Quả ngón tay Phật còn vương mùi thuốc sâu
Dọc đôi bờ sông Đáy là những vườn phật thủ lá xanh mướt, lúc lỉu thứ quả vàng óng có hình thù đặc biệt như bàn tay phật đang chắp lại cầu kinh. Cũng là quả nhưng phật thủ thường chỉ dùng để trưng chứ không ăn nên cũng được coi như một thứ quả hương, quả hoa. Mà đã là hoa thì làm sao phải có mẫu mã đẹp nhất có thể, bất kể độ độc hại ra sao. Bởi thế mà một lượng thuốc BVTV khổng lồ ngày ngày bay mù mịt vùng trời Đắc Sở, Yên Sở (Hoài Đức, Hà Nội).
Mỗi quả phật thủ đều vương hương thuốc sâu |
Anh Tạ Văn Phúc - Chủ tịch Hội sản xuất và kinh doanh phật thủ xã Đắc Sở kể với tôi rằng dân quê mình trước kia chỉ biết mỗi nghề buôn phật thủ từ miền ngược về. Chừng 15 năm trước có ông Lê, ông Thiết đã nảy ra ý tưởng đem giống cây lạ về trồng và nhanh chóng thu lãi vài trăm triệu/mẫu (tương đương cả tỉ bây giờ) khiến cho dân tình phát sốt, đua theo. Để giờ đây có khoảng 600 hộ tham gia với tổng diện tích phật thủ của Đắc Sở và vùng phụ cận lên tới trên dưới 250 ha.
Phật thủ ra hoa đậu quả quanh năm nhưng chính mùa là vụ xuân nên chín rộ vào tháng 6, 7, 8, ngày Tết chỉ còn lác đác vài ba quả, không mấy kinh tế. Bởi thế người dân Đắc Sở đã khứa vào thân cây để hãm, ép ra hoa vào tháng 6, 7, 8 đặng kịp bán Tết. Trong tự nhiên, cành thẳng của phật thủ không ra hoa mà chỉ cành la mới có nên người dân dùng dây buộc cành vít xuống. Trong tự nhiên, hễ quả phật thủ nào chạm đất thì tự thối nên người dân tạo giàn đỡ giúp nhiều cây đậu tới ngót trăm quả.
Phật thủ là loại cây lắm sâu, nhiều bệnh nhất là khi chuyển về một vùng đất mới, chịu tác động của những kỹ thuật ép, hãm bạo tàn. Dùng nhiều nhất là các loại thuốc trị nấm, gỉ sắt, nhện đỏ và côn trùng chích hút. Khi mới nhú quả mỗi tuần phun 1 lần chống nấm, khi quả lớn 10 ngày phun 1 lần chống nhện đỏ, khi quả sắp thu hoạch phun Xẹc Co để tạo độ bóng, tính ra cả năm khoảng 30-35 lần phun.
Nhà anh Phúc có 1 mẫu phật thủ cũng còn là ít so với nhiều nhà khác như Nguyễn Tuấn Nghi, Nguyễn Văn Chiến… có đến 3-4 mẫu. Trung bình 1 mẫu trồng 250 gốc, mỗi năm thu khoảng 15.000 quả, với chi phí BVTV hết 30 triệu, tính ra mỗi quả mất 2.000đ tiền thuốc.
Vùng tự do “bắn phá”
Cây phật thủ khá thấp, người phun thường lựa theo hàng mà đánh thuốc nhưng mỗi khi gặp cơn gió ngược bất ngờ thì cả người lẫn mặt đều ướt đầm chất độc. Bởi vậy ngoài ủng, găng tay, áo mưa thì vật bất ly thân của họ là mặt nạ phòng độc giống dạng dùng trong chiến tranh hóa học. Loại xuất xứ Hàn Quốc khoảng 500.000-600.000đ/cái còn loại xuất xứ Nhật Bản trên 1 triệu đ/cái.
