Nan giải kiểm soát thuốc BVTV ở chợ nông thôn
Tại nhiều chợ xã, chợ tự phát dọc hai bên đường, nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) được bày bán dưới nền đất, lẫn lộn giữa nhiều loại hàng hóa. Người dân đi chợ không quá khó để tìm mua những loại thuốc trừ sâu với nhiều chủng loại.
Có mặt tại chợ trung tâm thị trấn Pác Miầu (huyện Bảo Lâm), đi một vòng quanh chợ, một số điểm bán thuốc BVTV được bày lẫn lộn giữa các loại hàng hóa.
Đối lập với khung cảnh tấp nập tại chợ, của hàng kinh doanh thuốc BVTV được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh của chị Đinh Thị Hoa (thị trấn Pác Miầu) lại khá vắng vẻ.
Chị Hoa chia sẻ, hiện nay thuốc BVTV lưu thông trên thị trường có rất nhiều loại, loại nào quảng cáo cũng tốt, hiệu quả. Bản thân chị dù được tập huấn, hiểu biết về tính năng, tác dụng của các loại thuốc nhưng nhiều lúc cũng khó phân biệt. Trong khi ở chợ, bà con mua thuốc BVTV chủ yếu do tư thương tự quảng cáo, chất lượng như thế nào khó mà biết được.
Anh Vừ Mí Chanh (xã Lý Bôn, huyện Bảo Lâm) cho biết, thấy lúa bị bệnh nên đến phiên chợ mua thuốc về phun, chỉ cần bảo lúa bị bệnh gì, người bán họ sẽ tư vấn loại thuốc nào phù hợp, họ cũng hướng dẫn luôn cách pha thuốc như thế nào, phun vào lúc nào, về mình chỉ cần làm theo. Mình đi chợ thấy loại nào rẻ thì mua.
Tại Cao Bằng, tình trạng bán thuốc BVTV tại các chợ xã đã giảm đi nhiều so với trước đây, do người dân dần nhận thức được nguồn gốc chất lượng thuốc khó đảm bảo khi mua trôi nổi trên thị trường. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng kiểm tra chặt chẽ hơn, nhiều trường hợp bị xử phạt, tịch thu hàng hóa.
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi tỉnh Cao Bằng, hiện nay toàn tỉnh có trên 80 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc BVTV.
Để quản lý hiệu quả, chi cục tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định, việc quảng cáo, buôn bán, vận chuyển, bảo quản và sử dụng thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh.
Từ năm 2021 đến nay, chi cục đã thanh tra, kiểm tra tại 20 cơ sở kinh doanh ở các huyện, thành phố. Qua kiểm tra phát hiện một số trường hợp tại huyện Bảo Lạc, Nguyên Bình, TP. Cao Bằng bán thuốc BVTV không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy phép kinh doanh. Đơn vị đã lập biên bản xử phạt hành chính hành chục triệu đồng, tịch thu hơn 90kg thuốc BVTV không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Ngoài ra, ngành chuyên môn cũng thường xuyên tập huấn nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng thanh tra, kiểm tra cho cán bộ làm công tác chuyên môn và nâng cao kiến thức, hiểu biết các quy định về kinh doanh thuốc BVTV cho các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Thực tế cho thấy, bên cạnh nỗ lực của các cơ quan chức năng, người dân không nên quá lạm dụng thuốc BVTV, khi sử dụng thuốc phải chú ý nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, hạn chế thấp nhất việc mua những loại thuốc trôi nổi trên thị trường.
Tiềm ẩn nỗi lo thị trường giống cây trồng
Mỗi năm, tỉnh Cao Bằng gieo trồng khoảng 100.000ha (2 vụ), trong đó chủ yếu là cây lương thực như lúa, ngô, còn lại là cây công nghiệp ngắn ngày. Nhu cầu phân bón trên địa bàn hằng năm khoảng 30.000 tấn, trên 1.000 tấn giống ngô, lúa.
