| Hotline: 0983.970.780

Giáo sư toán học và những nghĩ ngợi phiêu lưu ký

Thứ Bảy 16/07/2022 , 11:30 (GMT+7)

Ưu điểm của một nhà toán học ở giáo sư Vũ Hà Văn càng bộc lộ rõ hơn khi ông chủ động đưa ra cách nhìn riêng về nhân vật, về sự kiện.

Có lẽ nhiều người biết, giáo sư Vũ Hà Văn là một nhân vật toán học nổi tiếng thế giới. Giáo sư Vũ Hà Văn từng được nhận nhiều giải thưởng toán học uy tín toàn cầu, và đang giảng dạy tại Đại học Yale - Mỹ. Suốt thời gian hai năm 2020-2021 vừa qua, giáo sư Vũ Hà Văn ở hẳn tại Việt Nam để thuận tiện chăm sóc hai bậc sinh thành. Và chuỗi ngày ngỡ chừng rất căng thẳng ấy, lại giúp giáo sư Vũ Hà Văn gom góp được một cuốn sách có tên gọi “Giáo sư phiêu lưu ký”, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.

Giáo sư Vũ Hà Văn.

Giáo sư Vũ Hà Văn.

Vì sao giáo sư Vũ Hà Văn tuổi 52 mà in sách lại có cảm giác “phiêu lưu ký”? Ông giải thích: “Đối với tôi, bước ra khỏi những lĩnh vực an toàn của mình thì là một cách dấn thân, cũng có thể hiểu là phiêu lưu. Tôi không phải người viết chuyên nghiệp, cũng không phải nhà nghiên cứu xã hội, mà cuốn sách này có đề cập cả về văn hoá, lịch sử hay nhiều đề tài xã hội khác, thì cũng đã là một cách phiêu lưu rồi”. 

Thực tế, từ nhỏ giáo sư Vũ Hà Văn đã được lặn ngụp trong không gian chữ nghĩa. Có thân phụ là nhà thơ Vũ Quần Phương nên giáo sư Vũ Hà Văn thời niên thiếu đã từng nhiều lần đọc thơ trên Đài Tiếng nói Việt Nam và cũng được trả thù lao như một nghệ sĩ nhí. Bây giờ, giáo sư Vũ Hà Văn viết sách thì cũng xem như tiếp nối truyền thống gia đình. Cuốn sách dày hơn 250 trang của giáo sư Vũ Hà Văn chia làm 5 phần: “Hồi ức tuổi thơ”, “Theo dòng sự kiện”, “Vài đường viền lịch sử”, “Giáo sư phiêu lưu ký” và “Chuyện nghề”. Những bài viết của giáo sư Vũ Hà Văn dù có độ dài ngắn khác nhau, thì cũng chứa đựng nhiều suy tư và thể hiện bằng giọng điệu hài hước, như ông mong muốn: “Chỉ đơn giản là đưa ra một vấn đề hay một câu chuyện, và để cho người đọc tự hình dung và lý giải theo cách của họ. Đối với tôi, việc gợi được trí tưởng tượng, óc phản biện và suy luận của người đọc mới là quan trọng”.

Đọc cuốn sách “Giáo sư phiêu lưu ký”, điều khiến độc giả bất ngờ là khả năng diễn đạt rất thông minh và khéo léo của giáo sư Vũ Hà Văn. Có những chữ được giáo sư Vũ Hà Văn đặt đúng chỗ, trở nên đắc địa. Ví dụ, chữ “thiên tài” trong đoạn văn mà giáo sư Vũ Hà Văn nói về áp lực của học sinh thế hệ mình ứng tuyển vào lớp chuyên toán: “Sở Giáo dục ra một quyết định thiên tài là các kỳ thi tuyển phải được tổ chức vào cuối hè, nên từ đầu tháng Sáu đến giữa tháng Tám, tổng cộng chừng bảy mươi nhăm ngày, các phụ huynh mỗi ngày nhắc nhở ba lần “con phải lo thi xong đã, rồi chơi gì hãy chơi”. Thi xong là chừng 20 tháng Tám, không biết chơi gì bây giờ? Nên học sinh chuyên toán khi lớn lên, yêu quý kinh trọng thầy cô giáo thì có, nhưng tình cảm với sở thì hình như không được mặn mà”.

