Buộc tiêu hủy sau ngày 30/6/2021
Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết: Thực hiện Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật năm 2013, trong từng giai đoạn, Cục BVTV đã thường xuyên tiến hành rà soát, đánh giá, xem xét để loại bỏ khỏi danh mục đối với các thuốc BVTV có hại cho sức con người, ảnh hưởng đến môi trường và có hiệu lực sinh học thấp (trong đó có thuốc trừ cỏ).
Bên cạnh đó, theo thông lệ quốc tế cũng như Công ước Rotterdam (Phụ lục III) về thuốc BVTV nguy hại trong thương mại quốc tế, Việt Nam cũng đã và sẽ loại bỏ khỏi danh mục đối với các hoạt chất thuốc BVTV đã được thế giới đồng thuận loại bỏ.
Trên cơ sở các quy định quốc tế cũng như trong nước, từ năm 2017 đến nay, Cục BVTV đã rà soát, đánh giá để trình Bộ NN-PTNT xem xét loại bỏ khỏi Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam đối với 14 hoạt chất thuốc BVTV, trong đó có hoạt chất thuốc trừ cỏ Glyphosate.
Đây là thuốc trừ cỏ từng được sử dụng rất phổ biến, đa mục đích nhất tại nước ta, nhất là bị nông dân các tỉnh miền núi sử dụng một cách tràn lan, thậm chí còn được dùng để dọn cỏ dại ở các công trình giao thông đường bộ, đường sắt… nên nguy cơ ảnh hưởng rất nguy hại tới môi trường.
Những năm gần đây, cũng đã có các công bố của các tổ chức quốc tế về bằng chứng ảnh hưởng của thuốc trừ cỏ Glyphosate ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Đặc biệt thời gian qua, Cục BVTV luôn theo sát thông tin về diễn biến, kết quả của các vụ kiện tại Mỹ cáo buộc thuốc diệt cỏ có chứa hoạt chất Glyphosate gây ung thư.
Cục BVTV cũng đã nghiên cứu, tập hợp đầy đủ các thông tin, bằng chứng khoa học về những ảnh hưởng của thuốc trừ cỏ Glyphosate đối với môi trường cũng như sức khỏe con người.
Từ năm 2015, sau khi Cơ quan Nghiên cứu Ung thư quốc tế (IARC) – (WHO) công bố về khả năng gây ung thư của hoạt chất Glyphosate, hàng loạt các nước trên thế giới đã có các biện pháp quản lý chặt chẽ từ cấm, hạn chế hay kế hoạch giảm thiểu sử dụng để bảo vệ sức khỏe con người và môi trường sinh thái.
Trước tình hình này, Cục BVTV đã tham mưu Bộ NN-PTNT tạm dừng đăng ký các thuốc BVTV chứa hoạt chất Glyphosate từ tháng 4 năm 2016. Tiếp đó, tháng 4/2019, Bộ NN-PTNT đã có quyết định loại bỏ Glyphosate khỏi Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam theo các quy định hiện hành.
Theo Thông tư số 10/2020/TT-BNNPTNT ngày 9/9/2020 của Bộ NN-PTNT quy định, các thuốc BVTV có chứa hoạt chất Glyphosate không được sản xuất, nhập khẩu; chỉ được buôn bán, sử dụng đến ngày 30/6/2021 tại Việt Nam. Qúa thời hạn này, các doanh nghiệp còn tồn đọng sản phẩm có chứa hoạt chất này buộc phải thực hiện tiêu hủy theo các quy định hiện hành.
Ông Hoàng Trung cũng cho biết, ngày 4/5/2021, Cục BVTV đã họp với Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội và đã có thông báo về lộ trình loại bỏ hoạt chất Glyphosate khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam theo đúng quy định của Thông tư số 10/2020/TT-BNNPTNT.
Để hỗ trợ cho quá trình đánh giá ảnh hưởng của Glyphosate đối với sức khỏe con người, động vật và môi trường, EPA đã gửi Cục BVTV một số tài liệu liên quan vào tháng 2/2020 và tháng 11/2020. Cho đến nay, Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) cũng không đưa ra một công bố nào thay đổi công bố trước đây là Glyphosate có khả năng gây ung thư cho con người.
