Những chuyện buồn về giống
Vụ mùa năm 2019, nhiều nông dân ở xã Thượng Ấm, huyện Sơn Dương rơi vào tình trạng mất mùa do gieo cấy giống lúa kém chất lượng. Có 40 hộ nông dân tại các thôn Cây Đa, Cây Phay và Đồng Bèn 1, Đồng Bèn 2 của xã Thượng Ấm sử dụng giống kém chất lượng trên diện tích 2ha. Các quy trình kỹ thuật trồng chăm sóc được người nông dân canh tác bình thường như các vụ khác, nhưng đến khi lúa chuẩn bị trổ đòng, ra bông thì có đến 1ha bị lẫn nhiều loại lúa trên cùng một diện tích gieo cấy.
Gia đình bà bà Hà Thị Ngát, thôn Đồng Bèn 1, cùng nhiều hộ dân trên địa bàn xã Thượng Ấm bức xúc về việc giống lúa kém chất lượng. Bà Ngát cho biết, đầu vụ mùa năm 2019, cán bộ khuyến nông của xã đem giống lúa mới về tư vấn. Nghe nói năng suất cao nên bà con đăng ký mua. Tuy nhiên, sau 1 thời gian chăm sóc, đến khi được thu hoạch, nhìn đồng lúa ấy không tốt như mong đợi, lại lẫn nhiều giống khác nhau, trỗ bồng không đều, tỷ lệ lép cao, ai cũng buồn. Hầu như các hộ trồng giống lúa này vụ mùa năm ấy đều thất thu.
Tiếp đến vụ xuân năm 2020, trên địa bàn các huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa, và Yên Sơn, người dân cũng phải “khóc dở, mếu dở” vì giống lúa mới với diện tích khoảng 10ha. Khi đơn vị bán giống, họ tư vấn, giới thiệu với nhiều ưu điểm vượt trội như: khả năng đẻ nhánh khá, tập trung, gọn khóm, cứng cây, bộ lá khỏe, trỗ tập trung; năng suất lúa tương đối cao và ổn định; khả năng chống chịu sâu bệnh hại tương đối tốt, bông lúa to, dài, màu hạt vàng sáng, ngon cơm... Thế nhưng khi gieo trồng, cây chỉ sinh trưởng phát triển tốt trong thời kỳ đầu. Sau đó, lúa chỉ trỗ bông mà không chắc hạt, khiến người nông dân mất mùa.
Qua tìm hiểu thực tế thì hầu hết những giống lúa, ngô mới trong sản xuất nông nghiệp đưa vào gieo trồng bị tổn thất tại tỉnh Tuyên Quang đều do đơn vị sản xuất giống cung ứng trực tiếp xuống các đại lý để bán cho người dân mà không thông qua cơ quan quản lý Nhà nước hay chính quyền sở tại. Các giống này thường có giá thấp hơn so với những giống ngô, lúa, cây ăn quả có nguồn gốc rõ ràng và được lưu thông trên thị trường.
Không chỉ có lúa giống, mà tình trạng ngô giống, và nhiều giống cây ăn quả kém chất lượng vẫn còn trôi nổi trên thị trường khiến người nông dân Tuyên Quang gặp nhiều khó khăn.
Gia đình chị Đào Thị Yến, ở thôn Thanh Sơn, xã Hợp Hòa, huyện Sơn Dương trồng hơn 20 gốc bưởi được người bán “gán mác” bưởi Đoan Hùng. Sau hơn 3 năm trồng, đến khi cây ra quả, chất lượng không giống bưởi gốc Đoan Hùng. Thậm chí, nhiều cây còn không ra quả. Chị Yến cho biết, giống bưởi này chị mua của một xe tải bán giống rong dọc đường. Mỗi gốc có giá khoảng 30.000 đồng. Giờ đây, chị đành phá bỏ vườn bưởi để trồng cây khác.
Ông Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Tuyên Quang cho biết, hiện tượng giống lúa, ngô, cây lương thực, cây ăn quả… kém chất lượng trôi nổi trên thị trường có diễn ra. Rất may, những năm gần đây số lượng ít dần. Do ngành chức năng của tỉnh Tuyên Quang kiểm soát, xử lý gắt gao hơn đối với các đại lý, đơn vị cung ứng giống. Cùng với đó ý thức của người nông dân về sử dụng giống chất lượng, giống được các cơ quan quản lý Nhà nước khuyến cáo sử dụng cũng tăng cao hơn trước rất nhiều.
