Sống khỏe nhờ trồng thanh long GlobalGAP
Những tháng cuối năm 2024, các nhà vườn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận bước vào vụ chong đèn thanh long để thu trái nghịch. Trước đây, giá thanh long sản xuất mùa này thường rất cao, tuy nhiên những năm gần đây thì trồi trụt.
Như năm nay vào tháng 11 vừa qua, có thời điểm giá chỉ còn 5 - 6 ngàn đồng/kg (loại 1), điều này khiến nông dân thua lỗ. Trong khi đó tại trang trại thanh long Hùng Linh của anh Trần Quốc Thắng dưới chân núi Tà Cú (thôn Minh Hòa, xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam) lại rộn ràng không khí thu hoạch với niềm vui được mùa, được giá.
Gặp chúng tôi, anh Thắng cười tươi: “Hiện mình đang chuẩn bị thanh long để cung ứng cho khách hàng xuất đi châu Âu. Giá bán ổn định quanh năm là 18 ngàn đồng/kg đối với thanh long ruột trắng và 30 ngàn đồng/kg đối với ruột đỏ. Với giá này, sau khi trừ chi phí mình lãi từ 40 - 50% nên chẳng quan tâm thị trường giá cả lên hay xuống”.
Đây không phải là năm đầu tiên anh Thắng tự tin sống khỏe nhờ thanh long mà hơn 10 năm nay đầu ra sản phẩm của trang trại thanh long Hùng Linh luôn ổn định và bán giá cao như vậy, kể cả thời điểm dịch Covid-19.
Chính vì thế, việc anh Thắng luôn quan tâm là làm tốt khâu sản xuất của mình, đáp ứng yêu cầu của khách hàng, còn đầu ra sản phẩm đã có doanh nghiệp chuyên bán hàng lo liệu. Mối liên kết này đã được anh duy trì với khách hàng từ năm 2010 khi bắt tay kiên định sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP - tiêu chuẩn được thừa nhận chất lượng sản phẩm trên toàn cầu.
Để mục sở thị cách canh tác, anh dẫn chúng tôi ra vườn thanh long rộng mênh mông được trồng thẳng tắp, cành chen cành, trái chín đỏ tươi trông rất đẹp mắt. Hiện diện tích thanh long của anh Thắng lên đến 46ha, trong đó hơn 30ha thanh long ruột trắng, còn lại là thanh long ruột đỏ và tím hồng.
Toàn bộ vườn thanh long được lắp đặt hệ thống tưới phun mưa và tưới nhỏ giọt từng gốc nhằm đảm bảo nước tưới không bị thiếu hụt trong mùa khô dù ở vùng đất thường xuyên hạn hán khốc liệt. Điều chúng tôi cảm nhận bằng mắt thường về sự khác biệt so với vườn thanh long sản xuất thông thường đó là vườn thanh long của anh Thắng cành khỏe mạnh, có màu xanh đậm, không nhiễm bệnh.
Để làm được điều đó, anh Thắng cho biết ngoài việc canh tác theo quy trình, thu hoạch khi trái thanh long vừa chín giúp dây khỏe mạnh, vừa đáp ứng thị trường châu Âu thì việc theo dõi, kiểm tra nấm bệnh trong vườn thường xuyên là rất quan trọng. Từ đó kịp thời xử lý các cành bị nhiễm bệnh đốm nâu, thán thư để tránh lây lan trên diện rộng.
“Khi mình làm tốt khâu này sẽ giúp vườn thanh long hạn chế phải phun thuốc phòng trừ, tiết kiệm nhiều chi phí. Dây thanh long khỏe mình có thể chong điện 3 lần/năm, năng suất đạt 40 tấn/ha, trong khi vườn truyền thống hiện nay trung bình chỉ đạt từ 25 - 30 tấn/ha”, anh Thắng nói.
Sản xuất thanh long GlobalGAP đòi hỏi nông dân phải thay đổi tư duy sản xuất, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, đặc biệt chỉ sử dụng thuốc có trong danh mục được phép sử dụng.
Hiện nay, tại vườn thanh long của anh Thắng việc phòng trừ sâu bệnh chủ yếu sử dụng thuốc BVTV sinh học theo nguyên tắc "4 đúng" gồm: đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ liều lượng và đúng cách. Đặc biệt, vườn thanh long được chăm sóc, đầu tư bài bản, bón phân hữu cơ vi sinh hoàn toàn giúp cải tạo đất, bổ sung cho đất một lượng lớn mùn, tạo điều kiện để vi sinh vật hữu ích phát triển. Mặt khác, việc không sử dụng phân hóa học và để thanh long ra trái tự nhiên, không vặt bỏ bớt quả sẽ giúp trọng lượng quả đạt dưới 500gram và đáp ứng theo yêu cầu thị trường.
