| Hotline: 0983.970.780

Giáo sư Nguyễn Huy Dung tim học lên cao nhập cõi thơ

Chủ Nhật 12/05/2024 , 10:47 (GMT+7)

Giáo sư Nguyễn Huy Dung, một chuyên gia tim mạch học hàng đầu Việt Nam và là em ruột của nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai, đã qua đời tại TP.HCM ở tuổi 94.

Giáo sư Nguyễn Huy Dung (1931- 2024).

Giáo sư Nguyễn Huy Dung (1931- 2024).

Giáo sư Nguyễn Huy Dung sinh ngày 22/11/1931 tại Nghệ An, trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Năm 19 tuổi, giáo sư Nguyễn Huy Dung thoát ly vào chiến khu, sau đó được đào tạo y khoa tại Liên Xô. Năm 1963, ông nhận bằng Tiến sĩ chuyên khoa tim mạch và trở về phục vụ cho ngành y học Việt Nam.

Ngoài nghiên cứu khoa học, giáo sư Nguyễn Huy Dung cũng trực tiếp đào tạo nhiều thế hệ bác sĩ tim mạch. Ông có nhiều năm tham gia Hội đồng Sức khỏe Nhà nước, và được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân.

Giáo sư Nguyễn Huy Dung từng bộc bạch hoàn cảnh cá nhân: “Sau khi hai chị Nguyễn Thị Minh Khai (1910 - 1941) và Nguyễn Thị Quang Thái (1915 - 1944) đi theo con đường dấn thân cứu nước, cha mẹ tôi mới sinh thêm tôi. Vì vậy, tôi ít hơn các chị của mình rất nhiều tuổi. Sau này lớn lên, tôi cũng có rất ít ký ức về các chị của mình”.

Giáo sư Nguyễn Huy Dung có nhiều công trình khoa học có giá trị như cẩm nang y học Việt Nam, mà tiêu biểu phải kể đến “Nghiên cứu đột quỵ do xuất huyết não ở Việt Nam” và “Bệnh sốt thấp cấp ở Việt Nam”.

Ngoài chuyên ngành tim mạch, giáo sư Nguyễn Huy Dung còn có đam mê thi ca. Ông là hội viên Hội Nhà văn TP.HCM, đã xuất bản một số tập thơ “Nửa gánh”, “Thời gian”, “Yêu có nguội dần”, “Huyền diệu”, “Cát pha lê”, “Em từ đâu đến”…

Mối quan hệ giữa tim mạch và thi ca, được giáo sư Nguyễn Huy Dung lý giải: “Sương giăng giăng đỉnh trời trầm mặc/ Tim học lên cao nhập cõi thơ”.

Giáo sư Nguyễn Huy Dung sống giản dị và chan hòa với mọi người. Thơ Nguyễn Huy Dung cũng ấm áp và ân cần như tính cách của ông: “Tuổi leo thang mái tóc/ Tự vấn tâm không lùi”.

Những năm cuối đời, giáo sư Nguyễn Huy Dung ngẫm ngợi “Tầm vóc mỗi người ta/ Tầm nhân văn chính tà/ Để không nhầm thật giả/ Cần đợi lúc đi xa?”. Lắm lúc, ông ưu tư: “Nhân sinh ảo ảnh được thua/ Giấc kê ảo vọng, cợt đùa chơi vơi/ Cõi mê đố kỵ nực cười/ Ưu phiền trừ bớt kiếp người trôi qua”.

Trong sáng và nhạy cảm, giáo sư Nguyễn Huy Dung đôi khi cũng phẫn nộ “Chim trốn bình minh, cây nín lặng/ Mặc hồn tôi thét khản đau thương” vì ông nhận ra “Hoàn lương cũng sáu bảy đường/ Đường “chừa tham nhũng” xem chừng vắng ngoe”.

Suốt 94 năm tận tụy cống hiến, giáo sư Nguyễn Huy Dung từ giã cõi người vào lúc 16h30 ngày 10/5/2024, một cách lặng lẽ và thanh thản: “Bằng lòng làm đốm lửa/ Leo lét góc nhân gian/ Từ căn phòng cửa mở/ Thèm đón gió đại ngàn”.

Linh cữu giáo sư Nguyễn Huy Dung được quàn tại Nhà tang lễ quốc gia phía Nam (số 5 Phạm Ngũ Lão, phương 3, quận Gò Vấp, TP.HCM). Lễ viếng từ 16h ngày 13/5 đến 6h ngày 15/5, hỏa táng tại Hoa viên nghĩa trang Sala Garden Long Khánh, Đồng Nai.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT tiếp nhận 25 tổ chức Đảng, gần 1.000 đảng viên

Chiều 5/12, Đảng ủy Khối và Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức lễ chuyển giao và tiếp nhận 25 tổ chức Đảng và 986 đảng viên về trực thuộc Đảng bộ.

Hợp tác báo chí - khoa học tăng cường an toàn thực phẩm

Những thách thức trong truyền thông về an toàn thực phẩm đã tạo ra không gian trao đổi sôi nổi giữa các nhà báo, nhà khoa học và đại diện cộng đồng.

Đưa cây thuốc đi xa hơn bản làng

Ở Sa Pa (Lào Cai) có một cộng đồng người Dao đỏ đắm đuối với cây thuốc bản địa, đắm đuối với bài thuốc cha ông. Họ kiên trì đưa cây thuốc đi xa hơn bản làng...