Đắk Lắk là một tỉnh trọng điểm cà phê của Việt Nam. Sản phẩm cà phê nhân của Đắk Lắk đã được xuất khẩu đến 58 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương.
Tuy nhiên từ lâu, rất nhiều nông dân đã có thói quen sử dụng thuốc trừ cỏ chứa hoạt chất Glyphosate để trừ cỏ trong vườn cà phê, từ đó làm giảm chất lượng cà phê nhân, gây khó khăn khi xuất khẩu ra thế giới và thường xuyên bị ép giá.
Trước thực trạng trên, Bộ NN-PTNT đã kịp thời ban hành các văn bản quyết định loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) chứa hoạt chất Glyphosate ra khỏi Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam. Theo đó, các thuốc BVTV chứa hoạt chất Glyphosate đã chính thức bị cấm tại thị trường Việt Nam kể từ ngày 01/7/2021.
Tại Đắk Lắk, Sở NN-PTNT đã có văn bản gửi các địa phương và đơn vị thuộc Sở để chỉ đạo, hướng dẫn nông dân không sử dụng thuốc trừ cỏ Glyphosate trong canh tác, thay vào đó là các biện pháp như phát cỏ bằng tay hoặc máy cắt cỏ để vừa giữ thảm thực vật, vừa chống xói mòn, rửa trôi. Trường hợp cần thiết phải sử dụng thuốc trừ cỏ, có thể dùng các loại thuốc có hoạt chất thay thế như: Glufosinate ammonium, Diuron, Indaziflam, Basta 15SL, Jiafosina 150SL, Glu-elong 15SL, Glusat 200SL…
Theo ông Đỗ Thành Chung, đại diện Tổ chức Diễn đàn Cà phê toàn cầu (GCP) tại Việt Nam, hiện nay mức giới hạn dư lượng tối đa cho phép (MRL) hoạt chất Glyphosate trong sản phẩm cà phê nhân xuất khẩu vào Châu Âu là 0,1 mg/kg và dự kiến lộ trình giảm dần xuống 0,01 mg/kg.
Như vậy nếu theo mức này, theo dự báo có thể sẽ có khoảng hơn 90% lượng cà phê của Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu nhập khẩu vào thị trường Châu Âu. Do đó Tổ chức GCP khuyến cáo, nếu vấn đề Glyphosate không được xử lý kịp thời, Việt Nam có thể mất đi thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất, đồng thời nông dân cũng bị ảnh hưởng đến đời sống vì giảm thu nhập đáng kể.
Bên cạnh đó, từ tháng 3/2015, Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã công bố kết luận phân loại cho Glyphosate là nhóm 2A, tức nhóm có khả năng gây ung thư ở người.
Ông Nguyễn Hắc Hiển, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Đắk Lắk cho biết: Hiện nay Tổ chức GCP cùng với ngành nông nghiệp của tỉnh và Ban điều phối ngành hàng cà phê Việt Nam đang triển khai chương trình “Sáng kiến hợp tác sử dụng vật tư nông nghiệp có trách nhiệm trong ngành cà phê Việt Nam”.
Theo đó, Tổ chức GCP đã phát hành miễn phí hơn 20.000 ấn phẩm cho nông dân như: Sổ tay quản lý cỏ dại, tờ rơi, áp-phích (poster), video clip… Hoạt động này đã giúp người dân nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong sản xuất cà phê, góp phần tăng thu nhập và đảm bảo đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm của các quốc gia tiêu thụ cà phê trên thế giới.
Theo ông Trần Đình Trọng, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp công bằng Ea Tu (TP Buôn Ma Thuột), qua thông tin cảnh báo của Sở NN-PTNT và Tổ chức GCP, có thể nói hầu hết nông dân canh tác cà phê ở Đắk Lắk hiện nay đã "nói không” với thuốc trừ cỏ Glyphosate.
Bởi người dân đã nhận thức được Glyphosate không chỉ làm xuất khẩu cà phê khó khăn mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người và môi trường sinh thái. Đây thực sự là những hành động có ý nghĩa thiết thực góp phần hướng tới sự thịnh vượng của nông dân vì một ngành sản xuất cà phê bền vững.