| Hotline: 0983.970.780

GS Nguyễn Lân Dũng hiến kế cho vấn đề "Tam nông"

Thứ Hai 07/04/2008 , 07:00 (GMT+7)

Loạt bài "Cần một Khoán 10 nữa cho nông thôn" đang tiếp tục đăng tải trên NNVN, chúng tôi nhận được bài viết khá dài và tâm huyết của GS -TS Nguyễn Lân Dũng - Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam. Hy vọng những ý kiến sau đây sẽ gởi mở ra nhiều vấn đề cho cách nhà hoạch định trong công cuộc thực hiện CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn...

Phải thay đổi hình thức sản xuất

Nước ta là một nước Nông nghiệp lấy sản xuất lúa nước làm chính. Có tới 72,88% cư dân đang sống ở nông thôn (2006), làm ra 39,65 triệu tấn lương thực lấy hạt. Từ chỗ không đủ ăn đến chỗ là nước đứng thứ nhì về xuất khẩu gạo; vào loại xuất khẩu hàng đầu về nhiều nông phẩm nhiệt đới như cao su, cà phê, tiêu, điều và gần đây thủy sản cũng chiếm vị trí rất cao trong xuất khẩu…

Tuy nhiên, không thể không thấy rằng nông dân vẫn với cung cách làm việc như cũ, ruộng đất ngày càng bị thu hẹp và hiện họ vẫn là tầng lớp bị thiệt thòi nhất, nghèo khó nhất trong cả nước.

Chúng ta dự tính đến năm 2020 về cơ bản trở thành một nước công nghiệp, phát triển theo hướng hiện đại. Nhưng với thực tế trong lĩnh vực Tam nông (nông nghiệp, nông thôn, nông dân) hiện nay thì quả là rất khó. Nếu vẫn quyết tâm thực hiện thì ngay từ lúc này chúng ta phải có những quyết sách thật đúng đắn, thật mạnh mẽ, quyết liệt.

Những nước như Đức, Nhật đâu cần quan tâm nhiều đến nông nghiệp khi công nghiệp, trong đó có công nghệ sinh học (nhất là công nghệ dược phẩm) đem về những hiệu quả kinh tế quá lớn. Chúng ta có đầy đủ những nguyên liệu quý giá như mía, sắn, ngô, khoai… để phục vụ cho công nghệ sinh học. Thậm chí những nguồn chất xơ (cellulose) như rơm rạ, lau sậy, mùn cưa… trong tương lai cũng có thể được đường hóa nhờ vi sinh vật và dùng để tạo ra cồn sinh học, nhất là khi trữ lượng, than đá, dầu mỏ, khí đốt đã cạn kiệt.

Nông dân hiện đang làm chủ 70 triệu thửa ruộng nhỏ bé, manh mún. Muốn đưa họ vào công nghiệp, dịch vụ, muốn đô thị hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thì phải thay đổi hình thức sản xuất. Khoán 10 là thành tựu của một giai đoạn và giai đoạn đó đã qua rồi. Giờ động lực của đổi mới năng suất cây trồng không còn ở ý chí làm chủ của người nông dân nữa mà phải là dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao.

Tôi đã đi thăm và làm việc tại nhiều nước và tôi thấy rằng cùng với cơ giới hoá, họ đã thay đổi hoàn toàn nền nông nghiệp bằng công nghệ cao. Các nông sản phẩm làm ra không chỉ thoả mãn nhu cầu về lương thực, thực phẩm với sản lượng cao, chất lượng cao mà rất nhiều sản phẩm giàu đường và tinh bột đã trở thành nguyên liệu phục vụ cho một ngành đem lại lợi nhuận rất lớn là đó là sản xuất các sản phẩm mới của công nghệ sinh học, nhất là các sản phẩm phục vụ công nghiệp dược phẩm, công nghiệp thực phẩm, công nghiệp dầu khí, công nghiệp môi trường…

Đừng tự mãn về XK gạo thứ 2 thế giới

Chúng ta xuất khẩu gạo có thuận lợi là không bao giờ ế và giá cũng đang tăng lên, nhưng hãy tính toán kỹ lại xem trên diện tích đó, có thể làm ra cái gì thu được tiền nhiều hơn không? Chúng ta đừng ham cái gọi là đứng thứ nhì về xuất khẩu gạo vì điều đó chỉ có ý nghĩa chứng tỏ nỗ lực vươn lên từ một nước thiếu đói trước kia mà thôi. Người nông dân thu được bao nhiêu tiền từ ngần ấy gạo xuất khẩu?

