| Hotline: 0983.970.780

Giữ vị thế của hạt điều Bình Phước: [Bài 1] Thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến hạt điều

Thứ Hai 10/06/2024 , 08:30 (GMT+7)

Với mục tiêu đưa giá trị ngành điều địa phương lên 69 nghìn tỷ đồng, Bình Phước đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để thu hút đầu tư vào chế biến điều.

Thiếu điều nguyên liệu ngay tại thủ phủ điều

Từ nhiều năm nay, hạt điều Bình Phước luôn được người tiêu dùng trong và ngoài nước đánh giá cao về chất lượng, giá trị dinh dưỡng, nên cây điều đã trở thành cây công nghiệp số 1 của địa phương.

Hiện nay, Bình Phước được coi là “thủ phủ” cây điều với diện tích hơn 152.000ha, chiếm gần 50% tổng diện tích trồng điều của cả nước. Cây điều Bình Phước được trồng tập trung chủ yếu tại các huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập, Phú Riềng và Đồng Phú.

Bình Phước được coi là 'thủ phủ' cây điều, nghịch lý là doanh nghiệp ngành này vẫn đói nguyên liệu do nhiều nguyên nhân. Ảnh: Trần Trung.

Bình Phước được coi là “thủ phủ” cây điều, nghịch lý là doanh nghiệp ngành này vẫn đói nguyên liệu do nhiều nguyên nhân. Ảnh: Trần Trung.

Năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hạt điều Bình Phước. UBND tỉnh Bình Phước là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Do có diện tích, sản lượng điều lớn và hạt điều có chất lượng cao, Bình Phước là địa phương tập trung nhiều nhất các nhà máy, cơ sở chế biến điều. Thông tin từ UBND tỉnh Bình Phước cho thấy, đến năm 2022, trên địa bàn tỉnh này có khoảng 500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến, xuất nhập khẩu sản phẩm điều, chiếm 70% số doanh nghiệp và chiếm 50-80% năng lực chế biến hạt điều cả nước.

Trong những năm qua, nguồn vốn đầu tư vào chế biến hạt điều ở Bình Phước ngày càng tăng, giúp nâng cao trình độ công nghệ chế biến, mức độ tự động hóa, cơ giới hóa tại các cơ sở chế biến điều. Qua đó, nâng cao tỷ lệ thu hồi nhân cũng như hiệu quả đầu tư, dẫn tới sản lượng chế biến, kim ngạch xuất khẩu ngày càng tăng và xuất hiện ngày càng nhiều sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao.

Có thể nói, với năng lực sản xuất, trình độ công nghệ, ngành chế biến điều Bình Phước đã giải quyết tốt đầu ra cho hạt điều nguyên liệu của tỉnh. Một số sản phẩm điều chế biến sâu có giá trị gia tăng cao, đã được bán ở phân khúc tốt nhất của chuỗi giá trị hạt điều và bắt đầu có thương hiệu trên thị trường ở cả tầm quốc gia và quốc tế.

Những yếu tố trên đã tạo nên thế mạnh cho ngành điều Bình Phước, đưa hạt điều trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Bình Phước với giá trị xuất khẩu cao. Theo bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, kim ngạch xuất khẩu hạt điều Bình Phước hiện đạt hơn 1 tỷ USD/năm. Với trị giá xuất khẩu như vậy, mỗi năm, ngành chế biến hạt điều đóng góp từ 30-45% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Công suất chế biến điều trên địa bàn tỉnh đã vượt rất xa so với năng lực sản xuất điều thô, nên cần có giải pháp căn cơ. Ảnh: Thanh Sơn.

Công suất chế biến điều trên địa bàn tỉnh đã vượt rất xa so với năng lực sản xuất điều thô, nên cần có giải pháp căn cơ. Ảnh: Thanh Sơn.

Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp Bình Phước đầu tư mạnh vào công nghệ chế biến nhân điều trong nhiều năm qua (cơ giới hóa, tự động hóa …), đã dẫn tới tổng công suất chế biến điều trên địa bàn tỉnh đã vượt rất xa so với năng lực sản xuất điều thô. Theo đánh giá ước tính của các doanh nghiệp điều Bình Phước, sản lượng điều thô hiện tại chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu chế biến, 70% còn lại phải nhập khẩu từ châu Phi, Campuchia, Indonesia …

Nông dân vẫn chật vật với cây điều

Trong khi các doanh nghiệp chế biến điều Bình Phước ngày càng phụ thuộc vào nguồn điều thô nhập khẩu, thì vùng nguyên liệu điều của tỉnh lại đang có xu hướng bị thu hẹp.

Nguyên nhân là do nông dân trồng điều vẫn chật vật với loại cây này do năng suất thấp, lại không ổn định, nên hiệu quả kinh tế không cao. Do đó, nhiều hộ trồng điều ở Bình Phước đang chuyển dần sang các cây trồng khác.

Nông dân Bình Phước vẫn sống khổ bên cây điều do năng suất thấp, giá điều thô không cao. Ảnh:Trần Trung.

Nông dân Bình Phước vẫn sống khổ bên cây điều do năng suất thấp, giá điều thô không cao. Ảnh:Trần Trung.

Với diện tích vườn điều lên đến 35 ha, ông Phạm Đại Số, ở xã biên giới Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập) là một trong những nông dân còn giữ lại diện tích điều lớn tại địa phương. Ông Số cho biết, những năm trước dù bị ảnh hưởng bởi thời tiết nhưng năng suất vẫn đạt hơn 1 tấn/ha. Năm nay là năm bị ảnh hưởng nặng nhất, năng suất điều chỉ đạt chưa tới 400kg/ha. Trong khi đó, giá thu mua hạt điều tươi thấp hơn từ 1.000-2.000 đồng/kg so với cùng kỳ dẫn tới thu không bù chi, ông cũng định chuyển đổi một phần diện tích sang trồng cao su để phát triển kinh tế.

“Giá hạt điều vài năm gần đây dao động khoảng 20-25 nghìn đồng/kg, trong khi vật giá ngày càng leo thang, nếu chăm sóc tốt, năng suất điều khoảng 1,2-2,5 tấn/ha, bình quân mỗi ha điều cho thu nhập khoảng 40-50 triệu đồng/ha. So với các cây trồng khác, đây là mức thu nhập khá khiêm tốn, với diện tích lớn như gia đình tôi còn tạm ổn, những gia đình có diện tích dưới 3ha chẳng khác nào trồng cho vui”, ông Phạm Đại Số chia sẻ.

Theo Sở NN-PTNT Bình Phước, Bình Phước là trung tâm chế biến điều nhân của Việt Nam và Việt Nam là trung tâm chế biến điều nhân của thế giới, nhưng lại chưa có vùng nguyên liệu điều bền vững, khi mà các vùng trồng điều ở Bình Phước nói riêng và cả nước nói chung đang ngày càng thu hẹp và sản lượng không còn bao nhiêu. Đây chính là mấu chốt khiến các nhà máy phải cạnh tranh mua điều thô từ châu Phi.

Phần lớn doanh nghiệp lo tập trung chế biến, chưa chú trọng bắt tay cùng nông dân xây dựng vùng nguyên liệu bền vững. Ảnh: Thanh Sơn.

Phần lớn doanh nghiệp lo tập trung chế biến, chưa chú trọng bắt tay cùng nông dân xây dựng vùng nguyên liệu bền vững. Ảnh: Thanh Sơn.

“Các cơ sở chế biến điều trên địa bàn phần lớn chưa chú trọng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu; chưa hỗ trợ, ký kết hợp đồng thu mua với người trồng điều nên nguồn nguyên liệu chưa ổn định, thiếu hụt nguyên liệu trong nước để chế biến. Ngoài ra, sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong chuỗi sản xuất - chế biến - kinh doanh chưa chặt chẽ. Nhiều cơ sở chế biến điều ở quy mô siêu nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế”, ông Trần Văn Phương - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Phước nhận định.

