| Hotline: 0983.970.780

Làng quê đang bị đầu độc như thế nào?:

'Ngày hội' đánh thuốc sâu toàn dân ở Tây Tựu

Thứ Ba 30/01/2018 , 14:30 (GMT+7)

Cả đất, nước và không khí đều đang bị đầu độc mỗi ngày khiến cho những cánh đồng bị suy thoái, các sinh vật dần mất dấu, chỉ còn trơ trọi mỗi con người còm cõi trong cuộc mưu sinh đầy ám ảnh…

Rầm rập những bước chân

Khi những tia nắng cuối mùa vừa xua đi màn sương mù âm u suốt tháng thì phường Tây Tựu (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chợt bừng lên, rộn rã những bước chân. Từng đoàn người nườm nượp phóng xe đi, trên lưng ai nấy đều đeo theo một cái bình phun thuốc lớn với lúc lỉu các chai thuốc lớn, thuốc nhỏ treo cùng. Có cả trăm người như vậy. Mặt ai nấy đều hơn hớn, tươi như hoa vì cuối cùng thì những cơn mưa phùn cũng chấm dứt, có nắng hanh hao rất thuận lợi cho việc đánh thuốc trừ sâu.

15-18-38_dsc_0500
Anh Hải đang phun thuốc

Nơi nơi vang tiếng máy nổ cùng tiếng xè xè của luồng thuốc xịt ra ngoài đầu vòi. Chẳng mấy chốc khắp đồng trên, đồng dưới chìm trong màn sương mù mới, màn sương mù của hơi thuốc độc. Đứng quan sát từ xa thôi mà cổ họng tôi khô như rang, miệng đắng nghét, mắt tối sầm còn đầu thì choáng váng.

Phần lớn việc đánh thuốc này đều do đàn ông đảm trách bởi quá nặng nhọc và độc hại. Trên cánh đồng khu Lò Gạch, anh Hoàng Thanh Hải đang múc đầy một cái bình nước, dốc tuột 3-4 loại thuốc BVTV vào trong rồi dùng que khuấy. Chẳng mấy chốc dung dịch đã chuyển sang màu vàng nhờ, bốc mùi nồng nặc. Anh ghé vai vào đeo cái bình nặng trĩu một cách thành thục. Với 30 lít thuốc cộng với vỏ bình, máy móc kèm theo tổng khối lượng trên lưng anh nặng cỡ 40 kg.

Động cơ nổ khiến cơ thể người phun cũng rung lên từng nhịp. Chụp vội chiếc khẩu trang lên mồm mà không có một trang bị bảo hộ nào nữa, anh Hải giục tôi có trao đổi gì thì nhanh lên vì buổi chiều nay phải bơm tới 6 bình thuốc. Với tổng cộng 7 sào hoa hồng trong đó riêng ở Tây Tựu là 4 sào, chuyện phun thuốc trừ sâu đã trở thành một việc quá quen thuộc tựa như cơm ăn, nước uống đối với anh.

15-18-38_dsc_0489
15-18-38_dsc_0493
Anh Hải đang chuẩn bị cho buổi phun thuốc

Ông Nguyễn Viết Xuân ở khu Cửa Đống có gần 2 sào hồng - thứ hoa liên tục phải “tắm” trong thuốc sâu thì mới có thu hoạch. Mùa hè phòng sâu, phòng bọ kin kin, mùa đông phòng sâu, phòng nhện. Cả đời với ruộng đồng, giờ sức lực của ông Xuân đã cạn kiệt không thể còn có thể đeo bình thuốc nặng sau lưng để đi phun nữa nên mới xây một cái bể chứa 100 lít rồi pha thuốc vào trong đó, dùng động cơ bơm qua hệ thống dây dẫn kéo đi khắp vườn.