Cuốn sách 'Giáo sư phiêu lưu ký'.

Cuốn sách "Giáo sư phiêu lưu ký".

Sau khi tốt nghiệp trung học ở trường Chu Văn An- Hà Nội, chàng trai Vũ Hà Văn đã sang Hungary học chuyên ngành toán lý thuyết ở Đại học Eotvos Lorand, rồi làm luận án Tiến sĩ tại Đại học Yale- Mỹ. Ký ức những ngày hồn nhiên được giáo sư Vũ Hà Văn ngoái lại với nhiều bâng khuâng và mong muốn những bạn nhỏ hôm nay hãy biết trân trọng giai đoạn tươi đẹp ấy: “Thời gian của chúng ta không mất, nó hóa thành trí tuệ, thành tâm hồn chúng ta. Nó không mất nên chẳng cần tìm, và dù có tìm cũng không thấy được. Đường tiến thân có nhiều, mà tuổi thơ chỉ có một”.

Giáo sư Vũ Hà Văn tư duy mạch lạc và khoa học. Tuy nhiên, ưu điểm của một nhà toán học ở giáo sư Vũ Hà Văn càng bộc lộ rõ hơn khi ông chủ động đưa ra cách nhìn riêng về nhân vật, về sự kiện. Vì vậy, những điều ông bàn thêm về Trần Anh Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ, Triệu Vũ Đế, Đào Duy Từ, Lê Thái Tông, Trần Khắc Chung, Lê Văn Duyệt... rất thú vị. Thậm chí, khi bày tỏ sự hâm mộ dành cho vạn thế sư biểu Khổng Tử, giáo sư Vũ Hà Văn còn nắc nỏm: “Giá ông sinh thời này ở Mỹ, thì sự nghiệp chính trị chắc phải xán lạn hơn nhiều. Gì chứ chức ứng cử viên nặng ký cho ngôi tổng thống không cần phải nói”.

Với tên tuổi của giáo sư Vũ Hà Văn, thì có lẽ lĩnh vực giáo dục là phần hứng thú nhất mà công chúng tò mò về cuốn sách “Giáo sư phiêu lưu ký”. Ngoài những câu chuyện “Nhật ký Yale”, giáo sư Vũ Hà Văn cũng đề cập vài góc độ khác của giáo dục trong kỷ nguyên hội nhập toàn cầu. Ông khuyên du học sinh nên chọn thêm dăm trường mà mình cảm thấy chưa phù hợp nhưng vẫn hứng thú, vì “Tâm lý và cách suy nghĩ của học sinh trong năm cuối trung học thay đổi một cách cơ bản khi họ bắt đầu chuẩn bị một cuộc sống mới độc lập, và quan niệm của họ về trường đại học cũng thay đổi theo. Hãy tự dành sẵn cho mình một vài cơ hội khi mà bạn muốn đổi ý”.

Qua những quan sát, so sánh và đối chiếu, giáo sư Vũ Hà Văn cũng không ngần ngại bày tỏ đánh giá về trình độ giáo sư đang gây không ít ái ngại tại Việt Nam. Giáo sư Vũ Hà Văn thẳng thắn nhận định: “Giáo sư giỏi có thể hướng dẫn cùng một lúc nhiều nghiên cứu sinh, mà tất cả đều có thể đạt được chuẩn quốc tế, vì họ biết và theo sát những vấn đề và phương pháp mới trên thế giới, thấy được sự liên hệ giữa các lĩnh vực khác nhau. Nhưng hiện nay, học vị giáo sư dường như chỉ là tấm bằng khen. Các thống kê nhiều lần đăng trên báo cho thấy rất rõ có rất nhiều giáo sư không nghiên cứu mà cũng chả giảng dạy”.