Thật khó tưởng tượng khi Hà Lan chỉ có 16,34 triệu dân, 69,6% sống ở thành thị, vậy mà có thể xuất khẩu 17 tỷ USD nông sản phẩm (bình quân 4 triệu USD/ha!). Nên nhớ, bình quân lương thực có hạt trên đầu người ở nước ta là hơn 471 kg/năm (2006) trong khi ở nhiều nước con số này là trên 1.000 kg/năm, nhưng họ vẫn không xuất khẩu lương thực mà dùng để chăn nuôi. Vậy ta nên tính toán thế nào để vẫn bảo đảm an toàn lương thực, thực phẩm, nhưng nên làm cái gì cho hiệu quả kinh tế cao nhất trên hai châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long. Hình ảnh nước ta như cái đòn gánh (miền Trung) với hai đầu là hai thúng gạo (châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Cửu Long).

Điều không thể hiểu được là Việt Nam mà lại phải nhập khẩu khá nhiều ngô hạt, đậu tương, bột cá - những thứ chúng ta thừa sức sản xuất. Có lẽ chỉ vì công nghệ thấp mà sản phẩm ở ta đắt hơn hàng cùng loại nhập về. Vậy tại sao chúng ta không dám đầu tư để đảo ngược lại được tình thế này? Bà con người H’Mông suốt đời phải ăn ngô, sao ta không đổi gạo cho họ để lấy ngô thay cho việc nhập khẩu ngô? Tại sao bà con nuôi cá xuất khẩu lắm lúc điêu đứng vì giá hạ đột ngột mà ta không chế biến thành bột cá để khỏi phải nhập khẩu? Cây đậu tương có khả năng cố định đạm từ không khí. Nếu ta trồng xen đậu tương với ngô trên diện tích rộng thì đâu đến nỗi phải dùng ngoại tệ để nhập khẩu đậu tương? Nếu vì năng suất thấp thì hãy đầu tư đủ tầm cho các Viện nghiên cứu chuyên về ngô, về đậu tương để nhanh chóng bứt phá lên về năng suất.

Việt Nam có rất nhiều ưu thế về nông sản phẩm nhiệt đới nhưng chưa phát huy được. Hàng của mình vẫn bị trả lại vì không sạch, tiền thu được từ xuất khẩu gạo nông dân không được hưởng bao nhiêu… Tôi cho rằng, cần phải suy nghĩ để có một cuộc cách mạng, biến nông nghiệp nước ta ngoài việc thỏa mãn nhu cầu trong nước còn phải là một môi trường chuyên sản xuất những cây nhiệt đới quý hiếm, bán cho cả thế giới với công nghệ sạch, bền vững và nhất là biến nông sản phẩm thành các sản phẩm công nghệ sinh học có giá trị rất cao. (Còn nữa)

--------------------------

 

>>Bài 5: Phải thể chế hoá liên minh công nông
>>Bài 4: Công nghiệp hóa với vấn đề tam nông

>>
Bài 3: Nhà nghiên cứu Nguyễn Trung: Phát triển nông nghiệp, nông thôn cần được xem là quốc sách

>>
Cần một khoán 10 nữa cho nông thôn (2)

>>
Cần một khoán 10 nữa cho nông thôn
 

Xem thêm
Bổ nhiệm Tổng Biên tập Báo Thừa Thiên - Huế

THỪA THIÊN - HUẾ Ông Hoàng Đăng Khoa, Phó Tổng Biên tập phụ trách được Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế bổ nhiệm giữ chức Tổng Biên tập báo Thừa Thiên - Huế, kể từ ngày 1/11.

Ngăn chặn tàu cá có dấu hiệu vi phạm ngay từ trong bờ

Quyết tâm gỡ 'thẻ vàng' của EC trong năm 2024, Sóc Trăng không chỉ kiểm soát tốt đội tàu cá, mà còn tăng cường các biện pháp truy xuất nguồn gốc, giám sát hành trình.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giấc mơ lớn trên lòng hồ sông Đà: [Bài cuối] Bán tôm cá 'bán' cả câu chuyện sông Đà

Để đảm bảo tính đa mục tiêu của vùng hồ thủy điện, Hòa Bình tập trung khai thác giá trị thương hiệu cá sông Đà, lấy du lịch làm 'đầu kéo' thủy sản lòng hồ.

Bình luận mới nhất