Cả làng sống nhờ mật mía
Lão nông Tào Văn Nhạc (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa), theo cha lên khai khẩn đất hoang, lập nghiệp tại huyện miền núi Thạch Thành từ thuở nhỏ. Ngày rời quê, cha đặt cậu bé ngồi lọt thỏm trong chiếc thúng cũ màu, đầu quang gánh còn lại chất đầy ngọn mía, rong ruổi qua mấy ngày đường mới đặt chân tới miền đất hứa.
Người thôn Đồng Hương, xã Thạch Sơn cứ mở mắt ra chỉ toàn thấy hoang vu. Dựng xong căn nhà tạm sát đồi, cha lão cặm cụi đào rãnh, cày ải đất cả ngày lẫn đêm chỉ mong cho kịp vụ mía. Lão lẽo đẽo theo chân mẹ đi làm công cho hợp tác xã, lấy gạo ăn qua ngày.
Nghề trồng mía và làm mật mía đối với gia đình lão khi ấy không khác gì "phao cứu sinh" trong lúc cơ hàn. Lúc đói, cả nhà lão lấy sắn, khoai chấm mật mía thay cơm. Nhiều đôi nam nữ trong làng kết duyên với nhau cũng vì họ thông thạo nghề này.
“Lá mía phơi khô, dùng lợp mái nhà, thân mía ép nước bán cho thương lái. Bã mía dùng để làm phân bón hoặc chất đốt. Bọt, váng mía có thể phối trộn, tạo ra loại thức ăn giàu dinh dưỡng cho vật nuôi, hoặc tận dụng làm rượu mía”, lão Nhạc cho biết.
Lớn lên, lão được bà con trong tổ hợp tác giao nhiệm vụ quản trâu cho mấy hộ dân trong xã. Ngoài việc làm đồng áng, trâu còn được sử dụng để kéo mật nên phải chăm sóc chu đáo. Hễ trâu có mệnh hệ gì thì cả làng lão đối diện với cảnh... chạy ăn. Bởi vậy, từ sáng sớm đến tối mịt, lão không một phút rời mắt khỏi đàn trâu.
Cha lão trồng mía được vài vụ thì lên đường nhập ngũ và hy sinh ở chiến trường. Lão và mẹ phải gánh vác cơ nghiệp mà cha ông tạo dựng trên đất khó. Lão sống khổ quen rồi nên không nề hà bất cứ chuyện gì. Đến vụ, lão chăm chỉ ra đồng phụ giúp gia đình, bà con chặt mía, bắc bếp nấu mật, bán mật. Lão làm quần quật và quen nghề từ lúc nào chẳng hay.
Gia đình lão là hộ dân đầu tiên làm mật mía ở cái xứ hẻo lánh này cách đây vài chục năm trước. Thời vàng son của nghề, thợ nấu mật cũng "có giá" lắm. Lão lấy được vợ cũng nhờ sức vóc và biết ngón nghề.
Lão bảo, vào vụ ép mía, kéo mật, cả làng hầu như thức trắng đêm ra đồng chặt mía, đưa về xưởng ép. Để mía cho sản phẩm đạt chất lượng, lão chọn lọc khá kỹ về hình thức và kiểm tra độ đường. Lão thẳng tay vứt bỏ cây mía bị ngâm bùn, cong vênh, còi cọc chứ không làm hổ lốn như nhiều người.
Gia đình lão chế được "cây mật" (thiết bị ép mía thủ công) đầu tiên trong xã dùng bằng sức trâu. Khi vào vụ ép, công việc thường ngày của gia đình lão thường bắt đầu từ lúc 3 giờ sáng và kéo dài đến tận 22 giờ cùng ngày. Lão dùng 4 con trâu khỏe nhất làng để kéo mật, nhưng chỉ làm nổi được 1 tạ mật/ngày.
Có sản phẩm, vợ chồng lão phải thay nhau gồng gánh ra chợ phiên cách nhà hơn 11km để rao bán. Hôm đắt khách thì chớ, hôm nào mật ế chỏng chơ, vợ chồng con cái lão chỉ biết ngồi một chỗ thở dài ngao ngán.
Lão bảo, quy trình làm mía không khó, nhưng người thợ phải thật sự tâm huyết, kiên trì mới tạo ra được sản phẩm chất lượng: “Mía được ép lấy nước, lọc bỏ tạp chất và đưa vào chảo lớn nấu trong nhiều giờ. Muốn có chất lượng mật ngon, lửa đun phải đều, nhiệt độ phải đủ để nước mía từ từ cô đặc thành mật. Khi đun, không được để lửa quá mạnh để tránh làm cháy, cũng không quá yếu để không mất thời gian chờ trực.
