| Hotline: 0983.970.780

Giống đậu tương đen

Thứ Ba 11/08/2020 , 07:22 (GMT+7)

Giống đậu tương đen DT215 do Viện Di truyền nông nghiệp chọn tạo bằng phương pháp đột biến chiếu xạ tia gamma (Co60) trên hạt khô giống đậu tương DT2008 ở 200 Gy.

Giống đậu tương đen DT215 được chọn tạo bằng phương pháp đột biến.

Giống đậu tương đen DT215 được chọn tạo bằng phương pháp đột biến.

Đặc điểm hình thái

Giống đậu tương đen DT215 thuộc loại hình sinh trưởng hữu hạn, dạng cây đứng, hoa màu tím, vỏ hạt và rốn hạt màu đen.

Giống có thời gian sinh trưởng từ 98 – 105 ngày (dài hơn đối chứng DT84 từ 7 – 11 ngày), sinh trưởng khỏe, chiều cao cây từ 52,5 – 82,9 cm (cao hơn DT84 từ 11,9 – 14,7 cm), số cành cấp 1 trên cây từ 3,2 – 4,8 cành (nhiều hơn DT84 từ 1,1 – 2,1 cành).

Đậu tương đen DT215 cây cao, sinh trưởng khỏe.

Đậu tương đen DT215 cây cao, sinh trưởng khỏe.

Giống đậu tương đen DT215 bị sâu bệnh hại nhẹ, tương đương đối chứng DT84. Trong đó, bị sâu đục quả từ 1,9 – 5,7% (DT84 từ 3,2 – 6,7%), dòi đục thân 1,2 – 9,1% (DT84 từ 1,2 – 5,7%), lở cổ rễ từ 2,2 – 3,9% (DT84 từ 2,8 – 4,3%) và sâu cuốn lá từ 2,5 – 3,8% (DT84 từ 2,3 – 4,6%).

Giống DT215 bị các bệnh hại nhẹ như gỉ sắt, sương mai, đốm nâu (điểm 1-3); khả năng chống đổ tốt (điểm 1-2) và ít bị tách quả (điểm 1).

Giống đậu tương đen DT215 có số quả chắc trên cây trung bình từ 24,6 – 35,3 quả, nhiều hơn đối chứng DT84 từ 3,1 – 3,3 quả. Khối lượng 1.000 hạt từ 229 – 248g, cao hơn đối chứng DT84 từ 7,5 – 16,4%.

Năng suất trung bình của giống đậu tương đen DT215 từ 2,32 – 2,56 tấn/ha, vượt đối chứng DT84 từ 9,9 – 28,4%.

Giống đậu tương đen DT215 đã được khảo nghiệm ở nhiều nơi, năng suất vượt trội so với giống đối chứng DT84.

Giống đậu tương đen DT215 đã được khảo nghiệm ở nhiều nơi, năng suất vượt trội so với giống đối chứng DT84.

Năm 2018 – 2019, giống đậu tương đen DT215 (DT2008ĐB) đã được khảo nghiệm sản xuất tại Hà Nội, Vĩnh Phúc và Thanh Hóa ở các thời vụ khác nhau, trên các chân đất khác nhau. Kết quả, giống đậu tương đen DT215 có năng suất cao đạt từ 2,51 – 3,02 tấn/ha, vượt trội so với đối chứng DT84 từ 17,1 – 39,2% tại tất cả các điểm khảo nghiệm.

Kết quả phân tích dinh dưỡng hạt cho thấy, giống đậu tương đen DT215 có chất lượng tốt với hàm lượng protein cao là 40,15%, lipit là 18,07%, omega 3 là 0,74%.

