Những năm gần đây, Công ty Giống cây trồng Quảng Bình (thuộc Tổng Công ty Nông nghiệp Quảng Bình), đã triển khai nhiều mô hình liên kết sản xuất lúa hướng hữu cơ với các địa phương và thu mua sản phẩm.
Từ hạt lúa sạch, đơn vị đưa ra thị trường hàng ngàn tấn gạo ngon và đang xây dựng thương hiệu “Gạo quê Đại tướng” để vươn xa hơn đến thị trường xuất khẩu.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty Giống cây trồng Quảng Bình cho hay, trên nền tảng Công ty đã chọn tạo ra được nhiều giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên nên đã định hướng liên kết sản xuất với bà con nông dân và chuỗi sản xuất tạo hạt gạo ngon đến tay người tiêu dùng.
Chỉ tính riêng năm ngoái, Công ty đã thực hiện chuỗi liên kết sản xuất với tổng diện tích trên 1.600 ha, với các giống lúa chất lượng cao như QS88, LTH31, SV181, P6... Đơn vị đã thu mua gần 9.000 tấn lúa cho nông dân và cung ứng ra thị trường hơn 5.000 tấn gạo các loại.
Tiếp tục mở rộng quy mô liên kết sản xuất, năm 2023, tổng diện tích thực hiện hơn 2.800 ha, với các giống lúa chủ lực QS88, P6, HC, SV181, DV108...
Tại huyện Lệ Thủy, với diện tích hơn 500 ha đã cho năng suất bình quân đạt 64 tạ/ha. Tiêu biểu nhất tại HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Bồ (xã Xuân Thủy), có năng suất bình quân đạt gần 68 tạ/ha.
Ông Trần Xuân Dũng, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Bồ nói: “Chúng tôi có hơn 100 ha lúa liên kết sản xuất theo hướng hữu cơ với Công ty. Năng suất cao, giá cao nên bà con có lãi khoảng 30 triệu đồng/ha. Ngoài ra, với chính sách hỗ trợ của doanh nghiệp đã mang lại thu nhập cho nông dân cao hơn 20% so với canh tác thông thường”.
Trong quá trình thực hiện chuỗi liên kết, Công ty hỗ trợ ban đầu cho nông dân về giống, phân bón, kỹ thuật thâm canh để bà con thực hiện theo quy trình sản xuất hướng hữu cơ. Ngoài ra, Công ty cử cán bộ kỹ thuật về cơ sở để hướng dẫn sản xuất và cùng bà con theo dõi, dự báo sâu bệnh hại lúa trong vụ mùa.
“Qua đó, giúp nông dân đổi mới tư duy sản xuất, hạn chế sâu bệnh hại, tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm sau thu hoạch, mang lại hiệu quả cao hơn hẳn so với canh tác truyền thống”- ông Nguyễn Xuân Kỳ nhấn mạnh.
Ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho hay, là địa phương được mệnh danh vựa lúa của tỉnh, nhưng nông dân vẫn đang loay hoay với đầu ra, giá của hạt thóc trên đồng. Để hạt lúa là hàng hoá thì việc liên kết sản xuất theo chuỗi là hướng đi phù hợp và hiệu quả nhất nên địa phương luôn chào đón các doanh nghiệp bắt tay cùng bà con nông dân.
"Việc liên kết sản xuất không chỉ là tạo cho nông dân gắn kết với đồng ruộng mà cốt lõi là nâng tầm giá trị hạt gạo. Từ tự cung tự cấp, đến mở rộng thị trường nội địa và hướng đến hạt gạo sạch đủ tiêu chuẩn đưa ra thị trường quốc tế là điều mà chúng tôi luôn hướng đến sau cái liên kết”, ông Đặng Đại Tình nhìn nhận.
Để tạo điều kiện và động lực cho nông dân trong vùng liên kết, Công ty bỏ vốn cung ứng giống, phân bón cho nông dân mà không tính lãi. Trong mỗi cam kết, doanh nghiệp thực hiện cho nông dân nợ giống, phân bón tới cuối vụ thu hoạch mới phải thanh toán. Con số này với dư nợ hàng năm từ 15 - 17 tỷ đồng.
Lúa thu mua trên cánh đồng liên kết đã được công ty sơ chế và đưa vào sản xuất gạo chất lượng cao. Những năm gần đây, công ty đã “trình làng” nhiều sản phẩm có chất lượng cao như gạo "quê hương Đại tướng", gạo Kiến Giang, gạo thảo dược, gạo nếp than… và đã được thị trường chấp nhận với nhận xét tốt cho từng loại sản phẩm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Kỳ cho hay, Công ty đã thu mua cho nông dân với gần 17.000 tấn lúa, chế biến và cung ứng đưa ra thị trường gần 10.000 tấn gạo chất lượng cao các loại.
"Không chỉ cung ứng thị trường trong nước mà chúng tôi đang dần từng bước làm nghiêm ngặt quy trình canh tác hướng hữu cơ để có thương hiệu gạo chất lượng cao. Sản phẩm của chúng tôi đã được cấp mã số, mã vạch, có sức cạnh tranh tốt trên thị trường nội địa. Chúng tôi cũng đang chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm để chào hàng và tiến tới xuất khẩu ra các nước trong khu vực", ông Nguyễn Xuân Kỳ nói thêm.