Có lẽ ai cũng biết, thuốc BVTV tiêu diệt sâu bệnh, bảo vệ mùa màng nuôi sống con người với điều kiện dùng đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp, ngược lại lạm dụng thuốc, dùng bừa bãi, tai họa sẽ ập xuống ngay chính mỗi chúng ta!
Nhiều cán bộ cũng bị dính
Chiếc kim đâm ngọt vào đầu ngón tay. Giọt máu đầu tiên rỉ ra bị lau bỏ. Những giọt tiếp theo bị hút vào một ống thủy tinh đem ly tâm, tách lấy huyết tương, nhỏ trên giấy thử. Đây là cảnh thử máu kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tồn dư trong người của các học viên thuộc Trung tâm học tập cộng đồng các xã, thị trấn của 4 huyện ngoại thành Hà Nội gồm Sóc Sơn, Đông Anh, Hoài Đức và Mê Linh do Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường - Bộ Y tế thực hiện ngày 19/1/2018.
Những khuôn mặt căng thẳng. Những ánh mắt đổ dồn vào sự đổi màu của giấy thử sau khoảng 5 - 7 phút. Giữ nguyên màu vàng là mức độ bình thường; chuyển màu vàng sậm là mức độ an toàn; chuyển màu xanh là mức độ nguy cơ còn chuyển màu xanh thẫm là mức độ không an toàn (rủi ro).
Phương pháp này giúp xác định hoạt tính của enzyme cholinesterase - thứ men xúc tác quá trình thủy phân acetylcholin, một chất dẫn truyền thần kinh. Tuy chỉ bằng test kit nhanh tại hiện trường chứ không phải kiểm tra sâu các chỉ tiêu trong phòng thí nghiệm nhưng nó lại mang tính cảnh báo rất cao.
Kết quả, trong tổng số 67 người tham gia có 35 người ở mức an toàn; 31 người ở mức nguy cơ (tức là đang có thuốc BVTV lưu tồn trong máu); 1 người ở mức rủi ro (nguy hiểm hơn mức nguy cơ). Đáng nói là, hầu hết là cán bộ từ lãnh đạo xã, giám đốc, phó giám đốc các trung tâm học tập cộng đồng xã, thị trấn, nhân viên BVTV, văn hóa, giáo dục… không trực tiếp tham gia vào sản xuất trên ruộng đồng như nông dân.
Điều đó chứng tỏ rằng, “tránh trời không khỏi nắng”, nguy cơ từ thuốc BVTV không loại trừ bất cứ ai vì dưới bầu trời này, bất cứ thứ gì cũng có thể là nguồn lây nhiễm.
Thuốc BVTV không ở đâu xa, trong máu chính chúng ta
Văn Trần (xin được đổi tên) - một cán bộ ngành giáo dục huyện Mê Linh tham gia buổi hôm đó bảo: “Kết quả test máu khiến tôi rất bất ngờ vì không nghĩ là trong người mình lại có dư lượng thuốc BVTV ở mức cao. Về sau, qua giải thích tôi mới hiểu rằng, tuy mình không sản xuất nông nghiệp nhưng vẫn có nguy cơ nhiễm thuốc BVTV qua đường ăn uống, qua không khí, qua môi trường tiếp xúc. Không nói nông sản mà từ cái tăm, đôi đũa cũng có nguy cơ nhiễm hóa chất bảo quản”.
Cũng theo anh: “Khi về nhà tôi có nói với vợ và cả gia đình đã thay đổi cách sống. Rau quả không rõ nguồn gốc đã hạn chế ăn. Thuốc sâu không chỉ có trên rau quả mà còn cả trên thịt cá nên từ đó cũng bớt ăn…”.
Nguyễn Thị Hồng Thơ - cán bộ BVTV xã Tiến Thịnh huyện Mê Linh khi biết kết quả tuy bất ngờ nhưng vẫn nhanh chóng tự lý giải: “Hôm trước thử máu tôi vừa tiếp xúc với thuốc BVTV xong. Các bác sĩ an ủi bảo test chỉ có tác dụng đo độ độc kiểu cấp tính trong ngày hôm đó thôi, hôm sau test có khi không bị nữa”.
