| Hotline: 0983.970.780

Gỗ Campuchia xuất sang Việt Nam cần bằng chứng hợp pháp

Thứ Ba 18/05/2021 , 11:12 (GMT+7)

Gỗ Campuchia đang là một trong những nguồn cho ngành gỗ Việt Nam, nhưng tiềm ẩn rủi ro lớn. Ngành gỗ đang cần bằng chứng hợp pháp về gỗ Campuchia nhập khẩu.

Gỗ Campuchia xuất khẩu sang Việt Nam. Ảnh: AFP.

Gỗ Campuchia xuất khẩu sang Việt Nam. Ảnh: AFP.

Thông tin từ Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2020 Việt Nam nhập khẩu 1.490m3 gỗ tròn/gỗ hộp và 27.490 m3 gỗ xẻ từ Campuchia. Lượng gỗ nhập khẩu từ Campuchia đã giảm nhiều so với thời điểm trước năm 2017 do Chính phủ nước này siết chặt việc xuất khẩu gỗ nguyên liệu chưa qua chế biến, cộng với sức ép của các tổ chức môi trường quốc tế.

Theo Nghị định số 102/2020/NĐ-CP về Hệ thống đảm bảo tính hợp pháp của gỗ Việt Nam (VNTLAS), Campuchia không phải là quốc gia thuộc vùng địa lý tích cực. Do đó, khi nhập khẩu gỗ từ Campuchia, các doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam phải cung cấp thêm các giấy tờ hợp pháp do cơ quan có thẩm quyền Campuchia cấp để xác minh tính hợp pháp của hàng nhập khẩu.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam chưa nắm được đầy đủ thông tin về những giấy tờ hợp pháp nào được cấp bởi các cơ quan có thẩm quyền Campuchia. Những giấy tờ đó có đủ để chứng minh nguồn cung ứng hợp pháp hay không. Vấn đề này đã và đang gây ra thách thức không chỉ cho các doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam mà cả các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thực hiện VNTLAS.

Trước tình hình đó, để thúc đẩy thương mại gỗ hợp pháp giữa Campuchia và Việt Nam, đảm bảo các nhà nhập khẩu Việt Nam tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về tính hợp pháp từ cả hai nước, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) vừa có văn bản gửi Bộ Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia, đề nghị chia sẻ các  bằng chứng hợp pháp cho gỗ Cambodia xuất khẩu sang Việt Nam.

Theo văn bản này, Chính phủ Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ loại trừ gỗ bất hợp pháp khỏi tất cả các chuỗi cung ứng gỗ của Việt Nam. Cam kết này được thể hiện cụ thể trong Hiệp định VPA/FLEGT (VPA), được ký kết bởi Chính phủ Việt Nam và EU vào năm 2019. Thực hiện VPA về các yêu cầu về tính hợp pháp được áp dụng cho các sản phẩm xuất khẩu và cả các sản phẩm trong thị trường nội địa.

Vào tháng 9/2020, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định VNTLAS nhằm đảm bảo tính hợp pháp của toàn bộ chuỗi cung ứng gỗ. Theo đó, trọng tâm của VNTLAS là kiểm soát tính hợp pháp của việc nhập khẩu gỗ. Trong đó, quy định khi đưa gỗ có rủi ro cao vào trong nước, các nhà nhập khẩu Việt Nam phải thực hiện trách nhiệm giải trình để đảm bảo hàng nhập khẩu của họ có thể được xác minh là có nguồn gốc hợp pháp.

Để làm được điều này, các nhà nhập khẩu phải chứng minh các tài liệu chính thức do cơ quan Chính phủ có liên quan tại quốc gia xuất khẩu cấp để xác minh tính hợp pháp của nguồn hàng và xuất khẩu, và/hoặc chứng nhận bền vững từ các bên thứ ba.

Chính vì vậy, VIFOREST đã đề nghị Bộ Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia chỉ đạo cơ quan chức năng chia sẻ với Hiệp hội danh sách, nội dung cơ bản các văn bản, tài liệu pháp lý cần thiết cho xuất khẩu gỗ Campuchia (bao gồm cả các quy định liên quan đến các sản phẩm gỗ hạn chế và các loài cây được bảo vệ) và các giấy tờ cần thiết mà doanh nghiệp nhập khẩu cần phải xuất trình cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam khi các doanh nghiệp này đưa gỗ Campuchia vào Việt Nam. Những thông tin này rất quan trọng đối với VIFOREST trong việc đảm bảo tính hợp pháp của việc nhập khẩu gỗ.

VIFOREST đại diện cho ngành gỗ của Việt Nam, với hơn 1.300 thành viên hoạt động trong các lĩnh vực: phát triển rừng trồng; công nghiệp chế biến và xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. VIFOREST khuyến khích các thành viên tuân thủ nghiêm ngặt mọi yêu cầu về tính hợp pháp của gỗ, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước xuất khẩu gỗ sang Việt Nam.

Trước đó, vào tháng 3 năm nay, VIFOREST cũng đã có thư gửi Bộ Lâm nghiệp Cameroon, đề nghị cung cấp thông tin về bằng chứng hợp pháp với gỗ từ Cameroon xuất khẩu sang Việt Nam. Cameroon đang là nguồn cung gỗ nhiệt đới lớn nhất cho Việt Nam. Năm 2020, Việt Nam nhập khẩu gần 400 ngàn m3 gỗ tròn và hơn 153 ngàn m3 gỗ xẻ từ Cameroon. Cũng như Campuchia, Cameroon chưa phải là quốc gia thuộc vùng địa lý tích cực.

Xem thêm
Sản phẩm từ mật hoa dừa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường thứ 5

Các sản phẩm từ mật hoa dừa do Công ty Sokfarm chế biến đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ và mới đây là Australia.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.