Chúng thấp lè tè, u tối ẩn giấu những bi kịch về sự đánh đổi sinh mạng lấy cái ăn, về sự bỏ hóa đất hoang, về sự cùng đường không lối thoát của một bộ phận nông dân…
Mùa Thị Dợn đổ từng cân thuốc trừ cỏ vào chiếc thùng phuy rồi dùng hai cánh tay trần quấy đều. Bọt trắng tung lên như xà phòng, chảy ngang triền núi...
Dợn dùng tay trần quấy thuốc |
Bán thuốc khuyến mãi chất hấp thụ
Tiếng điện thoại tút liên hồi. Mặt anh T.N.H - Giám đốc kỹ thuật của một Cty ngoại quốc X lần nào cũng căng ra khi phải gọi cho các khoa chống độc của những bệnh viện lớn trong cả nước để thống kê quý vừa rồi có bao nhiêu ca nhiễm độc thuốc trừ cỏ và nhất là để kiểm tra xem thuốc hấp thụ còn hay hết, đã sắp quá hạn chưa để đổi.
Từ hồi cung ứng vào thị trường Việt Nam, Paraquat - thứ thuốc trừ cỏ độc điển hình luôn được khuyến mãi cùng thuốc hấp thụ Fuller’s Earth. Đó là một dạng đất sét đặc biệt dùng trong y học có tác dụng hấp thu chất độc trong cơ thể sau đó đào thải qua con đường bài tiết.
Chất này được khuyến cáo để chữa trị trong trường hợp uống phải Paraquat. Chúng được nhập về cấp phát miễn phí cho một số trung tâm chống độc tại trung ương và địa phương (sau đó được thay thế bằng than hoạt tính). Chỉ tính riêng số lượng ngộ độc Paraquat vào Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cấp cứu đã không ngừng tăng theo năm tháng, từ 300 ca năm 2014 lên 350 ca 2015 và đến 2016 tăng thành 450. Khoảng 70-90% trong số đó vì không kịp uống đất sét Fuller’s Earth đã vĩnh viễn trở về với đất.
Paraquat chỉ là một trong vô vàn các loại thuốc trừ cỏ đang trừ luôn cả người ở Việt Nam khiến cho tôi nảy ra ý muốn ngược Tây Bắc để điều tra về chúng. Cũng chính ở nơi đây, công ty thuốc BVTV nào cũng đến quảng cáo cho đồng bào rằng sản phẩm của họ tốt, không độc hại nên mới nảy sinh ra tình trạng lạm dụng vô tội vạ thuốc.
Địu thùng đi phun thuốc |
Tôi theo chân Vàng A Mua - Trưởng bản Pá Nó B (xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) chinh phục đỉnh Pá Nó cao trùng trùng, điệp điệp trong mưa lay phay và bùn lầy trơn nhẫy. Tám cây số đường đất lên bản là tám cây số rút kiệt lực đến mức tôi cảm nhận được sức nặng của mỗi giọt nước mưa đang nhỏ tong tong trên lưng. Tối mịt tới đích. Gạo nương và hơi bếp lửa nhanh chóng làm tôi tỉnh táo.
Pá Nó B có 42 hộ thì 20 hộ nghèo. 16 năm nay dân bản biết trồng ngô lai nhưng chỉ biết thuốc trừ cỏ từ năm 2010. Trước đây vợ chồng trưởng bản Mua chỉ trồng được 40 kg ngô giống (tương đương 2 ha) do phải làm cỏ bằng tay. Rẫy cật lực cả buổi cũng chỉ được một mảnh to bằng cái sàn nhà. Cỏ làm đến cuối nương thì đầu nương đã mọc lại. Cứ thế từ tháng 3 đến tháng 8, họ làm cỏ không ngừng nghỉ mất trọn 180 ngày với 360 công.
Thế nhưng từ hồi có thuốc cỏ vợ chồng anh đã gieo được 80 kg ngô giống (tương đương 4 ha) mà việc phun trừ chỉ mất có 5 ngày sau khi dùng hết 80 lọ thuốc độc (900ml/lọ).
Ngày hội phun thuốc
Sáng sớm thức giấc, nhìn ra xung quanh, mắt tôi như hoa lên vì không thể tin nổi những ngôi nhà tường được dựng bằng các chai thuốc trừ cỏ nhan nhản xung quanh bản. Vách nhà Vàng A Su có hàng trăm lọ thuốc trừ cỏ với ba loại là cháy nhanh màu trắng hình vuông, cháy chậm màu xanh hình tròn và cháy chậm màu đỏ hình tròn.
Một ngôi nhà có vách làm bằng chai thuốc trừ cỏ |
Su sinh năm 1972 nhưng cũng kịp có bốn đời vợ và hiện đang ở với hai vợ là Mùa Thị Tòng và Lý Thị Chư. Ngôi nhà này được Su thuê cánh thợ Mông ở tận Làng Chiếu huyện Bắc Yên về làm cách đây mấy năm, mất tổng cộng 6 triệu tiền công và một con lợn 30 kg.