Điều kiện bảo quản

Hạt dùng làm giống cần làm sạch, phơi hoặc sấy khô về ẩm độ hạt 10 – 12% (cắn bong vỏ, không dính răng). Trong điều kiện nắng nóng ở vụ xuân và vụ hè, cần phơi hạt trên bạt hoặc nia, tránh phơi hạt trực tiếp trên nền gạch hoặc xi măng. Hạt sau phơi cần phải để nguội mới đưa vào tải chứa nilon để tránh hút ẩm trở lại. Hạt khô được bảo quản trong kho lạnh ở nhiệt độ 8 – 20oC hoặc trong chum, vại và để nơi mát không có ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp.

Thời vụ gieo trồng

- Tại vùng Đồng bằng sông Hồng:

+ Vụ xuân: 5/2 – 15/3

+ Vụ hè: 15/5 – 30/7

+ Vụ đông: gieo trước 25/9

- Tại Trung du và miền núi phía Bắc:

+ Vụ xuân: 15/2 – 1/3

+ Vụ hè thu: gieo trước 10/8

+ Vụ đông: gieo trước 15/9

- Tại Bắc Trung Bộ:

+ Vụ xuân: 25/1 – 15/2

+ Vụ hè: 25/5 – 15/6

+ Vụ đông: gieo trước 15/9

Tóm tắt quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc

a) Chọn đất và làm đất

Chọn đất chủ động tưới tiêu, các loại đất phù sa, đất thịt nhẹ, đất cát pha, ít sỏi đá, tỷ lệ sét thấp, ít chua. Trên đất màu, làm đất toàn diện và gieo theo rạch. Trên đất ướt sau lúa, làm đất tối thiểu, gieo vãi hoặc gieo vào gốc rạ.

b) Mật độ

Vụ xuân: 25 – 30 cây/m2.

Vụ hè, hè thu: 20 – 25 cây/m2.

Vụ đông: 30 – 35 cây/m2.

c) Phân bón

Lượng phân bón (tính cho 1 ha) ở vụ xuân, vụ đông là 40 kg N + 90 kg P2O5 + 70 kg K2O. Vụ hè và hè thu, giảm ½ lượng đạm.

- Cách bón: Bón lót toàn bộ phân lân và vôi bột. Bón thúc lần 1 khi cây có từ 2 – 3 lá thật là ½ lượng đạm + ½ lượng kali. Bón thúc lần 2 khi cây có từ 4 – 5 lá thật là ½ lượng đạm + ½ lượng kali còn lại.

d) Chăm sóc

Xới xáo lần 1 kết hợp bón thúc và làm cỏ khi cây có 2 – 3 lá thật. Lần 2, xới sâu, kết hợp vun cao, bón thúc và làm cỏ khi cây có từ 4 – 5 lá thật.

Tưới nước: Giữ độ ẩm đất thường xuyên khoảng 70-75% độ ẩm tối đa đồng ruộng.

e) Phòng trừ sâu bệnh hại

Thường xuyên thăm đồng, kiểm tra tình hình sâu bệnh. Cần chú ý phòng trừ các loại sâu hại như sâu cuốn lá, sâu khoang, sâu đục quả, bọ xít, giòi đục thân… Vào các thời kỳ sinh trưởng như 1-5 lá thật, thời kỳ ra nụ, thời kỳ sau tắt chùm hoa ngọn, thời kỳ quả chín sữa sử dụng các loại thuốc như Sherpa 25EC, Regnet 800WG, Dipterex… theo liều lượng và nồng độ khuyến cáo trên bao bì.

f) Thu hoạch

Khi cây có từ 70 – 95% số quả/cây đã chín, chọn ngày nắng ráo, tuốt bỏ lá, cắt bỏ gốc, thu cây về phơi ủ theo quy trình chung đối với cây đậu tương. Sau khi ra hạt, tiến hành làm sạch, phơi khô về ẩm độ hạt khoảng 12%, cất giữ và bảo quản hạt giống nơi khô ráo.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.

Làng Nủ trước ngày khánh thành

40 ngôi nhà mới sẽ được bàn giao cho các hộ dân thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) vào ngày 15/12 sau gần 3 tháng thi công.