Vụ xuân hè 2023, lạc đỏ được mùa, đặc biệt giá lạc tăng cao (lạc tươi thương lái mua tại dân giá 16.000 - 17.000đ/kg) nên bà con vùng cao xã Ta Gia vô cùng phấn khởi.
Thơm bùi lạc đỏ Ta Gia
Ta Gia là xã vùng I của huyện Than Uyên (Lai Châu), cách trung tâm huyện 25km về phía đông nam, tổng diện tích tự nhiên hơn 8.800ha, gồm 984 hộ dân với hơn 5.600 nhân khẩu, gồm 03 dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú sinh sống ở 12 bản (trong đó 03 bản đặc biệt khó khăn).
Trước đây, bà con Ta Gia sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước ở cánh đồng dọc hai bên bờ sông Nậm Mu và những khe suối trong khu vực. Cuộc sống của họ phụ thuộc vào trồng trọt, chăn nuôi tự cung tự cấp. Cây trồng chủ yếu trên nương là ngô, sắn và lúa nương.
Từ năm 2015, khi thủy điện Huổi Quảng chặn dòng, nước sông Nậm Mu dâng thành hồ, diện tích ruộng lúa nước hai bên sông ngập khá nhiều. Ở các bản ven hồ, bà con đã chuyển đổi sinh kế, chuyển sang nuôi thủy sản nước ngọt trên hồ thủy điện. Tuy nhiên, đa số bà con vẫn trồng cây lương thực để ăn và chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Vài năm trở lại đây, bà con đã rất tích cực học tập kỹ thuật, đưa vào sản xuất nhiều giống cây trồng mới có giá trị kinh tế cao như quế, chè... Tuy nhiên, lạc đỏ là giống bản địa của bản Gia (xã Ta Gia) vẫn là một trong những cây ngắn ngày đem lại nguồn thu nhập khá tốt. Trong sản xuất lạc, hiện bà con đã tiếp cận với nhiều tiến bộ kỹ thuật, các loại phân bón cho năng suất, chất lượng cao, tổ chức sản xuất và tiêu thụ mang tính hàng hóa, cho hiệu quả, thu nhập cao.
Tháng 6 này về Ta Gia, qua những con đường quanh co ven sườn núi, bên dòng sông Nậm Mu trong xanh, qua dốc bản Mì đi vào, bạn sẽ thấy cả Ta Gia xanh biếc. Màu xanh của lúa ở cánh đồng chân bản Mì, màu xanh của những ruộng bậc thang một vụ lúa ở thung lũng chân núi Hua Mì, màu xanh của dòng nước Nậm Mu đã thành hồ thủy điện.
Mùa thu hoạch lạc đã về. Lạc vụ xuân hè nên củ đã mẩy hạt nhưng lá, thân cây lạc vẫn cao, khỏe. Khi lạc trồng ở vườn, ở nương đủ 3 tháng, nhổ vài gốc kiểm tra, thấy lạc đã căng mẩy là lúc bà con chuẩn bị nhổ lạc chở về nhà. Lạc gieo trong tháng 3, khi Than Uyên chuẩn bị đón những cơn mưa đầu mùa, chỉ hơn 3 tháng, giờ đây nhiều bản của Ta Gia cùng bước vào mùa thu hoạch lạc đỏ, năng suất cao nhất là bản Gia.
Lạc đỏ Ta Gia có đặc điểm vỏ mỏng, hạt to, hạt mẩy đầy căng lên vỏ, thơm bùi nên được nhiều người yêu thích. Dù ở Than Uyên có nhiều vùng cũng trồng lạc nhưng người tiêu dùng vẫn tìm lạc đỏ Ta Gia.
Từ trước tới nay, bà con nông dân Ta Gia sử dụng giống lạc đỏ truyền thống địa phương, sản lượng trung bình khoảng 18 tạ/ha. Vụ xuân hè, bà con trồng lạc trong vườn, trên nương và cả những chân ruộng một vụ. Ở những nương lạc được chăm sóc tốt có thể cho năng suất 20 tạ/ha.
Giá cao ngất ngưởng, cơ hội mới cho lạc đỏ
Đầu vụ xuân hè năm 2023, bà con ở các bản Ta Gia đã sẵn sàng chuẩn bị giống, phân bón, làm đất cho mùa vụ mới. Cán bộ xã và cán bộ các thôn bản tích cực vận động bà con trồng lạc trên toàn bộ diện tích nương, vườn, trồng xen canh trong các nương chè.... Bà con tích cực làm nương, vỡ đất, bón lót..., đến lúc xuống giống xong vụ 1 cả xã có tổng diện tích hơn 28ha lạc, tổng sản lượng lạc đỏ toàn xã đạt gần 51 tấn.