Mỗi chảo mật thường có 2-3 người đứng canh và đảo liên tục, đều tay, để không bị vón cục. Khi mật sôi thì vớt váng. Sau khi nấu xong, phải lọc mật qua lớp vải màn để sạch cặn. Khi mật nguội, sẽ có một lớp bọt đường nổi lên, đó là giai đoạn đã hoàn thành việc nấu mật. Mật đạt chất lượng phải vàng óng, thơm, không quá đặc. Mật không có chất bảo quản, hoàn toàn tự nhiên nên rất tốt cho sức khỏe con người”, lão Nhạc chia sẻ.
Nay lão đã thay trâu bằng máy ép mật. Lão làm nghề kéo mật mía mấy chục năm nay nhưng kinh tế gia đình chỉ ở mức đủ chi tiêu. Có lần, lão định bỏ nghề vì đã có tuổi, nhưng sau cùng lại vò nát ý nghĩ ấy trong đầu. Làng lão trước đây có vài máy làm mật, nay chỉ còn mình lão làm nghề. Lão mà bỏ nốt thì nghề ông cha thất truyền. Ngoài làm mật mía, lão còn trồng thêm 8 sào mía vừa cung cấp nguyên liệu cho xưởng, vừa bán mía ép cho thương lái để gia tăng thu nhập.
Một vụ mật mía thu hơn 100 triệu đồng
Lão học hành không cao, nhưng nói về làm nghề thì cả xã Thạch Sơn không ai bằng lão. Lão làm mật dựa trên kinh nghiệm là chính, lâu dần thì thành quen tay. Nay, nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến thương hiệu mật mía của lão vì chất lượng, hương vị đặc trưng và vì sự tận tâm mà lão dành cho nghề mấy chục năm nay.
Xưởng mật của lão mấy năm nay làm không đủ để cung cấp ra thị trường. Năm 2022, sản phẩm mật mía Đồng Hương (của Hợp tác xã mật mía Đồng Hương) được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Từ khi đạt được danh hiệu này, lão khỏe hẳn người ra vì không phải cất công tìm kiếm thị trường. Mật của lão ra lò đến đâu, thương lái đánh xe tới xưởng, bốc hàng tới đó.
"Trước đây, một vụ mía (3 tháng), gia đình tôi chỉ ép được 200 tấn mía để làm mật, nhưng khi sản phẩm được công nhận OCOP và có thương hiệu, cộng với nhu cầu thị trường tăng, sản lượng mía ép đã đạt hơn 500 tấn/vụ và chế biến được 60 tấn mật, doanh thu khoảng 1,7 tỷ đồng, lợi nhuận 140 triệu đồng, tạo việc làm cho hàng chục lao động, thu nhập bình quân 9 triệu đồng/người/tháng", lão Nhạc khoe.
Lão tự hào vì sau nhiều năm cố gắng, tiếng tăm của mật mía Thạch Thành trong đó có lão đã vang danh khắp đó đây. Mật mía Thạch Thành nổi tiếng đến mức, nhiều thương hiệu bánh nổi tiếng (bánh gai Thọ Xuân (Thanh Hóa); bánh Cu đơ (Hà Tĩnh) đều sử dụng mật của lão làm nguyên liệu đầu vào. Sản phẩm có sử dụng mật mía khi ăn có vị thơm, ngọt, dẻo đặc trưng.
Lão bảo, mật mía Thạch Thành thường có giá bán cao hơn sản phẩm mật ở các vùng khác bởi chất lượng tốt hơn. Hiện giá mật bán tại lò là 15.000 - 17.000 đồng/kg (1kg mật tương đương 1,5 lít mật) và giá bán lẻ là 40.000 - 50.000 đồng/kg. Hiện nay, Hợp tác xã mật mía Đồng Hương do vợ lão làm giám đốc đã có đại lý phân phối tại TP. Thanh Hóa, các huyện Đông Sơn, Quảng Xương, Yên Định, Triệu Sơn và Hà Nội...
Với lão, nghề làm mật mía không đơn thuần chỉ là việc tạo ra sản phẩm thông thường, mà quan trọng hơn, nó chứa đựng tình cảm, sự đam mê và lòng kiên trì của gia đình lão nhằm gìn giữ nghề truyền thống cha ông.
Dù vậy, lão vẫn lo cho nghề truyền thống ở địa phương. Giờ làng mật chỉ toàn người già, trẻ nhỏ, thanh niên làng đa phần đi làm ăn xa. “Rồi mai kia không biết có còn ai theo nghề này nữa không?”, lão ngậm ngùi
Để phát huy nghề làm mật truyền thống từ cây mía, huyện Thạch Thành chỉ đạo các xã, thị trấn vận động, định hướng để nhân dân cải tạo vườn tạp, tận dụng đất ven đồi... trồng mía phục vụ chế biến mật mía. Đồng thời, thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác, xây dựng sản phẩm OCOP để phát triển sản phẩm mật mía nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.