| Hotline: 0983.970.780

Giới chức EU tái khẳng định ‘glyphosate không gây ung thư’

Thứ Ba 31/05/2022 , 15:35 (GMT+7)

Quan điểm của cơ quan quản lý hóa chất châu Âu được cho là sẽ ảnh hưởng đến quyết định có cấp phép lại cho thuốc diệt cỏ chứa glyphosate gây tranh cãi hay không.

Nông dân Pháp phun thuốc diệt cỏ 'Roundup 720' có chứa hoạt chất glyphosate. Ảnh: Jean-Francois Monier/AFP

Nông dân Pháp phun thuốc diệt cỏ "Roundup 720” có chứa hoạt chất glyphosate. Ảnh: Jean-Francois Monier/AFP

Theo đó, Cơ quan Hóa chất châu Âu (ECHA) hôm thứ Hai đã công bố thành phần của thuốc diệt cỏ gây tranh cãi là glyphosate không gây ung thư cho người.

Ủy ban Đánh giá Rủi ro của ECHA khẳng định, các "bằng chứng khoa học sẵn có không đáp ứng các tiêu chí để phân loại glyphosate gây độc cho cơ quan đích cụ thể, hoặc như một chất gây ung thư, gây đột biến hoặc dị ứng..."

Ý kiến ​​này không đi ngược lại quan điểm mà ECHA từng đưa ra vào năm 2017, khi cơ quan này cũng không phân loại glyphosate là chất gây ung thư. Tuy nhiên trong công bố khoa học mới nhất, ECHA cho biết glyphosate có thể gây tổn thương mắt nghiêm trọng và nguy cơ độc hại đối với cộng đồng thủy sinh.

Dự kiến ECHA sẽ công bố báo cáo chi tiết về hoạt chất glyphosate vào trung tuần tháng Tám tới.

Theo các nhà quan sát, quan điểm của ECHA sẽ ảnh hưởng đến quyết định của EU về việc cấm tiệt hoặc cấp phép lại hóa chất diệt cỏ này để nông dân sử dụng, và Ủy ban châu Âu dự kiến ​​sẽ đưa ra khuyến nghị sớm nhất vào tháng 7 năm 2023, sau nhiều năm trì hoãn.

Trước đó, nhà chức trách Pháp đã điều tra sơ bộ về việc Monsanto thu thập thông tin bất hợp pháp về quan điểm của hàng trăm nhân vật cao cấp cũng như phương tiện truyền thông. Theo đó, công ty Monsanto bị cáo buộc đã thuê một công ty truyền thông lập dữ liệu về quan điểm của họ đối với thuốc trừ sâu glyphosate và cây trồng biến đổi gen, cũng như cách thức có thể gây tác động.

Tại Mỹ, đã có hàng nghìn đương sự gồm nông dân và nhà làm vườn đệ đơn ra tòa cáo buộc rằng sau khi họ sử dụng sản phẩm thuốc diệt cỏ Roundup, do Monsanto bán (hiện Monsanto thuộc sở hữu của tập đoàn hóa chất khổng lồ Bayer của Đức mua lại vào năm 2018 với giá là 66 tỉ USD), có chứa hoạt chất glyphosate gây căn bệnh ung thư hạch bạch huyết. Đến nay, chỉ riêng các tòa án ở bang California đã phân xử buộc nhà sản xuất glyphosate phải bồi thường tổng cộng hơn 2,2 tỷ USD cho ba nguyên đơn trong các vụ kiện liên quan.

Trước đó vào năm 2015, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế thuộc Tổ chức Y tế Thế giới đã xếp glyphosate vào loại chất gây ung thư, khiến giới chức EU phải gia hạn nó trong 5 năm thay vì 15 vào năm 2017.

Glysophate từ lâu đã được sử dụng phổ biến trong sản xuất một số cây trồng rộng rãi nhất ở Mỹ gồm ngô và đậu nành, bất chấp việc các nhóm bảo vệ người tiêu dùng liên tục phản đối hóa chất này.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Washington (Mỹ) cho biết, hoạt chất glyphosate rất phổ biến trong thuốc diệt cỏ có khả năng làm tăng 41% nguy cơ mắc ung thư ở người.

(Politico)

Xem thêm
Số chồi hữu hiệu trên cây lúa quyết định đến năng suất của vụ mùa

ĐBSCL Số lượng chồi hữu hiệu trên đồng lúa là yếu tố quyết định năng suất của vụ mùa, nếu chồi hữu hiệu đạt 500 - 600 chồi/m2 sẽ cho năng suất cao.

Áp dụng khẩu phần đạm thô thấp mang hiệu quả kép cho chăn nuôi lợn

Giảm tỷ lệ protein thô trong khẩu phần thức ăn chăn nuôi lợn đem lại tác động đa lợi ích, vùa hướng tới giảm phát thải khí nhà kính vựa hạ giá thành chăn nuôi.

Giải pháp bổ sung khoáng cho ao nuôi tôm độ mặn thấp

ĐBSCL Khi nuôi tôm ở độ mặn thấp thường thiếu hụt khoáng chất. Vậy làm sao bổ sung khoáng chất cho ao nuôi có độ mặn thấp mà đạt hiệu hiệu quả?