Vụ xuân hè năm nay, lạc đỏ sinh trưởng và phát triển rất tốt. Đến giữa tháng 6, bà con đã thu hoạch được khoảng 2/3 diện tích gieo trồng, sản lượng trung bình đạt 18 tạ/ha, cao hơn so với mọi năm khoảng 1 tạ/ha.
Cá biệt có những hộ như Đèo Văn Cơng, Vì Văn Chài, Vì Văn Cu, Lò Văn Mẳn... trồng trên diện tích từ 2.000 đến 3.000m2, năng suất trung bình đạt 25 đến 30 tạ/ha. Năm nay, do thị trường giá lạc tăng cao nên hiện lạc tươi thương lái đang mua cho bà con tại đầu cầu Bản Gia lên tới khoảng 16.000 - 17.000đ/kg, giúp bà con lãi khá và có thu nhập đáng kể. Đối với những người chở lạc tươi ra chợ huyện (cách 22km) có thể bán với giá 20.000đ/kg.
Dẫn chúng tôi đi thăm một số hộ sản xuất giỏi ở bản Gia, anh Lò Văn Mẳn - Bí thư Chi bộ bản Gia vui mừng giới thiệu: “Vụ xuân hè cả bản trồng 8ha lạc, năng suất trung bình đạt 2 tạ/sào (sào 1.000m2). Vụ hè thu này, bản chuẩn bị xuống giống theo kế hoạch 8ha, diện tích bà con dự kiến mở rộng thêm 5ha nữa.
Hộ đạt sản lượng lạc đỏ nhiều nhất vụ vừa qua là anh Đèo Văn Cơng ở bản Gia, trồng 3.000m2, thu hoạch hơn 9,6 tạ, bán được 15,3 triệu đồng. Anh khẳng định “thu nhập từ lạc đỏ cao gấp 2 - 3 lần lúa mà không vất vả, chỉ một lần trồng, một lần làm cỏ vun gốc và một lần thu hoạch”. Bên cạnh hộ anh Cơng, hộ anh Vì Văn Chài trồng 2.000m2 lạc đỏ cũng thu hoạch được 6 tạ lạc tươi, đạt năng suất trung bình 3 tạ/sào.
Anh Lò Văn Dụng, Trưởng bản Gia cho biết: Bản Gia có 118 hộ, thu nhập bình quân hiện nay đạt hơn 40,5 triệu/người/năm. Với nhu cầu lạc đỏ trên thị trường hiện nay, việc bà con tin tưởng, tích cực trồng lạc đỏ sẽ giúp tăng thu nhập của các hộ gia đình.
Ông Lò Văn Chài, Chủ tịch UBND xã Ta Gia cho biết, trước khi thu hoạch lạc vụ xuân hè 2023, tại các hội nghị giao ban, UBND xã đã chỉ đạo các bản chủ động giống từ vụ 1 để chuẩn bị trồng vụ thu đông (vụ 2) xong trước 15/8, đảm bảo vượt chỉ tiêu năm 2023 (huyện giao chỉ tiêu 48ha/2 vụ).
Nhân dân Ta Gia đã dần nhận thức được giá trị của lạc đỏ (không tốn nhiều công sức như cây lúa nước) mà giá bán lại cao gấp đôi so với thóc. Một số hộ bản Gia còn khẳng định từ năm 2024 trở đi ruộng chỉ làm đủ ăn, còn lại diện tích sẽ tập trung vào trồng lạc. Xã sẽ lấy bản Gia làm điểm trong việc chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng lạc, sau đó tiếp tục mở rộng ở các bản khác.
Với sản lượng trung bình 18 tạ/ha, cây lạc đỏ đang trở thành sản phẩm nông nghiệp đem lại thu nhập cao cho nông dân Ta Gia. Việc sử dụng các giống lạc đỏ truyền thống có năng suất ổn định, chất lượng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng... đã góp phần nâng cao sản lượng lương thực có hạt, đảm bảo nguồn thu nhập cho nông dân địa phương.
Bên cạnh việc lấy hạt thì lá, thân lạc đỏ khi thu hoạch được bà con tận dụng làm phân xanh, bổ sung nguồn dinh dưỡng hữu cơ cho đất..., nhờ đó đất vườn, đất nương trên địa bàn ngày càng tốt cho cây trồng, giúp các loại cây nông nghiệp có điều kiện phát triển.