Cuốn sách “Giáo sư phiêu lưu ký” thuyết phục người đọc không chỉ bằng những nghĩ ngợi sâu sắc mà còn bằng những đẩy đưa dí dỏm. Nhân sự kiên Jeff Bezos – Chủ tịch Amazon và Bill Gates – Chủ tịch Microsoft từng tự hào vì rửa bát cho vợ nhưng cuối cùng vẫn ly dị vợ, giáo sư Vũ Hà Văn kiến nghị vui nhộn: “Để bảo vệ hạnh phúc gia đình, chị em phải hết sức cẩn thận với hội rửa bát. Hãy bắt chồng mình đi nhậu, đánh golf, xem đá bóng, chém gió và bí tỉ ở đâu đó. Phải thật kiên quyết, nếu cần thiết dùng đến bạo lực, như gí (nhiều) tiền vào tay và đẩy ra cửa. Đầu óc họ sẽ lâng lâng, chân nam đá chân chiêu đi về nhà, chẳng ngộ được điều hì, ngoài sự tuyệt vời của vợ vậy”.

Giáo sư Vũ Hà Văn cho rằng: “Thường những người có óc hài hước, họ sẽ cười được từ những thứ rất đơn giản, mà thường thì phần lớn mọi người sẽ bỏ qua. Đặc biệt, là khả năng tự giễu. Còn sự khôi hài thì nó hiện diện gần như trong mọi hoàn cảnh, nhưng mỗi người sẽ nhìn sự việc theo một kiểu”. Cho nên, ông nói về người khác chân thành và cũng nói về mình chân thật. Thái độ văn minh trong đối thoại và chia sẻ của giáo sư Vũ Hà Văn tương đối rõ ràng: “Có lẽ ta chỉ có thể đánh giá người xưa theo đúng hoàn cảnh lịch sử của họ thôi. Quan niệm về cái gì là chấp nhận được thay đổi theo thời gian và nhận thức, ngày càng tiến hóa, của con người. Rất có thể một hai trăm năm nữa, hay sớm hơn, khi nhiên liệu của thế giới cạn kiệt, tất cả chúng ta sẽ bị lũ con cháu lên án, vì đã đốt cháy không biết bao nhiêu than đá và dầu mỏ, phạm tội ác nguy hiểm và đáng lên án nhất là hủy hoại trái đất”.

Giáo sư Vũ Hà Văn và cha - nhà thơ Vũ Quần Phương.

Giáo sư Vũ Hà Văn và cha - nhà thơ Vũ Quần Phương.

Như đã nói, giáo sư Vũ Hà Văn là con trai trưởng của nhà thơ Vũ Quần Phương, nên ông không xa lạ với văn chương. Giáo sư Vũ Hà Văn từng đứng trông chiếc xe đạp cho nhà thơ Xuân Diệu mỗi khi “ông hoàng thơ tình” đến nhà chơi và cũng từng được nhà thơ Xuân Diệu cho kẹo ngoại để đi khoe khắp phố. Cho nên, nhớ Xuân Diệu, giáo sư Vũ Hà Văn chốt một câu ngậm ngùi: “Thế hệ của Xuân Diệu ra đi, quy củ của Hội Nhà văn sau đó cũng thay đổi dần, không còn như xưa nữa”.

Đồng thời, giáo sư Vũ Hà Văn cũng đề cao giá trị văn chương trong quá trình bồi dưỡng tâm tính cho con người, như cách ông trân trận tác phẩm “Thương nhớ mười hai” của Vũ Bằng: “Có lẽ nhờ cuốn sách nhỏ này mà tôi giữ được phần nào tình cảm với quê hương. Những dòng chữ nhẹ nhàng mà đằm thắm kia sẽ giữ quê hương trong lòng bạn, sâu lắng và mạnh mẽ hơn ngàn lần những khẩu hiệu khô khan và nhạt nhẽo”.

Xem thêm
'Vết nứt' trong tâm hồn con trẻ khi gia đình tan vỡ

Ngày cha mẹ thông báo quyết định ly hôn, trái tim tôi như bị xé toạc. Cha mẹ cố gắng an ủi rằng họ vẫn yêu thương tôi, điều này tốt nhất cho cả hai.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?