Tại hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2019 do Bộ kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT) tổ chức mới đây, Giám đốc sở KH&ĐT thành phố Hồ Chí Minh Sử Ngọc Anh đã kêu than: "Đội ngũ làm quy hoạch của TP Hồ Chí Minh không nhiều. Vừa qua, chúng tôi làm hai, ba quy hoạch nhưng đều thất bại. Đội ngũ giáo sư, tiến sỹ làm về quy hoạch rất ít. Nếu địa phương phải làm quy hoạch của tỉnh phù hợp với quy hoạch của quốc gia, của vùng thì lấy đâu nhân sự để làm?”.
Trước đó, tại cuộc họp bàn về việc sửa chữa cầu Thăng Long, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cũng đã phải thốt lên “Nếu không sửa được cầu Thăng Long thì ngành Giao thông xấu hổ với dân. Chúng ta có rất nhiều Giáo sư, Tiến sỹ, Kỹ sư ở các viện, các đơn vị, mà có một cái cầu, sửa mãi không xong”.
Mặt cầu Thăng Long sau nhiều lần sửa chữa vẫn tiếp tục hằn lún. (Ảnh: VietNamNet) |
Hai lời than thở của hai vị lãnh đạo trên, đã khiến dư luận đặt câu hỏi: Có phải chúng ta thiếu Giáo sư, Tiến sỹ thật không? Con số 24.500 Tiến sỹ, trong đó 16.500 Tiến sỹ đang làm việc tại các trường đại học. 574 Giáo sư và 4.113 phó giáo sư đang làm việc ở các trường đại học, là con số ít ư? Có một đội ngũ Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sỹ hùng hậu như vậy, lẽ nào không chọn ra được vài ba chục người đủ tầm làm quy hoạch cho một thành phố, dù thành phố đó là đầu tàu kinh tế của cả nước, hay một vài chục vị đủ khả năng để sửa chữa một cây cầu? Để đến nỗi làm đến hai, ba quy hoạch mà thất bại vẫn hoàn thất bại, và có mỗi một cái mặt cầu mà sửa đi sửa lại vẫn không xong?
Vậy phải chăng trình độ của các Tiến sỹ, các Phó giáo sư, các giáo sư của chúng ta quá yếu? Trong hàng vạn Tiến sỹ đó, có bao nhiêu là Tiến sỹ giả, hay là Tiến sỹ học giả bằng thật, những Tiến sỹ 17.000 USD, những Tiến sỹ làm và bảo vệ luận án ở nước ngoài nhưng một từ tiếng Anh không biết? Bao nhiêu là giáo sư, Phó giáo sư “chạy”? Những bằng cấp và học hàm cao chót vót của các vị chỉ để “giải quyết khâu oai”, chứ thực lực thì thấp lè tè, khi đến việc thì “ngậm hạt thị”.
Hay phải chăng vì bị đối xử không ra gì, thù lao công việc quá thấp nên chẳng ai dại gì chường mặt ra mà “ôm rơm cho rặm bụng” ?
Nhiều Tiến sỹ, Giáo sư, Phó giáo sư, nhưng việc sử dụng họ thế nào, là một vấn đề hết sức quan trọng. Và đã dùng, thì đối xử với họ như thế nào, lại còn quan trọng hơn. Ngày xưa, Lưu Bang chỉ là một người thất học, nhưng lại có tài dùng được những nhân tài kiệt xuất như Trương Lương, Hàn Tín, Tiêu Hà...Để cuối cùng xây dựng nên triều Hán kéo dài tới 400 năm. Bài học đó, đến nay, vẫn còn nguyên giá trị đối với những người lãnh đạo.