| Hotline: 0983.970.780

Từ kỳ tích giữa tâm dịch đến tổ hợp 4F đầu tiên của Việt Nam

Thứ Hai 25/05/2020 , 07:47 (GMT+7)

Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm khẳng định, với tổ hợp khép kín theo chuỗi của tập đoàn này, 3 bài toán của ngành chăn nuôi sẽ có lời giải hữu hiệu.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến trở lại kiểm tra mô hình chăn nuôi của Tập đoàn Quế Lâm. Ảnh: HA.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến trở lại kiểm tra mô hình chăn nuôi của Tập đoàn Quế Lâm. Ảnh: HA.

Trở lại “vùng an toàn giữa tâm bão dịch tả Châu Phi”

Sau khi thị sát các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học của Tập đoàn Quế Lâm tại Vĩnh Phúc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến tiếp tục cùng đoàn công tác trở lại Thừa Thiên Huế, nơi ghi dấu kỳ tích những mô hình chăn nuôi của tập đoàn này vượt qua dịch tả lợn Châu Phi vào năm 2019.

Đây có thể xem là đợt kiểm tra cuối cùng trước khi chỉ đạo nhân rộng mô hình được đánh giá là rất phù hợp với chăn nuôi nông hộ ra nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Từ Phong Điền, Hương Trà đến thị xã Hương Thủy, những vùng chăn nuôi trọng điểm ở Thừa Thiên Huế, một năm sau kỳ tích vượt qua dịch tả lợn Châu Phi, 15 mô hình chăn nuôi an toàn sinh học mà Tập đoàn Quế Lâm liên kết với các hộ nông dân đã có sức lan tỏa rất mạnh mẽ.

Hàng loạt các địa phương lập đề án phát triển chăn nuôi trên cơ sở mô hình của Quế Lâm và tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã có những chỉ đạo các huyện dựa vào các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học để tổ chức tái đàn.

Trở lại những mô hình chăn nuôi đã kiểm tra năm ngoái, trực tiếp đến những mô hình mới trong số 50 mô hình mà Quế Lâm đang liên kết (tổng đàn gần 2.000 con), Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cảm thấy vui mừng và tin tưởng thực sự vào giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học của Quế Lâm.

Tính cả những nông hộ nhỏ cho đến những gia trại chăn nuôi tương đối lớn với hàng trăm con lợn, bằng những giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học, những mô hình này đã không gặp phải bất cứ vấn đề gì về dịch bệnh, môi trường…

Tại những mô hình chăn nuôi ở thị xã Hương Thủy, huyện Hương Trà, huyện Phong Điền, người dân đã xây dựng các mô hình chăn nuôi kết hợp vườn tược, trở thành mô hình khép kín nhờ sử dụng chế phẩm sinh học, bước đầu hình thành hệ sinh thái Quế Lâm ở quy mô nông hộ.

Báo cáo của Tập đoàn Quế Lâm cũng thể hiện, ngoài các mô hình sản xuất lợn thương phẩm (khoảng 30.000 con ở nhiều tỉnh thành), tập đoàn còn tổ chức sản xuất lợn nái nhằm cung cấp lợn giống cho các hộ dân tạo thành chuỗi sản xuất khép kín.

Tại hội nghị với 50 hộ nông dân chăn nuôi liên kết cách đây ít ngày, tất cả các hộ dân đều bày tổ nguyện vọng được mở rộng quy mô sản xuất.

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường về việc xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp, Tập đoàn Quế Lâm đang tập trung đầu tư triển khai dự án các khu tổ hợp sản xuất chế biến nông sản hữu cơ trên diện tích 15 ha tại xã Phong Thu, huyện Phong Điền, với mục tiêu xây dựng tổ hợp chuỗi giá trị nông sản hữu cơ, kiểm soát sản xuất thịt lợn an toàn bằng hệ thống chăn nuôi khép kín theo mô hình 4F (Farm-Food-Feed-Ferlitizer).

“Đó sẽ là mô hình kinh tế tuần hoàn”, ông Nguyễn Hồng Lam khẳng định. Theo Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm, tổ hợp dự án sẽ bao gồm 5 khu vực gồm: Khu chăn nuôi sinh thái an toàn sinh học, khu chế biến nông sản hữu cơ, khu sản xuất chế phẩm vi sinh công nghệ Nhật Bản, nhà máy phân bón hữu cơ vi sinh, khu vực điều hành.

Với tổ hợp này, Quế Lâm khẳng định sẽ cung ứng mỗi năm khoảng 10.000 con lợn thịt, 5-7 nghìn con lợn giống, hơn 2.000 tấn thức ăn chăn nuôi và chuỗi cung ứng men vi sinh công nghệ Nhật Bản đầu tiên ở Việt Nam.

“Khi tổ hợp này đi vào hoạt động, không chỉ trở thành giải pháp cho chăn nuôi nông hộ, gia trại, chúng tôi hướng đến cả trang trại lớn, thậm chí là chăn nuôi công nghiệp. Đến lúc đó, 3 bài toán của ngành chăn nuôi về dịch bệnh, môi trường và thị trường sẽ có những lời giải hữu hiệu”, ông Lam khẳng định.

Ông Nguyễn Hồng Lam khẳng định tổ hợp 4F sẽ giải quyết nhiều bài toán của ngành chăn nuôi. Ảnh: HA.

Ông Nguyễn Hồng Lam khẳng định tổ hợp 4F sẽ giải quyết nhiều bài toán của ngành chăn nuôi. Ảnh: HA.

Đánh giá các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học của Tập đoàn Quế Lâm, TS Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc trung Tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, ngay từ thời điểm cao trào dịch tả lợn Châu Phi vào giữa năm ngoái thì các mô hình của Quế Lâm đã thể hiện được hiệu quả nhờ chế phẩm sinh học.