Phun thuốc sâu ở Yên Sở |
Bởi diện tích lớn nên họ không dùng bình phun đeo vai mà dùng những thùng phuy to 200 lít hòa thuốc rồi kéo dây phun như rửa xe ô tô. Mỗi lần phun 1 mẫu anh Phúc cần 3 thùng tức 600 lít dung dịch thuốc. “Phun kiểu tiết kiệm mở vòi nhỏ thì mất 4 tiếng, phun kiểu nhanh mở vòi to thì mất 3 tiếng. Cần phun sao cho tạo thành một cơn mưa phùn ướt đều lên quả khiến cho nhện bám vào dính thuốc, say rồi rơi xuống đất mà chết”.
Vườn nhà anh được trang bị 1 thùng 150 lít để chứa vỏ thuốc nhưng cứ khoảng 1 năm là đầy ứ. Cứ 1 mẫu phật thủ 1 tháng phun trung bình 2.400 lít dung dịch thuốc, 1 ha phun trung bình hơn 6.000 lít thì với 250 ha ở Đắc Sở và vùng phụ cận 1 tháng phun trung bình 1,5 triệu lít, 1 năm phun trung bình 20 triệu lít. Vì động cơ máy phun có công suất lớn, ngốn nhiều năng lượng, nếu vài chục cái cùng hoạt động một lúc sẽ khiến cho mạng lưới điện của cả khu vực quá tải, sập nguồn nên các chủ vườn phải nhìn nhau mà luân phiên đánh thuốc. Theo anh Phúc, bình thường thì không thấy sao nhưng hễ phun xong mà gặp phải mưa, thuốc ngấm xuống đất làm giun bò lên, quằn quại, giẫy giụa như gặp phải nước vôi rồi chết.
Chi phí thuốc BVTV của anh Phúc khá “khiêm tốn” khi so với nhiều người khác. Hà Văn Khánh ở xóm Bến xã Yên Sở thống kê tiền mua thuốc cho 1 mẫu phật thủ mỗi năm lên tới 45 triệu với trên dưới 30 lần phun. Ngoài thuốc nhện, bọ trĩ, nấm bệnh còn khoảng 5-6 lần thuốc trừ cỏ nữa. Khánh thường không tự phun mà thuê người đánh với giá 400.000đ/ngày.
Lê Văn Lợi ở xóm Nấm xã Yên Sở có 1,7 mẫu vườn bảo: “Chăm phật thủ còn hơn cả chăm con vì là thứ cây khó tính hôm nay đang tươi tốt đấy nhưng ngày mai có thể đột tử chết như thường”. Trung bình cứ 1 tuần anh đánh thuốc 1 lần với 2-3 loại thuốc cùng kết hợp để tránh tốn công. 5 thùng tổng cộng 1.000 lít dung dịch thuốc anh chỉ phun 1 buổi là xong. Tự phun nên chi phí thuốc mỗi năm của Lợi chỉ khoảng 70-80 triệu.
Cũng như nhiều nhà vườn khác, anh nuôi 3-5 con chó để trông coi. Bình thường chúng bị nhốt trong chuồng nhưng lúc phun thuốc thì phải thả ra. Lũ chó ngửi thấy hơi thuốc cụp đuôi chạy trối chết hệt như chó đêm giao thừa khi nghe thấy tiếng pháo.
“Thôi đành hi sinh đời bố để củng cố đời con nên không muốn vợ con phải tiếp xúc với thuốc trừ sâu mà chỉ ở trong làng. Bữa nào phun thuốc cũng đều thông báo để họ không được phép bén mảng đến. Ngay cả quần áo của tôi sau khi phun cũng không mang về mà giặt rồi phơi ngay ở lều”. Anh tâm tư.