Nhiều nước cấm, hạn chế sử dụng Glyphosate
Theo Cục BVTV, Luxembourg là quốc gia đầu tiên ở Châu Âu cấm sử dụng Glyphosate, quyết định này có hiệu lực từ ngày 31/12/2020.
Các nước Pháp, Thuỵ Sĩ, Hà Lan đã có biện pháp quản lý từ cấm sử dụng Glyphosate tại địa điểm công cộng (trường học, công viên) vào cuối năm 2015. Ý, Đan Mạch hiện quản lý chặt chẽ, hạn chế sử dụng Glyphosate với mục đích phi nông nghiệp.
Trong khi đó các nước ở Châu Mỹ (Brazil, Colombia, Mexico) tuyên bố ngừng sử dụng thuốc có hoạt chất Glyphosate để tiêu huỷ cây cần sa.
Tại Đức, ngày 10/2/2021, đã quyết định giảm dần việc sử dụng Glyphosate và ngừng sử dụng hoàn toàn từ năm 2024 để bảo vệ môi trường và sinh thái.
Tại Liên minh châu Âu (European Union-EU), Glyphosate hiện được chấp thuận sử dụng tại EU cho đến ngày 15 tháng 12 năm 2022.
Tại Áo, Quốc hội nước này đã bỏ phiếu để cấm Glyphosate vào tháng 7 năm 2019. Tuy nhiên, vào tháng 12 năm 2019, Bộ Nội vụ Áo thông báo rằng lệnh cấm sẽ không được thực hiện trong thời gian tới.
Tại Thái Lan, lệnh cấm Glyphosate của Thái Lan đã bắt đầu vào ngày 1/21/2019. Tuy nhiên, ngày 27/11, nước này tuyên bố sẽ không cấm hoạt chất này mà thực hiện hạn chế việc sử dụng sản phẩm này.
Tại Hoa Kỳ, Glyphosate chưa bị hạn chế hay cấm sử dụng rộng rãi trên toàn Hoa Kỳ nhưng đã có 26 bang tại nước này đã ra các quy định khác nhau về việc sử dụng Glyphosate từ hạn chế sử dụng, cấm sử dụng tại nơi công cộng, công viên, trường học, sân golf như California, Seattle, Portland, Maine, Austin, Texas, NewYork…
Đối diện nhiều án phạt
Hiện nay, tập đoàn hóa chất Bayer (Đức) đã mua lại hãng Monsanto và đang đối diện với hàng ngàn vụ kiện liên quan tới thuốc diệt cỏ Roundup (chứa hoạt chất Glyphosate), đặc biệt tại Mỹ, đã có 3 phiên tòa liên quan đến Glyphosate.
Phiên tòa thứ nhất ngày 20/7/2020, Tòa án phúc thẩm bang California (Mỹ) đã tuyên phạt Monsanto, đồng thời giảm mức phạt còn 20,5 triệu USD do không có cảnh báo phù hợp về nguy cơ thuốc trừ cỏ Roundup có thể gây ung thư hạch bạch huyết NHL cho ông Dewayne Johnson, bị ung thư giai đoạn cuối.
Mới đây nhất, phiên tòa thứ 2 phán quyết ngày 14/5/2021 của Tòa phúc thẩm liên bang ở San Francisco (Mỹ) đã bác đơn kháng cáo của Monsanto, tuyên bố công ty này có trách nhiệm bồi thường 25 triệu USD cho nguyên đơn là ông Edwin Hardeman. Bên nguyên khởi kiện Monsanto vì hoạt chất Glyphosate trong thuốc diệt cỏ Roundup khiến ông này mắc ung thư.
Tòa cũng nhấn mạnh nguy cơ hóa chất glyphosate trong Roundup gây ung thư đã được biết đến vào thời điểm ông Hardeman mắc bệnh.
Phiên tòa thứ 3 tại Mỹ liên quan đến hoạt chất Glyphosate hiện đang chờ phiên tòa phúc thẩm bang California (chưa tổ chức được do đại dịch Covid-19) để quyết định mức độ hình phạt đối với tập đoàn Bayer sở hữu hoạt chất Glyphosate gây ung thư hạch bạch huyết.