| Hotline: 0983.970.780

Hương vị Việt lưu giữ trong từng món ăn dân dã

Thứ Năm 05/12/2024 , 08:36 (GMT+7)

Hương vị Việt không chỉ khẳng định giá trị nghệ thuật ẩm thực mà còn đọng lại trong ký ức mỗi con người những kỷ niệm về làng quê, về tuổi nhỏ.

Nhà văn Đào Thị Thanh Tuyền.

Nhà văn Đào Thị Thanh Tuyền.

Hương vị Việt từ bàn ăn đến trang viết, đang được nhiều người quan tâm. Nhà văn Đào Thị Thanh Tuyền từng đề cập hương vị Việt trong nhiều cuốn sách như “Sài Gòn, chè mè đen và giai điệu Boléro”, “Trà đá, cơm trưa văn phòng và nhạc Pháp” hoặc “Tàu hũ, bánh, trà và cà phê”. Lần này, hương vị Việt được chị nhắc đến bằng một cuốn sách có tựa đề dung dị “Chuyện của món”.

Nhà văn Đào Thị Thanh Tuyền có sở thích trải nghiệm ẩm thực ở những nơi khác nhau. Cuốn sách “Chuyện của món” là kết quả quá trình “đi để thưởng thức cuộc sống, nghĩ về sự di cư, bản đồ phân bố những món ăn vùng, miền… là một trong những cách giúp con người lớn lên. Có so sánh, để thấy kỷ niệm bao giờ cũng là món quà vô giá mà thượng đế ban tặng cho tất cả mọi người trên thế gian này”

Theo tác giả thổ lộ, “Chuyện của món” chỉ là ghi chép lại từ những câu chuyện ký ức, sự quan sát và bằng kinh nghiệm bếp núc với những món ăn gia đình quen thuộc mà không phải tiệc; những món ăn hàng quán quê mùa hay món ăn đặc biệt của vùng miền nào đó. 

Một góc rất bé nhỏ trong kho tàng hàng ngàn món ăn của ẩm thực Việt, không tham vọng là cuốn sách hướng dẫn nấu ăn hay cẩm nang bếp núc nhưng cũng có vài “công thức” căn bản dựa trên quy luật bình thường của món, nguyên liệu này kết hợp với nguyên liệu kia. 

Món ăn Việt rất phong phú, đa dạng theo từng vùng, miền đất nước có chiều dài hơn ba ngàn cây số, trên rừng, dưới biển... nên chắc chắn, chỉ một món ăn thôi sẽ có thiếu sót, hay bỏ qua không nhắc đến. Còn nữa, cuộc sống như một dòng chảy với những đổi thay liên tục, cộng thêm sự cải tiến về chất và lượng nên món ăn sẽ dồi dào theo nhịp sống, bởi yêu cầu của con người không chỉ là thưởng thức vị ngon mà còn được nhìn ngắm như tác phẩm nghệ thuật.

Một điểm thú vị, tên gọi món ăn Việt còn phụ thuộc vùng, miền. Cũng là một món ăn, hay cùng loại rau, trái nhưng có khi tên gọi khác nhau; hay hai món khác nhau lại cùng tên gọi… dễ gây nhầm lẫn. 

Câu chuyện món ăn tản mạn và gợi nhớ nhiều hơn về những kỷ niệm gắn liền với món ăn đó. Có dáng người mẹ tất tả ra chợ hay những đứa con trông mẹ đi chợ về với những món quà quê...

Con người lớn lên, già đi, kỷ niệm dày thêm, cuốn sổ tay cuộc đời có những món ăn mẹ nấu là hành trang giúp con trưởng thành, bay vào vùng trời mơ ước; để rồi nhìn lại, chỉ có mẹ và những món ăn ngày thơ ấu là mẫu số chung để yêu thương cho tất cả mọi người, thế hệ này sang thế hệ khác. 

“Chuyện của món” là câu chuyện chung trên nền tảng kỷ niệm riêng của từng người, từng gia đình, có thể giống hay khác nhau nhưng đều có cùng ký ức để hồi tưởng khi gặp lại món ăn ngày xưa mẹ nấu. “Chuyện của món” cũng là là câu chuyện mẹ kể, mẹ làm... đó là những điều thật hạnh phúc.

Bởi vậy, nhà văn Đào Thị Thanh Tuyền chia sẻ những hồi ức như cuốn phim quay chậm: “Thật khó quên hình ảnh má ngồi tược lớp xơ bên ngoài phần cọng của từng cái bông bí. Một rổ tú ụ vun ngọn, sau khi làm sạch, rửa rồi xào chỉ còn lại một dĩa (nếu làm món xào tỏi); ít đến nỗi đôi đũa gắp phải nhón nhẹ tay, chứ quơ một đũa là sạch trơn. Để thấy, người làm ra món công phu cỡ nào.