Mới 35 tuổi nhưng người đàn ông này đã cảm nhận rõ sự xuống dốc về sức khỏe. Trước anh ngủ từ 7 giờ tối đến 7 giờ sáng mà không hề mộng mị nay thì ngủ ít đi, thường xuyên mơ thấy có ma quỷ hiện hình. Trước vác bao xi măng 50 kg lên một mạch tầng 5 không cần nghỉ nay mới vác đến tầng hai đã thở hồng hộc, hết hơi. Bù lại thu nhập từ phật thủ khá cao. Vườn xấu cũng được 30-40 triệu/sào/năm còn vườn đẹp lên tới 100 triệu/sào/năm. Một quả phật thủ tiêu chuẩn với tay đều, quả tròn vanh, vỏ sáng đẹp, đường kính trên 20 cm có giá khoảng 200.000đ, cá biệt những quả đường kính trên 30cm có giá lên tới trên 1 triệu đồng.
Ngay cả những quả loại, quả rụng, quả xanh cũng không hề hoài phí mà được đem bán với giá 10.000đ/kg để sấy khô. Nghe nói hầu hết phật thủ sấy được xuất khẩu sang Trung Quốc, để làm gì thì không biết nhưng dân Đắc Sở tuyệt đối không bao giờ dám dùng dù chúng có tác dụng chữa ho rất tốt.
Do khai thác công suất lớn, “tắm” đủ các hóa chất độc hại nên cây phật thủ thường chỉ có tuổi thọ trung bình 5-6 năm, gần như thấp nhất trong tất cả các cây có múi. Khi phật thủ đã tàn không thể trồng tiếp được trên đất ấy nữa mà phải đi thuê đất mới. Chính vì vậy mà các nhà vườn liên tục có đủ các lứa cây đang khai thác, cây non để sẵn sàng thế chỗ cho nhau.
5 xã trọng điểm
Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường thuộc Liên minh HTX Việt Nam vừa phân tích môi trường ở 5 xã trồng hoa tại Hà Nội gồm Tây Tựu (Bắc Từ Liêm), Mê Linh, Văn Khê (huyện Mê Linh), Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng) và Tam Thuấn (huyện Phúc Thọ) đều thấy dư lượng thuốc BVTV nhóm chlor hữu cơ, độc cao, khó phân hủy, vượt quy chuẩn từ 1,2-7 lần. 100% số mẫu đất có dư lượng thuốc BVTV vượt quy chuẩn.
Chuẩn bị "đánh thuốc" |
Đáng lưu ý là hầu hết các hoạt chất cấm sử dụng đều xuất hiện trong đất và đều cao vượt ngưỡng như Endosulfan I mức vượt cao nhất 6,3 lần, Dieldrin mức vượt cao nhất 3,5 lần, DDT mức vượt cao nhất 10 lần. Hiện trạng ô nhiễm môi trường nước cũng khá tương đồng với môi trường đất với đủ 3 loại là kim loại nặng, hóa chất và ô nhiễm vi sinh (mật độ E.coli vượt ngưỡng từ 1-10 lần). “Mức ô nhiễm dư lượng hóa chất BVTV ở thời điểm hiện tại đã tăng gấp hàng trăm lần so với cách đây 10 năm”. Đơn vị này cảnh báo.
Theo Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội Nguyễn Duy Hồng do chưa có chế tài hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV cho vùng trồng hoa, cây cảnh nên nhiều lúc đành bất lực, rất khó kiểm soát. Không chỉ ở những điểm trồng hoa, quan trắc và phân tích môi trường đất năm 2017 của Viện Môi trường Nông nghiệp tại Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) phát hiện thấy hoạt chất 2,4D thuộc nhóm thuốc trừ cỏ. Cụ thể, năm 2017 dư lượng 0,032mg/kg ở điểm Lĩnh Nam 1 và 0,021mg/kg ở điểm Lĩnh Nam 2. Tuy đều dưới quy chuẩn Việt Nam nhưng đáng cảnh báo bởi đó là những chất độc, không được phép sử dụng ở những vùng sản xuất rau an toàn.