| Hotline: 0983.970.780

Gỡ khó trong ngày cho doanh nghiệp xuất khẩu

Thứ Bảy 19/03/2022 , 20:34 (GMT+7)

Văn phòng SPS Việt Nam, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam và Hiệp hội Điều Việt Nam đã vào cuộc tích cực, giúp thông quan một lô hạt điều xuất sang Trung Quốc.

Cảng Thiên Tân là nơi lô hàng của Công ty T.A bị chậm thông quan.

Cảng Thiên Tân là nơi lô hàng của Công ty T.A bị chậm thông quan.

Giải quyết trong một ngày

"Rất mừng", "Tuyệt vời", "Không thể tin được" là những gì ông Bùi Khắc Nhã - Giám đốc kinh doanh của Công ty TNHH Chế biến Nông sản, thực phẩm xuất khẩu T.A thốt lên khi lô hạt điều tại cảng Thiên Tân, Trung Quốc được thông quan vào sáng 19/3 - chưa đầy 24 giờ sau khi công ty gửi văn bản thông báo đến Văn phòng SPS Việt Nam.  

Theo ông Nhã, thông qua sự giới thiệu, tư vấn của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), công ty đã gửi công văn tới Văn phòng SPS Việt Nam vào ngày 18/3. Nội dung, là đề nghị hỗ trợ công ty trong việc đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) cho thông quan lô hàng có số vận đơn CULVSGN2I03814. 

Lô hàng này đã đến Cảng Thiên Tân vào ngày 25/1/2022. Tuy nhiên, do tên tiếng Anh của công ty bị thiếu chữ "s", khách hàng không thể nhận containter này.

Công ty T.A đã nộp đầy đủ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc từ tháng 12/2021, và hiện được cấp phép xuất hàng. Sản phẩm đáp ứng đầy đủ yêu cầu, theo hướng dẫn của Công văn số 175/BVTV-ATTP ngày 20/01/2022 của Cục Bảo vệ thực vật về Hướng dẫn doanh nghiệp sản xuất thực phẩm có nguồn gốc thực vật thực hiện việc đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc.

"Chúng tôi không biết trục trặc từ phía nào. Chỉ khi khách báo không thể nhận hàng, công ty lên website của GACC mới phát hiện sai sót. Suốt nhiều tuần qua, lúc nào chúng tôi cũng như trên đống lửa", ông Nhã nói.

Từ lúc phát hiện nguyên nhân, công ty đã chủ động liên hệ một số cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam, nhưng không thể khắc phục được triệt để, dù sai sót chỉ là lỗi chính tả - thiếu một chữ "s". 

Sau hơn một tháng hàng ở cảng, thông qua Vinacas, công ty đã đề nghị Văn phòng SPS Việt Nam giúp đỡ. Dù cuối tuần, Văn phòng cùng Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã làm việc liên tục trong ngày 18, 19/3.

Nhờ sự vào cuộc kịp thời, đồng bộ của các bên, Hải quan Thiên Tân đã cho phép khách hàng của Công ty T.A nhận hàng trong sáng 19/3.

Sản phẩm xuất khẩu chính của công ty T.A là hạt điều.

Sản phẩm xuất khẩu chính của công ty T.A là hạt điều.

Tuyệt đối tránh sai sót

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu điều lớn thứ ba của Việt Nam, chiếm khoảng 15% thị phần. Từ 1/1/2022, bạn áp dụng Lệnh 248, Lệnh 249 với doanh nghiệp xuất khẩu nên các công ty trong nước còn nhiều bỡ ngỡ, theo ông Đặng Hoàng Giang, Tổng thư ký Vinacas.

Những doanh nghiệp xuất khẩu điều sang Trung Quốc được ông Giang chia làm hai nhóm. Một, là nộp hồ sơ trước ngày 31/10/2021 - nhóm này có hoạt động xuất khẩu tương đối suôn sẻ và nhận mã số từ đầu năm 2022. Hai, là nộp hồ sơ từ ngày 1/11 đến 31/12/2021 - nhóm này nhận mã số rải rác trong Quý I/2022 và có một vài trường hợp vướng mắc lẻ tẻ.

Trường hợp của công ty T.A thuộc nhóm thứ hai, và thuộc sai sót "không đáng có".

"Chúng tôi ghi nhận và đánh giá cao sự giúp đỡ của Văn phòng SPS Việt Nam, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Đây là kết quả của sự hợp tác đồng bộ, hiệu quả giữa các bên", ông Giang nhấn mạnh. 

Với riêng Văn phòng SPS Việt Nam, Tổng thư ký Vinacas đề nghị tăng cường hỗ trợ, tư vấn, cũng như tuyên truyền, phổ biến những quy định mới của các Hiệp định SPS từ thành viên WTO nói chung, và Lệnh 248, Lệnh 249 nói riêng.

Đánh giá "phản ánh qua Văn phòng SPS Việt Nam đều được xử lý lập tức", ông Giang coi đây là trung tâm đầu mối thông tin, giúp Bộ NN-PTNT và doanh nghiệp đảm bảo hoạt động xuất khẩu.

Về phía Hiệp hội, Vinacas cam kết chuyển tải thông tin từ các cơ quan có thẩm quyền đến từng thành viên một cách rộng rãi. Hiệp hội cũng bày tỏ mong muốn, Văn phòng SPS Việt Nam sẽ phối hợp tổ chức nhiều hội nghị để hướng dẫn doanh nghiệp thích ứng với yêu cầu ngày càng cao của thị trường thế giới.

Thông qua vụ việc của Công ty T.A, ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam - khuyến cáo doanh nghiệp 3 vấn đề.

Thứ nhất, doanh nghiệp cần kiểm tra kỹ tên doanh nghiệp trên hồ sơ, mã sản phẩm, địa chỉ và các thông tin liên quan, tránh để sai lỗi chính tả, lỗi dính chữ, lỗi thiếu ký tự, lỗi số học…

Thứ hai, trong trường hợp không may bị lỗi, doanh nghiệp cần liên hệ sớm với cơ quan có thẩm quyền quản lý sản phẩm theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ, Văn phòng SPS Việt Nam hoặc hệ thống các hiệp hội để được trợ giúp.

Thứ ba, doanh nghiệp phải kiểm tra hồ sơ đồng bộ trước khi xuất hàng, tránh trường hợp không thể thông quan chỉ vì lỗi chính tả.

Xem thêm
Trung Quốc vẫn sẽ là điểm đến tiềm năng nhất của sắn Việt Nam

Tuy nhiên, tại thị trường này, sắn và tinh bột sắn của Việt Nam đang phải cạnh tranh mạnh với Thái Lan, Lào và Campuchia.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Bảo vệ sức khỏe trái tim: Chìa khóa cho cuộc sống khỏe mạnh

Hiện nay, nhiều người chưa thật sự quan tâm đúng mực đến sức khỏe của trái tim, dẫn đến nhiều hệ lụy từ các bệnh lý tim mạch.  

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.