Sáng 20/9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp lần thứ 6 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Dự cuộc họp có Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, cùng lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng các đơn vị liên quan.
Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, vào cuối tháng 10/2022, Ủy ban Châu Âu (EC) sẽ tới Việt Nam kiểm tra tình hình thực hiện các khuyến nghị về chống IUU, cũng như đầu tư hạ tầng thuỷ sản, tình hình nuôi trồng thuỷ sản.
"Đây là cơ hội để Việt Nam gỡ thẻ vàng IUU, cũng như khẳng định những cam kết của nước ta trong việc phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế", Phó Thủ tướng nói.
Việt Nam bị EC cảnh báo "thẻ vàng" từ ngày 23/10/2017. Sau gần 5 năm, Chính phủ, Bộ NN-PTNT cùng các Bộ, ban, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực gỡ cảnh báo này.
Tại cấp Trung ương, Quốc hội thông qua Luật Thủy sản năm 2017, Chính phủ ban hành 2 Nghị định, Bộ NN-PTNT ban hành 8 Thông tư. Thủ tướng ban hành 3 Chỉ thị, 3 Công điện, 2 Quyết định. Đồng thời, Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU được thành lập, hiện do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành làm Trưởng ban.
Về phía địa phương, 28 tỉnh, thành phố ven biển đã thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo IUU. Nhiều tỉnh, thành phố ban hành cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả thực hiện.
Qua 5 cuộc họp sơ kết, đánh giá kết quả của Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các Bộ, ban, ngành cần tích cực, chủ động hơn nữa trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con ngư dân.
"Chúng ta cần phải nhắc nhau, rằng gỡ thẻ vàng IUU trước hết chính là vì đời sống của bà con. Nếu làm được, Việt Nam sẽ có thêm sức hút với đầu tư quốc tế, giúp phát triển kinh tế - xã hộ của đất nước", lãnh đạo Chính phủ chia sẻ.
Vào ngày 14/9 vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký phê duyệt Đề án “Phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025” tại Quyết định số 1077/QĐ-TTg.
Đề án đặt ra một số mục tiêu cụ thể như: 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên trước khi rời cảng đi khai thác trên biển phải được kiểm tra đảm bảo đầy đủ các giấy tờ và trang thiết bị theo quy định; 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên phải được theo dõi, giám sát qua Hệ thống giám sát hành trình tàu cá khi tham gia hoạt động trên biển và được thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tại cảng.
Ngoài ra, 100% sản lượng thủy sản từ khai thác trong nước khi bốc dỡ qua cảng cá được kiểm tra, giám sát theo quy định; 100% sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của nước ngoài cập cảng biển Việt Nam được kiểm tra, giám sát theo quy định của Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng của FAC.
Đề án cũng nêu 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó nhấn mạnh về công tác thông tin truyền thông, tuyên truyền; hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế chính sách và đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng nghề cá, kiện toàn tổ chức bộ máy, bổ sung nguồn lực, trang thiết bị tại cảng cá.