“Hiện thị trường châu Âu, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, New Zealand… đều ăn thanh long với kích cỡ như nhau. Do đó mình làm theo yêu cầu thị trường cần và phải đáp ứng đều đều sản lượng cho họ. Tại trang trại này mình thực hiện rải diện tích chong đèn ra nhiều pha khác nhau để lúc nào cũng có thanh long thu hoạch cung ứng khách hàng. Song sản lượng tại trang trại vẫn chưa đáp ứng với nhu cầu xuất sang các thị trường khó tính”, anh Thắng chia sẻ.
Dẫn dắt nông dân sản xuất thanh long
Hiện trang trại thanh long của anh Thắng cho tổng sản lượng từ 1.500 - 2.000 tấn/năm, trong đó 15ha mới chỉ thu hoạch trái bói. Sau khi trừ tất cả chi phí, anh bỏ túi từ 10 - 12 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho khoảng 130 lao động chăm sóc, thu hoạch và sơ chế, đóng gói sản phẩm với thu nhập trung bình 8 triệu đồng/người/tháng.
Trước hiệu quả mang lại từ cây thanh long, dù nhiều nông dân phá bỏ vườn vì sản xuất thua lỗ, song trang trại thanh long Hùng Linh vẫn mở rộng thêm diện tích từng năm. “Hiện mình đang trồng thêm 10ha thanh long bởi đầu ra sản phẩm rất yên tâm. Mình đang liên kết với hơn 15 khách hàng nên cần nguồn hàng rất lớn”, anh Thắng bộc bạch.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, từ năm 2012 đến nay, anh Thắng đã liên kết, dẫn dắt 20 nông dân ở các xã Hàm Minh, Thuận Quý (huyện Hàm Thuận Nam) và xã Tân Tiến (thị xã La Gi) sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP với tổng diện tích khoảng 150ha. Từ đó giúp nông dân yên tâm sản xuất, không lo lắng đầu ra sản phẩm.
Anh Trần Việt Phong ở thôn Minh Hòa, xã Hàm Minh cho biết, gia đình anh có thâm niên 24 năm trồng thanh long. Đến nay, gia đình đã phát triển 5ha, trong đó 1ha ruột đỏ, còn lại là ruột trắng. Trước đây cũng như các hộ khác, gia đình anh sản xuất thanh long thông thường nên giá cả, đầu ra không ổn định. Tuy nhiên từ năm 2012, anh liên kết với anh Thắng, được hướng dẫn sản xuất theo quy trình mới thì năm nào cũng có lãi, rất yên tâm đầu tư.
Theo anh Phong, thanh long ruột trắng được anh Thắng thu mua dao động từ 18 - 20 ngàn đồng/kg, còn ruột đỏ từ 28 - 30 ngàn đồng/kg. Nhờ đó, gia đình lãi từ 200 - 300 triệu đồng/ha thanh long ruột trắng và từ 400 - 500 triệu đồng/ha thanh long ruột đỏ.
Tương tự, anh Trần Phi Hùng ở thôn Minh Tiến, xã Hàm Minh liên kết với anh Thắng từ nhiều năm qua, thu hoạch lúc nào cũng lãi khá. Anh Hùng cho biết, với giá thu mua ổn định từ 18 - 20 ngàn đồng/kg ruột trắng, anh rất yên tâm làm tốt khâu sản xuất, phát triển diện tích lên gần 27ha, trong khi bà con sản xuất thông thường lúc nào cũng thấp thỏm giá cả và đầu ra mỗi khi có thanh long chín.
Có thể khẳng định, trong bối cảnh hiện nay, việc sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn quy định, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là xu hướng tất yếu. Để có chỗ đứng cho trái thanh long, nông dân phải liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhằm có điều kiện chứng nhận sản phẩm đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu.
Nhận thấy nhiều cơ hội từ trái thanh long, anh Thắng đã tiên phong, đồng thời hướng dẫn nhiều hộ nông dân thay đổi tư duy sản xuất theo hướng xanh, sạch và bền vững, trái thanh long làm ra luôn có chỗ đứng trên thị trường khó tính từ nhiều năm qua.
Ông Nguyễn Đình Hà, Chủ tịch UBND xã Hàm Minh đánh giá, thời gian qua, trang trại thanh long Hùng Linh của anh Thắng đã phát triển đúng định hướng của ngành nông nghiệp, đó là sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP nhằm đảm bảo chất lượng để đáp ứng mọi thị trường. Đây cũng là con đường tất yếu giúp quả thanh long của địa phương vươn xa và giúp nhiều bà con làm giàu.