỏng, nên không ít bố mẹ quên rằng: mỗi người cần được sống cuộc đời của họ, và làm công việc phù hợp với sở trường của họ. Đừng đặt con mình vào cơn khủng hoảng đam mê bằng cấp. Và bố mẹ đừng bắt con ganh đua vị trí ở giảng đường vì… láng giềng đều có thân nhân vào đại học.

Kỷ nguyên internet kết nối toàn cầu đang chia đều cơ hội cho mọi người, kể cả cơ hội học hành, cơ hội làm việc và cơ hội sáng tạo. Giá trị tự đào tạo có ý nghĩa cao hơn giá trị được đào tạo. Chỉ cần có nhu cầu vươn lên, thì không nhất thiết phải đến giảng đường mới đạt được mục tiêu. Nếu vào đại học mà ngồi nhầm chỗ hoặc chọn nhầm nghề thì lãng phí không sao kể hết, về thời gian và tiền bạc. Một tú tài làm chủ tiệm tạo hóa ở thị trấn yên vui, và một cử nhân đi bán hàng thuê ở siêu thị ồn ào, ai hạnh phục hơn ai là câu hỏi mà những người biết trân trọng hạnh phúc mới trả lời được rành mạch.

Giảng đường chỉ là một cánh cửa vào đời, chứ không phải lối đi duy nhất vào đời!

(Kiến thức gia đình số 26)

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Người tái hiện cảnh Bắc Bộ xưa trên cánh đồng làng

Cánh đồng Ngãi và Chành bỏ hoang chục năm nay bỗng một ngày xuất hiện một đầm sen rộng bát ngát và mấy căn chòi bằng gỗ lá đầy hấp dẫn bước chân người.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.