| Hotline: 0983.970.780

Giống khoai tây Atlantic trồng nghịch vụ ở Lâm Đồng

Thứ Sáu 10/10/2008 , 08:00 (GMT+7)

Đây là giống khoai tây được trồng rộng rãi trên thế giới để cung cấp nguyên liệu cho chế biến khoai tây chiên lát (chips, crisps).

Giống khoai tây Atlantic dùng cho chế biến

Sau nhiều năm tập trung nghiên cứu, chọn tạo và trồng thử nghiệm thành công ở một số huyện thuộc tỉnh Lâm Đồng như Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương, TP. Đà Lạt…, tháng 10-2007 giống khoai tây Atlantic của Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam dùng cho chế biến được Bộ NN-PTNT công nhận là giống tạm thời và cho phép đưa vào sản xuất thử trên diện rộng.

Trong khuôn khổ chương trình dự án sản xuất thử nghiệm “Hoàn thiện qui trình công nghệ sản xuất giống và kỹ thuật thâm canh giống khoai tây thương phẩm Atlantic phục vụ chế biến”, Trung tâm đã phối hợp với Cty Pepsi Việt Nam (PepsiCo.VN) triển khai sản xuất thử từ vụ đông xuân 2007-2008 đến nay, trên diện tích gần 100 ha cho kết quả khả quan, đặc biệt là hoàn thiện được qui trình trồng khoai tây mùa nghịch (mùa mưa), hạn chế được bệnh mốc sương gây hại, đưa lại hiệu quả kinh tế rất cao cho người sản xuất vì giá bán thường cao gấp 1,5 đến 2 lần so với vụ thuận, nông dân rất phấn khởi.

Trao đổi với chúng tôi, TS. Phạm Xuân Tùng, Phó giám đốc Trung tâm kiêm Chủ nhiệm dự án cho biết: Atlantic là giống khoai tây được nhập nội từ Mỹ, có nhiều đặc tính nông học tốt như tiềm năng năng suất cao, chín sớm, chịu nhiệt, chất lượng rất tốt; đặc biệt là các tiêu chuẩn chất lượng và qui cách phù hợp với yêu cầu chế biến công nghiệp (hàm lượng chất khô cao, đường thử thấp, củ đồng đều, mắt củ nông, màu sắc lát chiên đẹp) hấp dẫn với hầu hết người tiêu dùng mà các giống khoai tây khác khó đạt được.

Đây là giống khoai tây được trồng rộng rãi trên thế giới để cung cấp nguyên liệu cho chế biến khoai tây chiên lát (chips, crisps). Nhược điểm của giống Atlantic là mẫn cảm với bệnh mốc sương do nấm Phytophthora infestans gây ra trong điều kiện ẩm độ không khí cao do mưa nhiều hoặc nhiều sương mù, nhiệt độ thấp dưới 20oC. Nếu điều kiện thuận lợi cho bệnh kéo dài liên tục vài ngày, có thể bị hại nặng, khó khắc phục, thậm chí bị thất thu như trường hợp một số ít hộ gia đình ở các huyện Đơn Dương, Đức Trọng đã gặp phải trong vụ đông xuân vừa qua.

Tuy nhiên, qua theo dõi thực tế trên diện rộng nếu có biện pháp phòng trừ tốt, người sản xuất vẫn có thể tránh được dịch bệnh và đạt năng suất cao 20-25 tấn/ha, nhiều hộ đã đạt trên 30 tấn/ha. Năng suất trung bình trong vụ sản xuất bất thuận (tuy là mùa khô nhưng bị áp thấp nhiệt đới làm mưa nhiều và kéo dài nhiều ngày làm một số diện tích khoai tây Atlantic bị nhiễm bệnh mốc sương nặng) vừa qua vẫn đạt 15-16 tấn/ha, tương đương năng suất khoai tây trung bình toàn tỉnh Lâm Đồng.