Ngoài ra, cũng nhờ chế phẩm và đệm lót sinh học mà các mô hình có thể xử lý môi trường trong chăn nuôi, thu lại phân bón hữu cơ vi sinh.

"Chúng tôi đánh giá đây không chỉ là mô hình hữu cơ mà còn là một dạng mô hình kinh tế tuần hoàn rất đáng nhân rộng, đặc biệt phù hợp quy mô nông hộ, có thể giúp người chăn nuôi có thể mạnh dạn tái đàn", TS Hạnh nói.

Về tổ hợp 4F, theo TS Hạnh, hiện nay nhiều tập đoàn lớn cũng mới chỉ làm ở dạng 3F (trang trại, thức ăn chăn nuôi và thực phẩm), vì vậy, việc Quế Lâm thực hiện 4F (thêm sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh)  chính là mô hình tuần hoàn cực kỳ quan trọng, không tốn tài nguyên, đầu vào, không bỏ phí bất cứ thứ gì.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cũng đánh giá rất cao mô hình của Tập đoàn Quế Lâm.

Theo ông Trọng, mô hình đã thay đổi hẳn nếp nghĩ dẫn đến thay đổi hành vi người chăn nuôi. Vấn đề bây giờ là cần thiết tổ chức hội thảo ở tầm quốc gia để người dân được biết đến nhiều hơn, để người chăn nuôi thực sự tin tưởng và tái đàn sớm nhất.

“Bối cảnh chăn nuôi hiện nay, các tập đoàn, tổng công ty chăn nuôi công nghiệp đảm bảo an toàn sinh học theo một hướng khác gần như nội bất xuất ngoại bất nhập. Còn đối với nông hộ, gia trại, trang trại thì hướng an toàn sinh học như của Tập đoàn Quế Lâm hoàn toàn là giải pháp rất phù hợp. Gần không cần bất cứ một biện pháp bảo vệ nào vẫn có thể an toàn, thực tiễn đã chứng minh điều đó. Ngoài ra, việc xây dựng tổ hợp 4F, một quy trình chăn nuôi theo chuỗi khép kín sẽ được hình thành và trở thành trung tâm hạt nhân để thúc đẩy, phát triển chăn nuôi nông hộ”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến.

Giải pháp của nông hộ, trang trại, cả chăn nuôi công nghiệp

Sau khi khảo sát các mô hình chăn nuôi liên kết và dự án 4F của tập đoàn Quế Lâm, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ: Việc kiểm tra lại các mô hình chăn nuôi liên kết một lần nữa chứng tỏ thực tiễn là sử dụng chế phẩm sinh học của Quế Lâm không những là giải pháp của chăn nuôi nông hộ, gia trại mà hoàn toàn có hể hữu hiệu với trang trại lớn và thậm chí là chăn nuôi công nghiệp.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến. Ảnh: HA.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến. Ảnh: HA.

“Dịch tả lợn Châu Phi 100 năm nay không có vắc xin, không có thuốc, cho nên giải pháp an toàn sinh học là số một, không chỉ riêng Việt Nam mà cả thế giới đều như vậy.

Vấn đề bây giờ là chúng ta đã có mô hình, có căn cứ thực tiễn, có căn cứ khoa học và đã tổng kết trên nhiều mô hình ở các tỉnh thành nên tinh thần của Bộ NN-PTNT là sẽ phối hợp với Bộ KHCN hoàn thiện một cách tốt nhất để triển khai nhân rộng nhanh nhất, mạnh nhất ra khắp cả nước.

Thực tiễn cho thấy, những mô hình chăn nuôi an toàn sinh học của Quế Lâm không những an toàn dịch bệnh mà còn tiết kiệm chi phí đầu vào rất lớn, đặc biệt là tiết kiệm trong vấn đề nhân công, vấn đề xử lý môi trường, vì vậy không có lý do gì để không lan tỏa một cách mạnh mẽ cả”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.

Cũng tại buổi làm việc ở Thừa Thiên Huế, Thứ trưởng Tiến chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Bộ NN-PTNT, Tập đoàn Quế Lâm và các địa phương đang thực hiện mô hình chăn nuôi an toàn sinh học khẩn trương tổ chức tổng kết đánh giá cụ thể nhất, hoàn thiện hồ sơ tổ hợp 4F, tổ chức hội nghị hội thảo, tuyên truyền mạnh mẽ giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học bởi thực tế hiện đang rất cấp bách.

“Trong tổng sản phẩm thịt lợn 3,8 triệu tấn, hơn 2 triệu hộ chăn nuôi đóng góp trên dưới 50%, do vậy ngoài sự phát triển các công ty, tập đoàn, trang trại lớn thì các hộ gia đình cũng phải phát triển để đáp ứng nhu cầu thị trường”, Thứ trưởng Tiến chỉ đạo.

Lời hứa thứ ba với Bộ trưởng

Tại buổi làm việc với Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, ông Nguyễn Hồng Lam khẳng định: Tôi từng hứa với với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường về sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh và chăn nuôi an toàn sinh học và thực tế chứng minh Quế Lâm đã hoàn thành 100%.

"Bây giờ xin hứa với Bộ trưởng và Thứ trưởng sẽ thành công việc xây dựng công nghệ chăn nuôi an toàn vì môi trường, một quy trình chăn nuôi sạch hoàn toàn".

Ông Lam cũng đề xuất Bộ NN-PTNT hỗ trợ chuyển giao công nghệ sản xuất men vi sinh từ Nhật Bản nhằm giúp người nông dân có thể tiếp cận men vi sinh với giá thành hợp lý nhất.

Xem thêm
Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất