| Hotline: 0983.970.780

GS Ngô Bảo Châu dành trọn tiền từ giải thưởng Fields tài trợ cho tạp chí toán học PI

Chủ Nhật 18/12/2016 , 19:40 (GMT+7)

GS Ngô Bảo Châu giao lưu, chia sẻ về cách đọc, tiếp cận và khai thác tri thức hiệu quả từ các bài báo, tạp chí toán tại lễ ra mắt Tạp chí PI sáng 18/12.

Ông khởi xướng và dành trọn số tiền từ giải thưởng Fields của mình để tài trợ cho tạp chí toán học này.

GS Ngô Bảo Châu chia sẻ kinh nghiệm đọc, khai thác bài báo Toán học tại lễ ra mắt Tạp chí PI.
GS Ngô Bảo Châu chia sẻ kinh nghiệm đọc, khai thác bài báo Toán học tại lễ ra mắt Tạp chí PI
 

Tạp chí PI với sự đồng hành của GS Ngô Bảo Châu

Là một sản phẩm trí tuệ của Hội Toán học việt Nam, tạp chí mang tên “PI”, một con số biểu tượng trong Toán học vốn đã trở nên quen thuộc với bất kỳ ai. Theo dự kiến, số đầu tiên của tạp chí sẽ chính thức phát hành vào tháng 1/2017.

Luôn mong muốn học sinh, sinh viên yêu Toán ở Việt Nam có một tờ báo Toán học hữu ích, GS Ngô Bảo Châu đã khởi xướng Tạp chí PI. Ông cho biết, cơ chế tài chính của tạp chí Pi là tự chủ chứ không dựa vào ngân sách của cơ quan chủ quản là Hội toán học Việt Nam.

Trong thời gian đầu, ban biên tập sẽ làm việc hoàn toàn trên cơ sở thiện nguyện, các chi phí của tạp chí sẽ được trang trải nhờ vào sự tài trợ của một số cá nhân với khởi đầu là 15.000 USD khoản tiền thưởng đi kèm huy chương Fields mà GS Ngô Bảo Châu được nhận năm 2010. GS Ngô Bảo Châu và ban biên tập tạp chí hi vọng, Pi sẽ đạt đến sự cân bằng về tài chính sau 2 năm.

GS Hà Huy Khoái (Tổng biên tập Tạp chí PI) cho hay, đây là tạp chí hướng đến mọi thành phần học sinh, sinh viên, các giáo viên, giảng viên đại học hay bất cứ ai quan tâm đến Toán học và cả những người tạm thời chưa thích Toán.

Tạp chí có những chuyên mục chính mới mẻ, thiết thực như: Từ cổ điển đến hiện đại, Cùng bạn giải Toán, Thách thức Toán học, Toán học và đời sống, Quán Toán Violympic, Toán của Bi, Lịch sử Toán học, Đấu trường Toán học, Đối thoại Toán học…

Ban biên tập của Tạp chí PI bao gồm các nhà Toán học, nhà giáo dục đang làm việc trong và ngoài nước, đã quen thuộc với cộng đồng Toán học Việt Nam như: Ngô Bảo Châu, Trần Văn Nhung, Hà Huy Khoái, Trần Nam Dũng, Nguyễn Tiến Dũng, Phạm Huy Điển, Nguyễn Thị Lê Hương, Nguyễn Thành Nam, Nguyễn Khắc Minh, Nguyễn Duy Thái Sơn, Chu Cẩm Thơ, Vũ Hà Văn, Lê Anh Vinh, Nguyễn Ái Việt….

  Ban biên tập Tạp chí PI là những nhà toán học, nhà giáo dục uy tín trong và ngoài nước.
Ban biên tập Tạp chí PI là những nhà toán học, nhà giáo dục uy tín trong và ngoài nước.
 

“Có những bài báo tôi phải đọc đến 10 lần”

Đó là chia sẻ của GS Ngô Bảo Châu đáp lại câu hỏi “đọc tạp chí Toán cháu không hiểu hết được nội dung” của một học sinh trong phần giao lưu với khán giả tại lễ ra mắt.

“Cháu đến với các tạp chí Toán học cách đây không lâu, hiện cháu đang học lớp 12 rồi. Sự thật là lúc mua Toán tuổi thơ và Toán học Tuổi trẻ về đọc, may ra thì cháu hiểu được 30%, không tài hiểu hết được. Có lẽ, kiến thức Toán học trên lớp hiện tại với kiến thức ở trên tạp chí hơi cách xa nhau, ở một vài mảng nào đấy. Liệu bây giờ cháu mới bắt đầu đọc tạp chí Toán học thì có theo kịp để hiểu hết hay không? Con đường đi nhanh nhất là gì và sẽ đi thế nào”?, một nam sinh lớp 12 đặt câu hỏi.

GS Ngô Bảo Châu cười, khen nam sinh “lần đầu tiên đọc một tờ tạp chí Toán học mà hiểu được 30% là nhiều đấy”. GS Châu cho biết, cá nhân ông khi đọc các bài báo Toán học lần đầu chỉ hiểu được 5%, lần thứ hai được 10%, lần thứ ba được 15%...

“Có những bài báo tôi phải đọc đến 10 lần. Và đến lúc đấy mới vỡ ra, hóa ra đây là kiến thức tôi tìm kiếm 10 năm nay mà không biết”, GS Ngô Bảo Châu chia sẻ.

Theo ông, việc đọc báo chuyên Toán học khác với đọc báo hàng ngày. Vấn đề không phải là đọc, nạp thông tin đến đâu mà quan trọng là người đọc có cách để tiếp cận các vấn đề mới. Và quá trình đó không xảy ra một cách nhanh chóng, dễ dàng.

“Nhiều khi bạn đóng tờ báo lại nhưng trong tiềm thức, tư duy của bạn vẫn tiếp tục vận động. Có thể đến 2-3 ngày sau, cái sự hiểu mới nảy mầm và khi bạn tiếp tục đọc lại, nhiều điều mới dần sáng tỏ ra”, ông nói.

Để chốt lại bí quyết tiếp cận và khai thác kiến thức hiệu quả từ các bài báo, tạp chí về Toán học, GS Ngô Bảo Châu dẫn nhắc câu nói của một nữ nhà văn Pháp ông yêu thích: “Quan trọng không phải là đọc mà là đọc lại”. Đó cũng chính là cách tiếp cận đối với các tạp chí Toán học.

Nhắn nhủ thêm với nam sinh trên, GS Hà Huy Khoái nhắc câu nói nổi tiếng của một nhà triết học Ấn Độ: “Sự hiểu biết bao giờ cũng đến cùng sự bàng quan”.

“Vì thế, bạn sẽ rất thích điều gì đó nếu bạn chưa hiểu hết. Cái đó rất đúng trong cuộc đời và trong Toán học. Cái gì bạn hiểu hết rồi tự nhiên lại thấy chán đấy”, GS Khoái cho rằng, tạp chí Toán học đọc không dễ nhưng chính cái khó sẽ thôi thúc người đọc tìm tòi khám phá một cách thích thú.

Dân trí

Xem thêm
Tổng cục Thuế chỉ đạo tinh gọn và siết chặt kỷ luật ngành

Tổng cục Thuế chỉ đạo toàn ngành tinh gọn bộ máy, siết chặt kỷ luật, đảm bảo hiệu quả công tác và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.