Bà Khanh Bích, chủ trang trại Khanh Bích ở huyện Lạc Dương cho biết: Vừa qua trang trại trồng thử nghiệm 20 ha giống Atlantic trong mùa mưa, tuy cũng có bị nhiễm bệnh mốc sương nhưng nhờ tích cực thực hiện qui trình kỹ thuật phun thuốc phòng và kiểm soát bệnh nên đã kiềm chế tác hại của bệnh và đã đạt năng suất 20-27 tấn/ha, vượt xa các giống khoai tây địa phương chỉ thường cho 8 tấn/ha.

Hiện nay Trung tâm đang xây dựng hệ thống sản xuất giống khoai tây Atlantic chất lượng cao tại Đà Lạt nhằm cung cấp cho dự án trồng 5.000 ha khoai tây nguyên liệu phục vụ nhà máy sản xuất bánh Snack của Pepsico Việt Nam tại Bình Dương. Trung tâm cũng sẽ phối hợp với TP. Đà Lạt và các vùng phụ cận triển khai việc nhân giống và SX củ giống khoai tây sạch bệnh với qui mô lớn nhằm từng bước thay thế nhập khẩu giống khoai tây Atlantic với giá cao như hiện nay.

Để có thể trồng thành công giống khoai tây Atlantic trong mùa mưa đưa lại lợi nhuận cao, theo khuyến cáo của TS. Phạm Xuân Tùng ngoài các biện pháp thông thường theo qui trình bà con cần đặc biệt chú ý thêm một số khâu sau đây:

- Bón phân: Atlantic là giống chín sớm nên cần bón thúc sớm, kết thúc 30-35 ngày sau trồng. Nếu bón muộn sẽ ảnh hưởng đến quá trình tạo củ làm giảm năng suất, chất lượng.

- Phòng trừ mốc sương: Nếu mưa hoặc sương mù nhiều, trời lạnh, nhiệt độ thấp dưới 22oC cần chú ý phòng trừ bằng các loại thuốc trừ nấm nội hấp. Nếu thời tiết khô ráo, chỉ cần phun các loại thuốc có tác dụng tiếp xúc, phòng ngừa như Macozeb, Zineb, Dithane M45 7-10 ngày/lần. Khi xuất hiện một vài triệu chứng bệnh mới phun dày hơn (5-7 ngày/lần) với các loại thuốc có tác dụng nội hấp, lưu dẫn như Curzate M8, Melody, Acrobat v.v…

Gặp trời mưa lai rai vài ngày liên tục bà con nên phun từ 3-5 ngày/lần. Có thể trộn thêm Mancozeb và Acrobat, Melody (20-30g/bình 8 lít) để phun kết hợp với việc thực hiện đồng bộ các biện pháp khác trong qui trình phòng trừ tổng hợp như dùng củ sạch bệnh, luân canh, vệ sinh đồng ruộng...

- Để tránh các khiếm khuyết bên trong (rỗng ruột, đốm đen trong củ, vỡ nứt củ), đảm bảo các tiêu chí kỹ thuật của công nghiệp chế biến, cần chọn đất tơi xốp và thoát nước tốt, đảm bảo đủ độ ẩm thường xuyên suốt thời gian sinh trưởng. Tránh để đất quá khô, sau đó tưới quá nhiều vừa ảnh hưởng năng suất, vừa giảm chất lượng củ.

Xem thêm
Người làm nên thương hiệu 'heo say xỉn'

NINH BÌNH Mấy năm nay tôi không thể vào một trại lợn nào vì chủ trại phòng dịch rất nghiêm, thế mà anh Nga bảo vào thoải mái, lao động ở đây còn thường xuyên về nhà.

Chú trọng tiêm vacxin, chống buôn lậu trước mùa nguy cơ dịch bênh

Chỉ đạo hoạt động của ngành thú y, chăn nuôi thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh công tác kiểm soát dịch bệnh bằng vacxin và phòng chống buôn lậu.

Chuyện của Madam Hương Coffee và cà phê đặc sản dưới tán rừng

QUẢNG TRỊ Cây cà phê từng khiến chị rơi vào cảnh trắng tay. Nhưng cũng nhờ trồng và chế biến cà phê đặc sản dưới tán rừng, chị đã tìm lại chính mình.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.