Chị Thơ (bên phải) đang kiểm tra thuốc BVTV |
Tuy Thơ không dám hé miệng kể với chồng vì lo sẽ bị khuyên bỏ việc nhưng lại đồng ý cho báo NNVN dẫn chứng trường hợp của mình để giáo dục cho hàng trăm ngàn, hàng triệu người biết, thay đổi hành vi.
Xã mà Thơ quản lý, diện tích đất nông nghiệp chỉ 207ha lúa cùng hơn 30ha màu, hoàn toàn không có rau và hoa - những đối tượng thường dùng nhiều thuốc BVTV nhất. Người dân sống bằng nghề chạy chợ nên làm ruộng chủ yếu để có chút thóc sạch ăn. Bởi thế mà lúa dùng rất ít thuốc, vụ xuân phổ biến 1 - 2 lần phun, vụ mùa 3 - 4 lần phun.
Pha chế thuốc trừ sâu hết sức thủ công |
Xã có 4 cửa hàng thuốc BVTV, hàng năm tiêu thụ khoảng trên dưới 4 tấn: “Tuy gia đình tôi không làm ruộng nhưng đặc thù nghề nghiệp thường xuyên phải tiếp xúc với thuốc BVTV. Tuần nào cũng phải thăm đồng, nhiều ruộng mới phun thuốc xong không biết lại lội xuống kiểm tra.
Có lúc Chi cục BVTV giao cho đi thống kê tỷ lệ thuốc BVTV sử dụng trên đồng xem bao nhiêu % là hóa học, bao nhiêu % là sinh học, phải gom vỏ bao mà đếm nên thuốc dính vào tay hay bay vào mũi. Lắm khi, đi kiểm tra cửa hàng thuốc BVTV còn bị say thuốc, chân tay bủn rủn, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn tôi phải vội chạy ra ngoài ngồi nghỉ, uống nước mới đỡ. Tuy có dùng khẩu trang, găng tay nhưng vẫn không thể loại trừ hết nguy cơ. Công việc thế rồi đành phải chấp nhận thôi”.
Đội quân “những người mang án tử”
Chị Trần Thị Ngọc Anh - Trạm trưởng Trạm y tế xã Mê Linh khẳng định rằng tỷ lệ ung thư của quê mình gần đây tăng cao hơn hẳn lúc trước. Trước đây mỗi năm chỉ phát hiện 1 - 2 người mắc ung thư thì nay thường trực khoảng hơn 20 bệnh nhân, chủ yếu là đàn ông mà dân quen gọi là đội quân “những người mang án tử”.
Trước đây quản lý các trường hợp ung thư rất dễ bởi bệnh nhân phải qua Trạm y tế xã để làm thủ tục mới có thể lên tuyến trên điều trị bảo hiểm được. Nay thông tuyến, muốn có số liệu, Trạm phải tự đi điều tra, nhiều lúc sau khi người bệnh đã xanh cỏ rồi mới phát hiện ra. Năm 2014 có 14 người chết vì ung thư, năm 2015 có 11 người chết vì ung thư trên khoảng 50 ca tử vong các loại.
“Riêng chi nhà tôi chỉ khoảng 100 người thôi đã có 5 người mắc gồm 2 bác và 3 cháu, chủ yếu là K đại trực tràng và dạ dày, hiện 4 người đã chết. Bởi vậy tôi muốn làm đề tài nghiên cứu về tình hình này, muốn biết người dân sử dụng những hóa chất độc hại gì, chúng ảnh hưởng trực tiếp đến người phun rồi không khí, nguồn nước ngầm ra sao. Phải thay đổi thế nào để cho họ được sử dụng thuốc BVTV sạch hơn. Nhưng quả thực là khó vì diện nghiên cứu quá rộng, thiếu đủ thứ máy móc, nhân sự lại liên quan đến vấn đề nhạy cảm là kinh tế của người dân nên ý tưởng đó vẫn chưa thành…”, chị Ngọc Anh tâm sự.