Thu hút đầu tư vào chế biến hạt điều

Xác định cây điều vẫn sẽ là cây công nghiệp chủ lực, là sản phẩm xuất khẩu chủ lực trong nhiều năm tới khi nhu cầu tiêu thụ trên thế giới rất lớn, tỉnh Bình Phước đang đặt ra nhiều mục tiêu đầy tham vọng cho ngành điều của tỉnh. Cụ thể, đến năm 2025, giá trị sản xuất hạt điều các loại và dầu vỏ hạt điều đạt hơn 43 nghìn tỷ đồng, trong đó, tỷ trọng hạt điều chế biến sâu đạt từ 15% trở lên. Đến năm 2030, giá trị sản xuất hạt điều các loại và dầu vỏ hạt điều đạt 69 nghìn tỷ đồng, tỷ trọng hạt điều chế biến sâu đạt từ 25% trở lên.

Để đạt được những mục tiêu trên, Bình Phước tiến hành quy hoạch vùng nguyên liệu điều 140 nghìn ha, tập trung tại các huyện Bù Gia Mập, Phú Riềng, Bù Đăng và Đồng Phú.

Xác định cây điều vẫn sẽ là cây công nghiệp chủ lực, Bình Phước đang đặt ra nhiều mục tiêu đầy tham vọng cho ngành điều của tỉnh. Ảnh: Trần Trung.

Xác định cây điều vẫn sẽ là cây công nghiệp chủ lực, Bình Phước đang đặt ra nhiều mục tiêu đầy tham vọng cho ngành điều của tỉnh. Ảnh: Trần Trung.

Bên cạnh đó, Bình Phước triển khai các giải pháp để nâng cao hiệu quả kinh tế của cây điều để nông dân yên tâm gắn bó với cây trồng này và tạo nguồn nguyên liệu ổn định, bền vững cho các nhà máy chế biến điều. Giải pháp hàng đầu là nâng cao năng suất trồng điều trong tỉnh theo hướng gắn liền quy hoạch vùng chuyên canh cây điều và nghiên cứu lai tạo giống điều có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh. Trong đó, tập trung các biện pháp kỹ thuật đưa năng suất điều đạt từ 2,5 tấn/ha trở lên.

Đồng thời, ngành điều của Bình Phước được định hướng dịch chuyển nhanh sang sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ (ít nhất áp dụng từ 5–10% quy mô vùng nguyên liệu).

Để nâng cao năng lực chế biến điều, Bình Phước tiến hành kêu gọi đầu tư, hỗ trợ tài chính đầu tư hạ tầng kỹ thuật của ít nhất 2 cụm công nghiệp chế biến sản phẩm điều theo hướng cụm ngành. Thu hút các doanh nghiệp sản xuất hạt điều lớn, chế biến sâu vào cụm công nghiệp; từ đó tạo mối liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến điều để thành cụm liên kết sản xuất tập trung, ổn định, đạt chuẩn, có khả năng liên kết tỉnh và các vùng lân cận đảm bảo đủ năng lực dẫn dắt thị trường. Song song với đó là thành lập kho ngoại quan, chợ nông sản tại tỉnh Bình Phước để phục vụ hoạt động kinh doanh mua bán, xuất nhập khẩu mặt hàng điều.

Xem thêm
Sầu riêng 'tắc đường' sang Trung Quốc: Khẩn thiết cần 1 đầu mối đứng ra đàm phán

'Chúng tôi chỉ là hiệp hội, không có chức năng quản lý và chưa được hướng dẫn thủ tục cấp giấy kiểm định vàng O', Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nói.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Nestlé Việt Nam: Tiên phong phát triển bền vững, đồng hành kiến tạo tương lai xanh

Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đưa ra những giải pháp vừa tạo tác động tích cực môi trường, vừa thúc đẩy phát triển bền vững cho cộng đồng địa phương.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.