Minh bạch, xử lý nghiêm các vi phạm
Theo Thanh tra Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 600 cơ sở được kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, giống vật tư nông lâm nghiệp; 290 cơ sở được kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi.
Để giảm thiểu việc lưu hành các giống cây trồng, vật nuôi không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng, ngành chức năng của tỉnh Tuyên Quang tăng cường các hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức sử dụng giống chất lượng của người nông dân; khuyến cáo không sử dụng các giống chưa được lưu hành, không nằm trong cơ cấu giống của địa phương.
Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kinh doanh giống cây trồng, vậy nuôi, vật tư nông lâm nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán, cung cấp các thông tin về địa chỉ giao dịch, tên chủ cơ sở hoặc người đại diện hợp pháp, số điện thoại liên hệ để đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Sở.
Cơ quan Thanh tra và các đơn vị liên quan của Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang cũng thực hiện các cuộc thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, kịp thời các cơ sở vi phạm.
Trong năm 2022, Thanh tra Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang thực hiện 280 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng ra quyết định xử phạm vi phạm hành chính 208 vụ việc. Riêng lĩnh vực liên quan đến chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông lâm nghiệp có 13 vụ vi phạm, trong đó có 11 vụ việc liên quan đến trồng trọt, bảo vệ thực vật, 2 vụ việc liên quan đến thức ăn chăn nuôi.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Thanh tra Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang tiến hành 123 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng xử lý vi phạm hành chính 90 trường hợp, trong đó có 4 trường hợp liên quan đến thức ăn chăn nuôi và giống vật tư nông lâm nghiệp chất lượng kém.
Cũng trong năm 2023, thực hiện thanh tra, kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản, cơ quan chức năng của tỉnh Tuyên Quang đã phát hiện 4 cơ sở vi phạm về kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, giống cây trồng kém chất lượng.
Lực lượng chức năng buộc tiêu hủy thuốc bảo vệ thực vật không nằm trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam đối với 1 cơ sở kinh doanh tại xã Trung Trực, huyện Yên Sơn. Buộc trả lại nhà sản xuất để tái chế hoặc tiêu hủy đối với 3 cơ sở kinh doanh, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng tại các xã Tri Phú, Hòa Phú của huyện Chiêm Hóa và xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn.
Ông Dương Văn Vinh, Phó Chánh Thanh tra Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang cho biết, khi phát hiện vi phạm, lực lượng chức năng đã quyết liệt hơn trong công tác quản lý giống vật tư nông lâm nghiệp, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm và nêu tên công khai. Tuy nhiên, công tác quản lý cũng gặp nhiều khó khăn bởi lực lượng còn mỏng, do đó, với những giống người dân mua nhỏ lẻ, mua qua mạng thì khó có thể kiểm soát. "Có thể nói, ý thức của người nông dân sử dụng giống thông minh vẫn là vấn đề then chốt", ông Vinh nhấn mạnh.
Trong khi chờ giải pháp quản lý giống hiệu quả, hằng năm, Sở NN-PTNT Tuyên Quang chọn phương án hướng dẫn cơ cấu giống nông nghiệp, lịch gieo trồng trong từng thời vụ. Sở cũng khuyến cáo bà con nông dân lựa chọn giống trong bộ cơ cấu giống của tỉnh, tuyệt đối không sử dụng giống ngoài cơ cấu; thực hiện gieo trồng trong khung thời vụ tốt nhất; chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật…
Cùng với đó, khi mua giống, người nông dân chỉ mua của các đơn vị sản xuất giống có uy tín trên thị trường, những cửa hàng, đại lý có địa chỉ rõ ràng. Tuyệt đối không mua các giống không có nguồn gốc rõ ràng và bán trôi nổi trên thị trường. Khi sử dụng giống phải tuân thủ khuyến cáo của nhà sản xuất ghi trên bao bì sản phẩm.