“Mẹ mong gả thiếp về vườn/ Ăn bông bí luộc, dưa hường nấu canh.” Có lẽ, bông bí là nguyên liệu làm thành món ăn quen thuộc trong mỗi gia đình với hai cách thông thường là luộc, xào tỏi hay thịt bò (tôi chưa thấy ai xào bông bí với thịt heo). Cầu kỳ hơn và thường ở các nhà hàng (gia đình ít ai công phu làm) là bọc thịt, chả cá thác lác hay nấm rồi hấp hay chiên giòn. Tất nhiên, món này thì quá ngon rồi”.

Cuốn sách 'Chuyện của món'.

Cuốn sách "Chuyện của món".

Sinh ra và lớn lên ở Khánh Hòa, nên thành phố biển miền Trung cũng có những món ăn khiến nhà văn Đào Thị Thanh Tuyền nắc nỏm: “Ở Nha Trang quê tôi, chợ có cá cơm quanh năm. Vào mùa, không chỉ thấy bán đầy chợ mà còn nhiều điểm ven đường từ thành phố về thôn quê..., có giá khá mềm.

Cá cơm chế biến những món gì? Theo tôi, một món rất quen thuộc của người Khánh Hòa là nấu canh chua. Có người thích ăn cá cơm để nguyên đầu vì theo họ, đầu cá cơm mới có vị béo, ngon. Tuy nhiên, có người bỏ đầu vì cho là ăn “xảm miệng”. Nấu nồi canh chua cá cơm rất đơn giản giống như nấu với các loại cá khác: cà chua, bạc hà, đậu bắp, thơm, me, rau nêm... Canh chua cá cơm có vị thanh, nhẹ nhàng, dễ chịu”.

Cha đẻ của công nghệ marketing hiện tại Philip Kotler khi có chuyến ghé thăm nước ta, đưa ra gợi ý: “Việt Nam hãy trở thành bếp ăn của thế giới”. Cho nên, hương vị Việt càng ngày càng được quốc tế ưa thích. Thạc sĩ ẩm thực Trần Xuân Bách ở Trường Đại học Công nghệ Auckland, New Zealand khi đọc “Chuyện của món” đã bình luận: “Miếng ăn tưởng như là chuyện cỏn con hằng ngày mà sao quan trọng quá vì mỗi ngày, ai cũng sẽ hỏi: ‘Nay ăn gì?’ Nhưng cần gì cao lương mỹ vị, ăn ba bữa là ngán, cần gì thịt độc cá lạ, ăn một lần là tởn, chỉ là con gà mái trong vườn, là con cá vừa đánh ngoài khơi, là cây cải xanh mơn mởn bẻ cọng giòn ngọt, là giọt nước mắm nấu sánh đậm mùi quê, vậy mà thành cái hồn của bếp, cái nếp của nhà, bao tháng năm tảo tần nuôi đàn con khôn lớn.

Trong những câu chuyện của nhà văn Đào Thị Thanh Tuyền, bữa cơm bình dị của má trải dài những tháng năm từ ngày bé cho đến khi lớn khôn dựng vợ gả chồng xen lẫn những chuyến phiêu lưu từ Bắc chí Nam, ngồi quán cóc, ăn bánh canh, húp canh chua nghe nặng trĩu một mối tình nồng nàn với từng hạt gạo, từng cơn sóng, từng buổi chiều tà quê hương. Đọc tác phẩm này là ‘ăn’ những tâm tình, ‘uống’ những chuyến lãng du, để ngẫm về một tình yêu dạt dào với ẩm thực Việt”.

Khép cuốn sách “Chuyện của món”, ngoài hương vị khó quên, còn là hình ảnh thân thương của quê nhà: “Tôi nhớ ngày xưa, má tôi có một cái nồi nhôm cũ, sứt sẹo, móp méo, trong đó có lớp tro mỏng. Nấu nướng xong, má gắp hết những cục than hồng bỏ vào nồi, rồi đậy nắp kín lại, má gọi là nhốt than, không có oxy than sẽ tắt lửa. Những cục than này dành để nấu lần sau. Hay, má có một cái trã là cái thau mẻ, cũ mèm, bên dưới thau có một lớp tro. Má bỏ vài cục than hồng vào cái trã rồi phủ lên một lớp tro mỏng, má gọi là giữ lửa.

Mỗi gia đình có cách giữ lửa riêng, người giữ lửa không ai khác ngoài bà mẹ. Nghĩa đen là vậy, nhưng nghĩa bóng có thể hiểu mẹ là ngọn lửa trong gia đình, mẹ biết cách giữ lửa, giữ gìn mái ấm, truyền cảm hứng sống, năng lượng tích cực cho các con”.

Xem thêm
Sau ly hôn: Hành trình lớn lên từ những mảnh vỡ gia đình

Ly hôn - hai chữ tưởng như là sự giải thoát cho cha mẹ, nhưng lại là khởi đầu của vô vàn nỗi đau và xáo trộn trong cuộc sống của những đứa trẻ.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?