| Hotline: 0983.970.780

Gợi mở của 'tư lệnh' ngành nông nghiệp cho quê lúa Thái Bình

Chủ Nhật 09/01/2022 , 15:18 (GMT+7)

Thăm mô hình tập trung ruộng đất tại Thái Bình, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã gợi mở nhiều định hướng cho sản xuất lúa của Thái Bình cũng như các tỉnh ĐBSH.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan (thứ 2 từ phải sang) thăm cánh đồng xã Bình Định, huyện Kiến Xương, Thái Bình vào ngày 8/1/2021. Ảnh: Minh Phúc.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan (thứ 2 từ phải sang) thăm cánh đồng xã Bình Định, huyện Kiến Xương, Thái Bình vào ngày 8/1/2021. Ảnh: Minh Phúc.

Số hoá thông tin từng thửa ruộng để quản lý đất đai

Sau khi dự Hội thảo quốc tế về mô hình kinh tế nông nghiệp và khu dân cư nông thôn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 tại tỉnh Thái Bình ngày 8/1, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã cùng ông Đinh Vĩnh Thụy, Giám đốc Sở NN-PTNT Thái Bình về thăm HTX Sản xuất Kinh doanh Dịch vụ nông nghiệp Bình Định (HTX Bình Định, huyện Kiến Xương, Thái Bình).

Cách đây 16 năm, trụ sở của HTX được Tổ chức JICA của Nhật Bản hỗ trợ xây dựng. Tổ chức này cũng đào tạo đội ngũ cán bộ của HTX từ năng lực sản xuất đến năng lực quản trị.

Ông Trần Thanh Sơn, Giám đốc HTX Bình Định chia sẻ, điểm đặc biệt ở HTX Bình Định là người dân góp vốn bằng quyền sử dụng ruộng đất để hợp tác xã xoá bỏ bờ thửa, chỉnh trang đồng ruộng và đầu tư đồng bộ hạ tầng thuỷ lợi, giao thông nội đồng phục vụ cơ giới hoá tất cả các khâu trong quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản và bao tiêu sản phẩm. Cuối vụ, bà con sẽ được chia lợi tức với số tiền khoảng 1,6 triệu đồng/sào.

Nhờ đó, HTX Bình Định đã tạo dựng được 4 vùng liên kết sản xuất – tiêu thụ lúa giống với Tập đoàn ThaiBinh Seed và một doanh nghiệp khác, tổng diện tích hơn 200ha. Ngoài ra, HTX cũng liên kết sản xuất và cung ứng theo đơn đặt hàng khoảng 3.000 - 4.000 tấn lúa thương phẩm chất lượng cao mỗi năm cho doanh nghiệp Hưng Cúc (tại địa phương).

Nhờ ứng dụng mạ khay, máy cấy vào sản xuất, các thành viên HTX Bình Định vừa giảm được chi phí, vừa tiết kiệm thời gian. Ảnh: Minh Phúc.

Nhờ ứng dụng mạ khay, máy cấy vào sản xuất, các thành viên HTX Bình Định vừa giảm được chi phí, vừa tiết kiệm thời gian. Ảnh: Minh Phúc.

Mô hình tích tụ ruộng đất của HTX Bình Định đặc biệt ở chỗ, người dân góp ruộng đất cho HTX đều được số hoá thông tin và quản lý bằng phần mềm chuyên dụng, công khai trên Website. Trong trường hợp nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án vì lợi ích quốc gia, công cộng thì bà con vẫn được hưởng toàn bộ quyền lợi trên thửa đất đó (khác với việc nông dân cho doanh nghiệp thuê đất 10 – 20 năm).

Nhờ chỉnh trang đồng ruộng trên diện tích lớn, HTX Bình Định ứng dụng cơ giới hoá và thực hiện dịch vụ tất cả các khâu như làm mạ khay - máy cấy, làm đất, quy trình bón phân một lần/vụ; phun thuốc BVTV bằng máy bay không người lái, gặt lúa..., tiếp đến là bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, lợi tức của các thành viên góp đất cho HTX tăng lên 430.000 đồng/vụ so với lợi nhuận bình quân của các hộ tự trồng lúa ngoài mô hình.

Nguồn cung gạo chế biến tại chỗ cho doanh nghiệp

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) cho biết: “Chúng tôi đánh giá rất cao HTX Bình Định về cách thức tổ chức để tập trung ruộng đất, sản xuất quy mô lớn, từ đó giảm giá thành sản xuất thông qua ứng dụng khoa học công nghệ. Cái quan trọng nhất là đời sống xã hội và hoạt động sản xuất của bà con đi vào nề nếp".

Bộ trưởng Lê Minh Hoan (trái) tặng chiếc khăn được sản xuất tại Đồng Tháp cho ông Trần Thanh Sơn, Giám đốc HTX Sản xuất Kinh doanh Dịch vụ nông nghiệp Bình Định. Ảnh: Minh Phúc.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan (trái) tặng chiếc khăn được sản xuất tại Đồng Tháp cho ông Trần Thanh Sơn, Giám đốc HTX Sản xuất Kinh doanh Dịch vụ nông nghiệp Bình Định. Ảnh: Minh Phúc.

HTX Bình Định có 25 thành viên góp vốn và được trả lương hàng tháng, còn các xã viên góp ruộng sẽ được HTX trả lợi tức khoảng 1,6 triệu đồng/sào/vụ. Ngoài cung cấp các dịch vụ nông nghiệp, HTX còn cung cấp dịch vụ tín dụng nội bộ và các dịch vụ phi nông nghiệp khác, mang lại hiệu quả cao cho các thành viên.

Trong thời gian tới, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn mong muốn được hỗ trợ HTX Bình Định mở rộng quy mô lò sấy thóc và hiện đại hoá kho bảo quản để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng và phát triển bền vững.

Ông Đinh Văn Thụy, Giám đốc Sở NN-PTNT Thái Bình chia sẻ: Hiện nay các nhà máy chế biến gạo ở Thái Bình đều phải vào miền Nam để mua nguyên liệu, bởi ở các tỉnh phía Bắc giá thóc rất cao và không thể mua khối lượng lớn.

Từ thực tiễn trên, Sở NN-PTNT Thái Bình tham mưu với tỉnh xây dựng các mô hình để giảm chi phí sản xuất lúa thông qua việc áp dụng cơ giới hoá ở mức cao hơn, triệt để hơn ở tất cả các khâu. Thứ hai là phải giảm chi phí phân bón, thuốc BVTV bằng việc thực hiện quy trình sản xuất tốt.

Muốn mở rộng quy mô sản xuất, phải vận động nông dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp, như ở HTX Bình Định đã làm thành công. Như vậy, các doanh nghiệp chế biến chỉ cần liên hệ với HTX là có thể thu mua nguyên liệu số lượng lớn ngay tại địa bàn tỉnh thay vì phải mua lúa nguyên liệu rất xa từ các tỉnh phía Nam.

"Trên cơ sở quy trình sản xuất tốt, chúng ta có thể xây dựng được thương hiệu gạo Thái Bình bằng cách gắn sản phẩm với những giá trị văn hoá quê hương. Hiện toàn tỉnh có 5 thương hiệu gạo đã được Bộ Khoa học và Công nghệ xác định nguồn gốc xuất xứ và chứng nhận tiêu chuẩn, đủ điều kiện để tham gia thị trường, nhất là các sàn giao dịch thương mại điện tử", ông Đinh Văn Thụy cho biết. 

Gợi ý xây dựng thương hiệu gạo Thái Bình

Tuy nhiên, theo ông Đinh Văn Thụy, muốn làm được như nêu trên, các HTX phải có sự đổi mới toàn diện từ khâu sắp xếp tổ chức sản xuất, thực hiện các khâu dịch vụ đầu vào. “Trước đây, nông dân tiêu thụ hoàn toàn phụ thuộc vào hàng xáo, hàng xáo bán cho đại lý và nhà máy chế biến, nhưng bây giờ họ dựa vào HTX. HTX tự tổ chức sản xuất, khi có sản phẩm thì sơ chế, chế biến và bán ra thị trường nên giảm bớt khâu trung gian. Đặc biệt, bà con là thành viên của HTX nên lợi tức sẽ tăng lên”, ông Thụy nói.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan (giữa) về thăm HTX Bình Định (Kiến Xương, Thái Bình). Ảnh: Minh Phúc.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan (giữa) về thăm HTX Bình Định (Kiến Xương, Thái Bình). Ảnh: Minh Phúc.

Nói về vấn đề xây dựng thương hiệu lúa gạo Thái Bình, Bộ trưởng Lê Minh Hoan liên tưởng đến hình ảnh người đàn ông chống gậy trên bao bì sản phẩm để gợi mở câu chuyện. Theo “tư lệnh” ngành Nông nghiệp, rất nhiều người con của Thái Bình đã đi lập nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội...

"63 tỉnh, thành đều có Hội Đồng hương Thái Bình. Tại sao mình không nghĩ đến việc mang sản phẩm lúa gạo để phục vụ hàng triệu người con xa quê thông qua hệ thống thương mại diện tử, và từ chính những người con xa quê này sẽ mở rộng thị phần cho hạt gạo Thái Bình?", Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi ý.

Theo Bộ trưởng Hoan, sản lượng lúa của Thái Bình đứng tốp đầu miền Bắc, nhưng cũng chỉ đạt khoảng 1 triệu tấn/năm. Trong khi đó, sản lượng lúa mỗi năm của Đồng Tháp là 3 triệu tấn, Kiên Giang là 4,5 triệu tấn... Bởi vậy, Thái Bình nói riêng và các tỉnh ĐBSH nói chung bên cạnh việc áp dụng các giải pháp nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị cho lúa gạo, cũng cần cách tiếp cận theo hướng khác để định vị giá trị và thương hiệu của hạt gạo thông qua xác định phân khúc thị trường chất lượng cao, các sản phẩm gạo đặc sản, điều này sẽ khác với các tỉnh ĐBSCL lúa gạo chủ yếu phục vụ xuất khẩu số lượng lớn.

“Khi thấy hạt gạo quê hương, những người xa quê sẽ nhớ nguồn cội, họ mua cả tình cảm quê hương đi theo, mua luôn truyền thống địa phương đi theo và họ cảm thấy hạnh phúc vì đã góp phần giúp cho người dân quê mình phát triển. Do đó, chúng ta có thể chuyển cảm xúc qua giá trị", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói. 

Cũng theo Bộ trưởng, việc HTX Bình Định xoá bỏ bờ ruộng đã góp phần tăng diện tích sản xuất lên 18%, nhưng quan trọng nhất là chúng ta tạo điều kiện để đồng bộ hoá, cơ giới hoá sản xuất; chúng ta xoá được “cái đầu tư hữu” của người nông dân. Họ làm chung với nhau, họ có cộng đồng để bàn tính định hướng phát triển lâu dài.

Xem thêm
Khẳng định vị thế trung tâm chăn nuôi vùng Việt Bắc

Thái Nguyên tiếp tục khẳng định vị thế thứ 2 của khu vực trung du miền núi phía Bắc về phát triển chăn nuôi với nhiều chính sách và bước đi đúng đắn.

Phấn đấu đạt tỷ lệ bảo hộ sau tiêm phòng trên 70%

BÀ RỊA - VŨNG TÀU Từ 25/11, các địa phương trên địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ giám sát dịch bệnh thông qua việc lấy mẫu để kiểm tra tỷ lệ bảo hộ sau tiêm phòng đợt 2/2024.

Chọn tạo giống cà chua lai năng suất cao, kháng bệnh xoăn vàng lá

Qua quá trình chọn tạo, một số giống cho năng suất vượt 70 tấn/ha, phù hợp với đồng đất phía Bắc và chống chịu cao với virus xoắn vàng lá.