Tại tỉnh Cao Bằng, Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp chiếm thị phần lớn nhất, ngoài ra còn gần 200 cơ sở kinh doanh giống cây trồng, phân bón, vật tư nông nghiệp, cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân.
Do đặc thù địa hình miền núi, tỉnh Cao Bằng có một số vùng thường xuyên thiếu nước, hạn hán, tập trung ở các huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc, Hà Quảng, bà con chủ yếu trồng ngô. Để đạt năng suất cao, cũng như nhiều loại cây trồng khác, giống có vai trò quan trọng.
Tương tự như thuốc BVTV, tình trạng bán các loại giống cây trồng tại chợ nông thôn vẫn khá phổ biến, việc kiểm soát chất lượng những loại giống này rất khó thực hiện. Khảo sát tại một số chợ nông thôn cho thấy, bà con có thể dễ dàng mua giống cây trồng ở những xe bán lưu động, những sạp hàng nhỏ bằng tre hoặc bằng phản gỗ tại các chợ phiên.
Anh Vừ Mí Già, xã Đức Hạnh (huyện Bảo Lâm) chia sẻ, một năm gia đình trồng 2 vụ ngô, giống thường được mua tại các đại lý có cửa hàng và có nguồn gốc rõ ràng, nơi bán họ cũng cam kết chất lượng sản phẩm. "Nếu mua trôi nổi ở chợ phiên thì khó mà đảm bảo, họ bán xong đi chỗ khác, sau này cây ngô không được thu hoạch cũng không biết tìm ai mà đòi quyền lợi", anh nói.
Ông Hoàng Minh Đạt, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi tỉnh Cao Bằng cho biết, từ đầu năm đến nay, ngành nông nghiệp đã phối hợp tổ chức nhiều cuộc kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, phân bón, cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y trên địa bàn các huyện, thành phố. Qua kiểm tra đã phát hiện kịp thời và xử lý một số trường hợp vi phạm theo quy định.
Ngoài ra, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Cao Bằng cũng tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt tại vùng nông thôn. Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục Hải quan tỉnh kiểm tra, kiểm soát tại các khu vực cửa khẩu, biên giới, đường mòn lối mở ngăn chặn, xử lý các hành vi buôn lậu, vận chuyển các loại vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng qua biên giới.
Công an các huyện, thành phố kịp thời nắm tình hình sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, ngăn chặn và xử lý các hành vi sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp là hàng giả, hàng kém chất lượng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Tại các tỉnh miền núi, với đặc thù địa bàn rộng, dân cư thưa, để kiểm soát buôn bán vật tư nông nghiệp tại các chợ nông thôn là rất khó khăn. Người bán các mặt hàng này chủ yếu là các tiểu thương, hoạt động ở nhiều chợ phiên, liên vùng, liên huyện. Trong khi đó nhu cầu, thói quen của người dân chưa thay đổi, chỉ muốn mua được nhanh, giá rẻ tại các chợ.
Do đó ngoài việc xử lý vi phạm, tỉnh Cao Bằng cũng tăng cường tuyên truyền đến nhân dân về lợi ích khi mua vật tư nông nghiệp tại các đại lý được cấp phép, tác hại, nguy cơ tiềm ẩn dùng phải hàng kém chất lượng khi mua trôi nổi tại các chợ nông thôn.
Để quản lý tốt hơn hoạt động buôn bán vật tư nông nghiệp, hằng năm, UBND tỉnh Cao Bằng yêu cầu các huyện, thành phố ưu tiên kinh phí cho hoạt động thanh tra, kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp;
Rà soát việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vật tư nông nghiệp, hướng dẫn việc kinh doanh đảm bảo đúng quy định pháp luật;
Phát hiện, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, đặc biệt là tình trạng kinh doanh không đúng địa điểm, không đảm bảo các điều kiện kinh doanh các mặt hàng vật tư nông nghiệp.