| Hotline: 0983.970.780

Cá chép tiễn ông Công ông Táo ‘ngửa bụng’ vì bị thả xuống hồ nước lợ

Thứ Tư 22/01/2025 , 13:39 (GMT+7)

QUẢNG NINH Mặc dù đã được cảnh báo, thế nhưng nhiều người dân vẫn thản nhiên thả cá xuống hồ nước lợ Yết Kiêu (TP Hạ Long) khiến cá đồng loạt 'ngửa bụng' chỉ sau 15 phút.

Nhiều người vẫn thả cá tại hồ nước lợ tại phường Yết Kiêu (TP Hạ Long). Ảnh: Thanh Phương.

Nhiều người vẫn thả cá tại hồ nước lợ tại phường Yết Kiêu (TP Hạ Long). Ảnh: Thanh Phương.

Từ khoảng 9 giờ sáng ngày 22/1 (tức ngày 23 tháng Chạp), sau khi làm lễ tiễn ông Công ông Táo về chầu trời, nhiều người dân Hạ Long đã tới hồ điều hòa Yết Kiêu (phường Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long) để thả cá chép tiễn Táo quân. Tuy nhiên, nước trong hồ là nước lợ với nguồn nước từ trên đồi chảy xuống, kết hợp cùng nước biển dâng lên khiến cá nước ngọt không thể sống quá 15 phút.

Theo chia sẻ của nhiều người, mặc dù biết là hồ điều hòa nước lợ nhưng vì “tiện” nên vẫn quyết định thả cá tại đây. Ông Hồ Việt Hưng (hiện đang bán đào ở khu vực gần hồ) bày tỏ: “Từ hôm qua đến giờ tôi đã nhắc rất nhiều người về việc thả cá ở đây. Dù cá to khỏe đến mức nào nhưng ở trong nước lợ thì không thể sống được. Tôi chỉ mong rằng mọi người sẽ có ý thức hơn để bảo vệ môi trường, chứ như mọi năm cá chết bốc mùi hôi thối, rất vất vả để dọn dẹp”.

Cá chép đồng loạt 'ngửa bụng'. Ảnh: Thanh Phương.

Cá chép đồng loạt "ngửa bụng". Ảnh: Thanh Phương.

Sau khi được cảnh báo, một số người đã quyết tâm tìm các hồ nước ngọt để thả cá, tuy nhiên nhiều người vẫn thản nhiên thả xuống. Cùng với việc thả cá, nhiều người còn thả cả chân hương, tàn tro… xuống mặt hồ bởi quan niệm cho “mát mẻ”.

Anh Đ.V.Q (phường Cao Xanh) chia sẻ: “Gia đình tôi và các hộ dân sinh sống quanh đây năm nào cũng thả cá tại hồ điều hòa này. Một phần cũng vì tiện hơn vì các hồ nước ngọt tại Hạ Long lại nằm khá xa”.

Thả cá chép là một nét đẹp trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Ảnh: Thanh Phương.

Thả cá chép là một nét đẹp trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Ảnh: Thanh Phương.

Những năm qua, dưới sự vận động, tuyên truyền của chính quyền địa phương, tình trạng người dân thả cá tại hồ điều hòa đã giảm đáng kể. Thế nhưng vẫn chưa có biện pháp để ngăn chặn triệt để. Năm nào cũng vậy, sau khi người dân thả cá, địa phương đều phải bố trí lực lượng để vớt cá chết nhằm bảo vệ môi trường và cảnh quan.

Hiện nay, trên địa bàn TP Hạ Long có một số khu vực có thể thả cá như hồ phun nước trong Cung Văn hóa thiếu nhi tỉnh, công viên Lán Bè, moong y tế Hà Lầm, đền thờ Đức vua Lê Thánh Tông… Theo ghi nhận, càng về giữa trưa, đông đảo người dân đã có mặt để phóng sinh cá.

Anh Đinh Huy Vương và con gái 4 tuổi cùng nhau thả cá tiễn Táo quân về trời. Ảnh: Thanh Phương.

Anh Đinh Huy Vương và con gái 4 tuổi cùng nhau thả cá tiễn Táo quân về trời. Ảnh: Thanh Phương.

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, anh Đinh Huy Vương (trú tại phường Trần Hưng Đạo) hào hứng nói: “Năm nay sau khi thắp hương tại nhà, tôi cùng con gái đến hồ phun nước ở Công viên Lán Bè để thả cá. Đây là dịp để tôi giới thiệu cho bé về phong tục của dân tộc mình, bé rất thích thú. Tôi hy vọng đàn cá ở đây sẽ phát triển tốt để tạo nên cảnh quan đẹp cho công viên”.

Thả cá chép tiễn ông Công ông Táo về trời là một nét đẹp trong tín ngưỡng dân gian của người Việt Nam. Tuy nhiên, mỗi người cần lưu ý thả cá đúng nơi đúng chỗ để vừa bảo vệ môi trường, vừa tránh đi ngược lại ý nghĩa tốt đẹp của nghi lễ.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất