Tại diễn đàn Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Theo lộ trình tái đàn, đến quý 4 sẽ đạt 31 triệu con lợn, ngang với thời điểm chưa có dịch tả lợn Châu Phi.
Để đạt được mục tiêu này, theo Bộ trưởng, cần phải quan tâm tới các hộ nhỏ lẻ, trang trại, bởi đây là nhóm đối tượng đang rất thiếu nguồn con giống và các điều kiện đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi...
Đến thời điểm này đã đủ cơ sở, căn cứ khoa học để khẳng định chăn nuôi an toàn sinh học là giải pháp của chăn nuôi nông hộ. Hàng loạt địa phương đang áp dụng mô hình này để tổ chức tái đàn, đảm bảo an toàn thực sự cho người chăn nuôi.
Là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đặc biệt là các mô hình chăn nuôi liên kết an toàn sinh học đã được kiểm chứng trong thời gian vừa qua, Tập đoàn Quế Lâm cam kết sẽ góp phần xây dựng hệ thống chăn nuôi hiệu quả, an toàn và vì môi trường, góp phần thực hiện mục tiêu 31 triệu con lợn mà Bộ NN-PTNT đã đề ra.
Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Quế Lâm khẳng định: Tôi từng hứa với với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường về sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh và chăn nuôi an toàn sinh học và thực tế chứng minh Quế Lâm đã hoàn thành 100% những lời hứa đó.
Bây giờ xin tiếp tục hứa với Bộ trưởng là Quế Lâm sẽ thành công việc xây dựng công nghệ chăn nuôi an toàn vì môi trường, tạo nên một quy trình chăn nuôi sạch hoàn toàn.
Với hệ thống chăn nuôi 4F (Farm - Food - Feed - Ferlitizer) đầu tiên ở Việt Nam Quế Lâm khẳng định sẽ cung ứng mỗi năm khoảng 10.000 con lợn thịt, 5-7 nghìn con lợn giống, hơn 2.000 tấn thức ăn chăn nuôi và chuỗi cung ứng men vi sinh công nghệ Nhật Bản.
Đến lúc đó, tôi tin rằng những bài toán của ngành chăn nuôi về dịch bệnh, môi trường và thị trường sẽ có những lời giải hữu hiệu, góp phần vào những mục tiêu trong ngành chăn nuôi của Bộ NN-PTNT.
Theo ông Lam và lãnh đạo Tập đoàn Quế Lâm, các mô hình liên kết của Quế Lâm đáp ứng được ba mục tiêu, thứ nhất là đem lại sức khỏe trực tiếp cho bà con nông dân trong trồng trọt và chăn nuôi vì không sử dụng hóa chất.
Thứ hai, chất lượng đầu vào sạch, sản phẩm đầu ra đảm bảo chất lượng, an toàn.
Thứ ba giải quyết vấn đề môi trường trong trồng trọt và chăn nuôi, tái tạo lại môi trường đất đai, đồng ruộng vốn đã bị thoái hóa trong nhiều năm, chăn nuôi không bị ô nhiễm.
Gia đình anh Vũ Văn Thắng ở thôn Công Thượng, xã Bình Định, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc hiện đang nuôi 15 con lợn theo hướng an toàn sinh học.
Trước đây, cứ mỗi lần dịch giã đi qua, cũng giống như hầu hết các hộ chăn nuôi khác ở Vĩnh Phúc, gia đình anh Thắng lâm vào cảnh tay trắng, nợ nần.
Tuy nhiên, kể từ khi thực hiện mô hình chăn nuôi liên kết an toàn sinh học với Tập đoàn Quế Lâm, nhiều lứa lợn gần đây, nỗi lo dịch bệnh hoàn toàn được loại bỏ.
Theo thống kê của Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc, trước dịch tả Châu Phi tổng đàn lợn Vĩnh Phúc có khoảng 640 nghìn con. Đợt dịch năm 2019 khiến tỉnh này phải tiêu hủy hơn 113 nghìn con, đến thời điểm hiện tại, đàn lợn ở Vĩnh Phúc đã đạt khoảng 70% so với trước dịch.
Vĩnh Phúc xác định, với 26.000 hộ chăn nuôi, hơn 70% là nông hộ nhỏ lẻ nên chăn nhôi nông hộ đóng vai trò đặc biệt quan trọng và an toàn sinh học chắc chắn là giải pháp chăn nuôi phải hướng tới.
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ, từ năm 2012, Vĩnh Phúc đã phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Ban đầu trên cây lúa sau đó phát triển chăn nuôi bằng việc liên kết áp dụng các mô hình chăn nuôi lợn, gà không sử dụng kháng sinh, tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học.
Kết quả các mô hình triển khai có thể khẳng định cây trồng, vật nuôi phát triển rất tốt, đặc biệt là môi trường chăn nuôi được cải tạo rõ rệt, hệ thống vi sinh vật trong đất sinh sôi trở lại. Chất lượng nông sản khác biệt hẳn so với cách làm trước đây.
Ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc cũng khẳng định: Tỷ trọng chăn nuôi lợn chiếm đến 50% tăng trưởng của ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc nên vai trò của ngành chăn nuôi đối với tỉnh đặc biệt quan trọng. Việc duy trì chăn nuôi nông hộ là bắt buộc bởi vì liên quan đến sinh kế của người nông dân và góp phần ổn định thị trường thịt lợn.
Giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc đánh giá, mô hình chăn nuôi an toàn sinh học của Tập đoàn Quế Lâm có thể khẳng định hiệu quả. Sau khi kiểm tra, đánh giá thực tiễn, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã triển khai xây dựng 3 mô hình và đề xuất mỗi huyện từ 1-2 mô hình để từ đó nhân rộng.
Tại tỉnh Thừa Thiên – Huế, những mô hình chăn nuôi an toàn sinh học kể từ sau kỳ tích vượt qua dịch tả lợn Châu Phi hiện đang lan tỏa mạnh mẽ.
Từ 15 mô hình ban đầu, hiện Tập đoàn Quế Lâm liên kết thành 50 mô hình với tổng đàn 2.000 con, bằng những giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học, những mô hình này đã không gặp phải bất cứ vấn đề gì về dịch bệnh, môi trường…
Đến Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Sơn La... những mô hình của Tập đoàn Quế Lâm đang lan tỏa hết sức mạnh mẽ.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nói: Tôi đã đi hết các mô hình chăn nuôi của Quế Lâm ở các tỉnh, chưa một mô hình nào mà khi đi vào phải khử trùng, đi lại thông thoáng tự nhiên, đàn lợn khỏe mạnh, môi trường sạch sẽ.
Từ những mô hình chăn nuôi an toàn sinh học đã được kiểm chứng rất nhiều địa phương đã bắt tay với Quế Lâm với mong muốn xây dựng nền chăn nuôi thực sự an toàn.
Mới đây nhất, tại buổi làm việc với Tập đoàn Quế Lâm, bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Kạn chia sẻ:
Sau dịch tả Châu Phi, tổng đàn lợn ở Bắc Kạn giảm từ 190.000 con xuống còn khoảng 123.000 con. Đặc thù của chăn nuôi ở Bắc Kạn là nhỏ lẻ với xấp xỉ 27.000 hộ chăn nuôi, trung bình mỗi hộ chưa đến 10 con lợn và vấn đề nan giải từ trước đến nay là môi trường và an toàn dịch bệnh.
Tỉnh Bắc Kạn mong muốn với mô hình, phương thức của Tập đoàn Quế Lâm sẽ thay đổi thói quen, tập quán chăn nuôi người nông dân, từ đó xây dựng ngành chăn nuôi an toàn sinh học.
Giải pháp cho chăn nuôi nông hộ
Sau khi trực tiếp kiểm tra các mô hình của Tập đoàn Quế Lâm và các mô hình người chăn nuôi ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam... Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chia sẻ:
Thực tiễn chăn nuôi ở thời điểm này cho thấy, các doanh nghiệp, trang trại lớn đã có giải pháp an toàn và phát triển ở tốc độ cao, tuy nhiên, đối với chăn nuôi nông hộ (khoảng 2,5 triệu hộ), nơi tập trung khoảng trên dưới 50% sản lượng hiện nay thì bài toán an toàn dịch bệnh và môi trường đang là vấn đề cấp bách.
Chỉ có những mô hình như của Tập đoàn Quế Lâm mới có thể nhân rộng được quy mô chăn nuôi nông hộ một cách an toàn, bền vững, góp phần giải quyết nhu cầu thịt lợn của xã hội trong thời gian tới.
Bộ NN-PTNT sẽ chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh xây dựng các mô hình, học tập, vận dụng mô hình của Tập đoàn Quế Lâm vào hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, bảo đảm an toàn sinh học và giải quyết bài toán môi trường.
"Mô hình chăn nuôi của Tập đoàn Quế Lâm mang tính thực tiễn rất cao, đã được khảo kiểm nghiệm, tổng kết đánh giá là không xẩy ra dịch bệnh và đảm bảo môi trường và chất lượng sản phẩm rất tốt. Hướng đi của Tập đoàn rất đúng và cần thiết. Không có lý do gì để không lan tỏa mô hình này một cách mạnh mẽ cả”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.