Cứ trung bình 6 ngày ông phun 1 lần, mỗi lần hết khoảng 200.000 đ tiền thuốc, vậy là 1 tháng dùng hết khoảng 1 triệu. Với hơn 4.000 gốc hồng, vợ ông hái được 200-250 bông mỗi ngày, mỗi bông bán được 3.000-4.000đ đã tốn trung bình khoảng 200 đồng tiền thuốc độc. Có tuổi rồi ông cũng biết sợ khi trang bị găng tay, khẩu trang kín mít mỗi khi phun chứ không chủ quan như đám trẻ toàn tay trần, mặt trần thế mà cũng lắm buổi say thuốc đến lử lả. Thứ say còn đáng sợ hơn cả say rượu, nhức đầu như búa bổ, tay chân rã rời mất mấy ngày. Bán sức khỏe lấy tiền nhưng tổng thu nhập của ông bà mỗi năm chỉ khoảng 40-50 triệu trong đó phân nửa chi cho thuốc, cho phân.

Tùy theo từng loại thuốc mà lúc mới phun sẽ nhuộm một màu đặc trưng lên cành cây, sắc lá. Sulfat đồng tuy ít độc hơn nhưng lại khiến tay người cắm hoa hóa xanh, sợ hãi rất khó bán nên phần lớn người trồng hồng giờ chuyển sang dùng Zineb có độc cao hơn nhưng ít bị bám màu. Lớp bụi màu trắng như phấn bám trên các cánh hoa chính là màu của loại thuốc này tồn dư.

15-18-38_dsc_0467
15-18-38_dsc_0469
Lớp phấn trắng bám trên cành lá hoa hồng chính là lớp thuốc độc

Ông Xuân bảo đất cũ, lưu nhiều loại nấm bệnh, sâu bọ nếu không phun thuốc thì lá rụng, hoa không nở được. Độ đậm đặc của thuốc đến nỗi sau mấy ngày đánh mùi của cánh đồng vẫn nồng nặc giống hệt mùi trong kho chứa thuốc. “Ai lạ thì thấy mùi còn chúng tôi không cảm nhận được gì nữa. Lo thì ai chẳng lo nhưng mà phải thế, phải chấp nhận sinh nghề tử nghiệp thôi, không có cách gì khác đi được. Chỉ mong sao cho con cái học hành cố để mà thoát được. Tuy nhiên 5 đứa con của tôi chỉ có 1 đứa thoát được nghề nông mà thôi”.

Mỗi lần đánh thuốc những ruộng rau liền kề ruộng hoa cũng bị vạ lây, dính đầy thuốc độc. Theo anh Lê Thái Điệp -một nông dân có 3 sào hoa ở khu Lò Gạch thì người trồng rau phải thật tinh ý khi thu hái, phải nhìn màu sắc lá của ruộng hoa kề bên để biết mới phun thuốc hay không. Tuy nhiên, tỷ lệ rủi ro là rất cao.
 

Bi kịch làng lúa hóa làng hoa

Ông Vũ Đình Phương nguyên Chủ tịch Hội nông dân Tây Tựu là người cảm nhận rõ cuộc biến đổi từ đồng lúa thành đồng hoa rộng trên dưới 300 ha của quê mình và vài trăm ha nữa ở các vùng phụ cận. Thu nhập của cây hoa gấp nhiều lần so với cây lúa nhưng hậu họa về môi trường cũng gấp nhiều lần bởi trồng lúa phun thuốc theo tháng còn trồng hoa phun thuốc theo tuần.

Tây Tựu hiện có 13 cửa hàng thuốc BVTV trên địa bàn, năm 2017 địa bàn thu gom được 2 tấn vỏ bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng. Với 2 tấn vỏ ấy ước lượng thuốc đựng bên trong phải tới 6-7 tấn, nhiều nhất nhì của Hà Nội. Trên rau màu còn hạn chế dùng thuốc độc còn trên hoa vì không ai ăn hoa cả nên người dân cứ vô tư đánh thuốc mà khủng khiếp nhất là hồng, là cúc với trung bình 3-5 ngày một lần.

Lượng thuốc sử dụng nhiều đến nỗi nhà nào cũng như một kho thuốc thu nhỏ, cả phường là một kho thuốc khổng lồ. Trước ếch, nhái, cóc nhiều giờ ra vườn hiếm đến nỗi có khi thấy lại tưởng là sinh vật lạ. Trước kênh mương đầy cá, tôm, cua, ốc giờ cũng gần như biệt tích. Không còn con gì sống sót nổi ngoài sâu bệnh và nấm hại... Cũng còn một điều an ủi là phun thuốc sâu nhiều nên đỡ hẳn muỗi nên năm 2017 dịch sốt xuất huyết hoành hành dữ dội, phường kế bên có gần 100 bệnh nhân mà Tây Tựu chỉ có hơn 10 người mắc.