Phun thuốc bằng bình giàn |
Tuy đã ngoài 60 tuổi nhưng ông Nguyễn Thiện Việt ở xóm Đường vẫn chăm chỉ sớm tối trên ruộng hoa. Cho đến một ngày tháng 9/2016 ông bị đi ngoài ra máu, sụt từ 62kg xuống còn hơn 50kg, đi khám mới biết mình mắc ung thư trực tràng. Từ ấy ông đành bỏ nghề.
Nhà ông trước trồng 8 sào hồng - thứ hoa được liệt vào loại “nghiện thuốc” bậc nhất vì lắm sâu, nhiều bệnh. Cứ trung bình 1 tuần ông phải xử lý thuốc cho hoa 1 lần, tổng cộng 1 năm không dưới 50 lần. Mỗi lần ông phun 16 bình loại 25 lít, chia làm 2 ca, sáng phun 10 bình, chiều phun 6 bình, đấu trộn với nhau theo công thức 1 môi thuốc nấm, 2 gói thuốc bọ trĩ, 1 cốc 50 ml thuốc sâu.
Cả bình thuốc lẫn động cơ nặng đúng 35kg, cứ trĩu như tảng đá trên lưng ông lão. Người già như ông thường dùng vòi có 2 bép (hai chỗ thoát), mỗi bép có vài chục tia phun ra, non hơi thì to như cái nia, căng hơi thì to như cái chiếu. Còn cánh thanh niên chuộng dùng vòi có 3 bép, khi phun tỏa ra to gần bằng một gian nhà, phải bước đi thật nhanh không cả làn khí độc sẽ chụp xuống, phủ kín lấy thân người.
Một cửa hàng sửa bình thuốc BVTV tại xã Mê Linh |
Bác sĩ tiên liệu ông Việt không sống quá được 6 tháng nhưng sau khi điều trị tây y được mách cho bài thuốc uống “nước mồ hôi” của lá trinh nữ hoàng cung toát ra khi sắc, duy trì đến nay, tính ra đã được hơn 1 năm: “3 đứa con của tôi vẫn theo nghiệp trồng hoa. Nếu cho chọn lại tôi vẫn phải chọn nghề này chứ biết làm thế nào khác được? Người mua cứ yêu cầu hoa đẹp thì phải đánh thật nhiều thuốc thôi chứ ít đánh, hoa xấu lại bị ế ngay”.
Ông Việt đang uống thuốc |
Với 5 sào trồng hoa, cặp vợ chồng Đặng Minh Tuấn và Tống Minh Thủy trước đây quá quen với việc phun thuốc với tần suất 7 ngày/1 lần cho đến năm 2010 khi chị Thủy biết mình mắc bệnh ung thư tuyến giáp. Con còn bé, không còn ai lao động nữa, anh Tuấn phải bỏ ruộng đồng để triền miên đưa vợ đi chữa trị. 3 lần mổ liên tiếp với tổng chi phí 150 triệu, khi bệnh tình của chị tạm lui thì bỗng một ngày anh phát hiện mình bị chảy máu cam bất thường, đi khám mới biết mắc ung thư thực quản. 3 tháng sau anh ra đi mãi mãi ở tuổi 50 để lại người vợ trẻ còm cõi trên đời không ai lo cơm cháo, thuốc thang.
“Dân làm hoa người bị ung thư người thì không nên cũng không biết thế nào mà nghi ngờ cả chú ạ”, chị Thủy nói với tôi bằng giọng khào khào, khó nhọc.
Chợt ngó ra nghĩa trang làng, những vòng hoa trên mộ của người chết vì ung thư vẫn phủ kín. Chúng có thể tươi thắm hàng tuần thậm chí nửa tháng, trên lá, trên cánh vẫn còn vương ám dấu vết của thuốc sâu, thuốc bệnh.
Chị Thủy chỉ vào vết mổ K tuyến giáp |
“Được cái an ủi là trong lớp nhiều học viên khi thử máu đều vượt ngưỡng dư lượng thuốc BVTV nên có tâm lý số đông, tôi cũng bớt sợ”. (Nguyễn Thị Hồng Thơ - cán bộ BVTV xã Tiến Thịnh) |