Đám chai thuốc trừ cỏ được gom nhặt về xếp thành một dãy dài quanh nhà, ngăn cách giữa nền đất và vách bằng gỗ với mục đích lấy ánh sáng, lấy gió thoáng và ngăn gà vịt. Tôi hỏi: “Ở thế này không sợ à?”. Su lắc đầu cười: “Lúc đầu cũng có mùi một tí đấy nhưng sau đó hết ngay mà"! Giờ ngô không được giá nên từ gieo 40 kg ngô giống mỗi vụ anh chỉ gieo 8 kg nhưng mà vẫn còn nợ chủ đầu tư tên Dung ở thị trấn Hát Lót 60 triệu (thường bà con mua chịu giống, vật tư rồi chấp nhận giá đắt hay lãi rất cao - PV).
Vợ ba Mùa Thị Tòng của Su được quyền ở trong ngôi nhà thuốc sâu ấy còn vợ tư Lý Thị Chư ở trong một cái kho ngô gần đó để tránh xung đột. Họ đều phải đi phun thuốc cỏ kể cả khi đang mang thai đi chăng nữa. Khi Tòng đẻ ra thằng Vàng A Pênh nó đã có biểu hiện khác thường, rất yếu ớt và ốm luôn luôn. Sống trong ngôi nhà thuốc sâu được 5 tháng Pênh đã vĩnh viễn trở về với đất mẹ.
Không đường, xa tram xá nên phần đa dân Mông tự đẻ, tự đỡ. Đến tiến bộ như trưởng bản cũng đã hai lần đỡ đẻ cho vợ rồi cắt dây rốn cho con bằng một cây kéo. Họ cứ đẻ cứ nuôi cho đến khi có thuốc trừ cỏ tràn vào bản thì quy luật đổi khác. Vàng A Nếnh và Tráng Thị Ly đẻ với nhau hai người con, lần thứ nhất là gái, không chịu bú, mới được 3 ngày, chưa kịp đặt tên đã chết.
Bể chứa thuốc ở trên mây |
Lần thứ hai là trai, có tên là Vàng A Thào, ốm đau hết rốn chảy nước lại đến người mẩn đỏ, mang đi bệnh viện huyện không biết bệnh gì lại mang về. Nó cứ ốm mãi khiến cho Nếnh phải mổ lợn mời thầy cúng đến nhưng chỉ sau vài phút khóc nấc, trên đường đem đi viện nó đã mất, thọ đúng 1 tháng tuổi.
Trong một ngôi nhà thuốc sâu khác có cặp vợ chồng Vàng A Lử và Hạng Thị Lu. Lử bảo lý do để mình lấy chai thuốc trừ cỏ làm vách nhà là bởi đề phòng mối mọt không ăn được vào gỗ. Lử làm nhà sau Su mấy năm, đúng vào thời gian bản cấm không cho được để lại chai thuốc trừ cỏ sau khi sử dụng trong nhà mà phải đốt ở trên nương, ai vi phạm phạt 1 lọ là 25.000đ. Việc mang vỏ thuốc về làm vách nhà vì thế có khó hơn nên Lử chỉ có thể gom được mấy chục chai đủ để dựng lên một bên vách.
Mỗi vụ vợ chồng anh trồng 50 kg ngô giống và dùng đến 60 chai thuốc trừ cỏ loại 900ml nhưng càng sản xuất càng nợ nần, cái nợ giờ đây đã cao hơn cả gác ngô, lên tới 60 triệu... Lấy nhau tới 4 năm, vợ Lử mới sinh được Vàng Thị Dê. Được hơn 1 tháng tuổi thì bé chết trong một ngày tháng 10 năm 2016 để lại người mẹ trẻ suốt ngày ngực tức sữa như hóa điên, hóa dại.
|
Cận cảnh phun thuốc |
Tôi cùng với vợ chồng Lử ra khu rừng ma để thăm bé. Một nấm mồ thấp lè tè được xếp tạm bằng mấy viên đá, ở trên đó mọc lên một cây pô dại có những cái gai rất sắc, đụng vào là ghim sâu vào thịt da. Cây pô có quả như quả dâu nhưng màu đỏ khác thường, trông hệt như máu tươi.
Trời vừa ngớt mưa xong, cả bản bỗng vang rền tiếng máy nổ của các bình phun thuốc trừ sâu công nghiệp. Những phụ nữ địu cái thùng phuy khổng lồ 100 lít đằng sau lưng, những đứa trẻ con tung tăng cầm vòi, cầm ống còn những người đàn ông xách động cơ đằng sau, vừa đi vừa nói chuyện, cười đùa. Kìn kìn đông vui như trẩy hội. Sau cơn mưa, vạn vật tốt tươi, độ ẩm không khí cao, phun thuốc ngay chất độc sẽ lưu dẫn khiến cho cỏ chết rất nhanh.
Pá Nó cao hơn cả các đám mây nhưng còn vô vàn “đám mây” khác cao hơn cả đỉnh núi. Đó là những “đám mây” thuốc trừ cỏ đang phun ra xối xả lưng chừng trời, dìm ngập con người trong màu trong trắng, lành hiền mà chết chóc. Mùa Thị Dợn ở bản Pá Nó A đang đổ từng cân thuốc trừ cỏ vào chiếc thùng phuy rồi dùng hai cánh tay trần quấy đều. Bọt trắng tung lên như xà phòng, chảy ngang triền núi. Từ chiếc thùng phuy đó, chất độc được dẫn ra để phun đẫm cả người cả cỏ.
video: Những con số gây sốc về ô nhiễm trong sản xuất nông nghiệp. Riêng BAO BÌ thuốc bảo vệ thực vật, hàng năm Việt Nam thải ra 19.000 tấn, hầu hết không được thu gom xử lý. Nguồn: VTV