15-18-38_dsc_0537
Một cảnh đánh thuốc độc ở ngoại thành Hà Nội

Hậu họa của thuốc sâu với môi trường không thể đong đếm được còn với con người thì sao? Anh Nguyễn Hữu Hào - phụ trách Trạm Y tế Tây Tựu cho biết những bệnh mà dân quê mình thường mắc gồm viêm phổi, viêm mũi và một tỷ lệ không nhỏ động kinh, tâm thần.

Hồi người dân còn trồng lúa, trồng cà cách đây 20 năm anh Hào là nhân viên y tế phụ trách mảng tâm thần cộng đồng nên biết rất rõ chỉ có 22 người bệnh tâm thần nhưng nay tăng hơn gấp đôi. Cụ thể, năm 2017 Trạm đang quản lý 42 bệnh nhân vừa động kinh vừa tâm thần phân liệt (sút mấy người so với năm 2016 vì đã tử vong), chưa kể những người không trong diện quản lý khoảng trên 10 người nữa.

Triệu chứng điển hình của bệnh là nói nhiều, nói linh tinh, nói không mục đích, đập phá đồ đạc, đánh vợ chửi con vô cớ. Mỗi lần có người như thế Trạm đều phải gửi lên Viện Tâm thần Hà Nội khám nhưng một số gia đình vẫn cố tình giấu bệnh, lén đem người nhà đi khám ở nơi khác nên không có trong danh sách theo dõi. Phần bởi họ sợ dư luận đàm tiếu, phần họ mong con cái sau này dễ bề dựng vợ, gả chồng.

Không có một đề tài khoa học nào nghiên cứu về mối liên quan giữa việc trồng hoa và tỷ lệ người tâm thần khá cao của Tây Tựu nhưng theo anh Hào phán đoán có ba lý do chính: thuốc sâu, ô nhiễm môi trường và điều kiện làm việc quá stress. Ngoài quần quật cả ngày trên đồng nhiều nông dân còn phải dậy từ 1-2 h sáng để đi chợ hoa. Trồng hoa đầu tư lớn, lãi nhiều nhưng rủi ro, nợ nần cũng lắm…

Lúc tôi đến thăm anh Khờ Nguyễn (đã đổi họ tên - PV) vừa đi đánh thuốc về, cái bình vẫn còn kè kè ở trên vai. Mắc bệnh thần kinh 20 năm nay khiến anh không thể trồng hoa được như mọi người mà đành trồng rau nhưng vẫn phải phun thuốc nhiều không kém bởi có lắm loại sâu bệnh chung dễ lây từ hoa sang rau.

Anh Khờ Nguyễn chuẩn bị uống thuốc tâm thần

Anh tiếp chuyện bằng vẻ dại khờ trong điệu cười lẫn những câu nói cụt ngủn, không đầu không cuối nhưng cuối cùng tôi cũng lờ mờ đoán được nội dung muốn kể. Đại để rằng, trước đây dân Tây Tựu hầu như toàn tự đi phun thuốc sâu nhưng 3 năm nay phần vì sợ, phần vì không kham nổi nên chủ yếu đi thuê, số tự phun như anh mỗi ngày một hiếm.


Báo cáo của Viện Môi trường Nông nghiệp quan trắc điểm trồng hoa Tây Tựu
Báo cáo của Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường thuộc Liên minh HTX Việt Nam

Năm 2016 Tây Tựu có 10 người chết vì K/56 ca tử vong, năm 2017 có 16 người chết vì K/61 ca tử vong. Tỉ lệ đó không cao so với nhiều vùng nhưng lại nhiều hơn hẳn so với thời cả phường còn trồng lúa.

 

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Tìm thấy thi thể 2 nạn nhân vụ xe chở rác lao xuống sông

THỪA THIÊN - HUẾ Thi thể 2 nạn nhân trong vụ xe rác bất ngờ lao xuống sông Hữu Trạch khi di chuyển qua cầu treo Bình Thành đã được tìm thấy vào sáng nay (23/11).