"Đề nghị các Bộ thống nhất giao cho một đầu mối (đề xuất Văn phòng SPS Việt Nam) tập hợp thông tin từ các Bộ, đơn vị phụ trách gửi cho Đại sứ quán để trao đổi với Hải quan Trung Quốc", công điện số TCOCD272 gửi Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Bộ Y tế có đoạn.
Giải pháp Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đưa ra nhằm đảm bảo tập trung thông tin, tránh tình trạng mỗi Bộ hoặc đơn vị phụ trách của Bộ phản hồi thông tin riêng lẻ như thời gian vừa qua.
Việc này thể hiện sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, các hiệp hội, ngành hàng với Văn phòng SPS Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc và Tổng cục Hải quan Trung Quốc trong việc đáp ứng quy định của Lệnh 248.
Ngay sau khi nhận công điện, Văn phòng SPS Việt Nam gấp rút xây dựng phương án để báo cáo lãnh đạo Bộ NN-PTNT, để triển khai đồng bộ các biện pháp thúc đẩy đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào thị trường Trung Quốc, để không làm gián đoạn thương mại nông sản giữa hai nước.
Với tư cách là đầu mối thông tin về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật, cũng như các biện pháp, thủ tục đánh giá rủi ro, thanh tra, kiểm tra của mọi thành viên WTO, Văn phòng SPS Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với các Cục, Vụ chuyên môn có liên quan, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc trong việc phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp về các quy định mới của Lệnh 248, Lệnh 249 - được phía Trung Quốc đưa ra vào ngày 12, 14/4/2021.
Nhờ sự tham mưu của Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ NN-PTNT đã tổ chức 10 hội nghị trực tiếp và trực tuyến; ban hành hướng dẫn cụ thể cho 13 nhóm sản phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ, góp phần triển khai nhanh chóng, kịp thời Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng.
Tính đến ngày 7/3/2022, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã cấp 1.853 mã số cho doanh nghiệp trong nước, tăng 45 mã so với hôm 4/3.
Trên cơ sở thường xuyên liên hệ, trao đổi với các cơ quan hải quan nước bạn, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc nhận thấy còn một số vướng mắc tồn tại trong quá trình đăng ký doanh nghiệp như: doanh nghiệp được cập nhật lên hệ thống nhưng chưa được cấp tài khoản truy cập, hệ thống không hiển thị đúng quy trình xử lý hồ sơ của doanh nghiệp, doanh nghiệp chưa thể làm thủ tục xuất khẩu do hệ thống chưa hiển thị mã...
Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã đề nghị phía bạn tiếp tục gửi văn bản hướng dẫn, nhằm kịp thời cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền Việt Nam, từ đó hướng dẫn tới địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp.
Đại sứ quán cũng đề nghị Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Bộ Y tế rà soát lại số doanh nghiệp và sản phẩm đã đề xuất với Tổng cục Hải quan Trung Quốc nhưng chưa được phê duyệt, cấp mã để có phương án xử lý kịp thời, hiệu quả.