Theo những người dân làm nghề lái thuyền du lịch từ sông Năng và hồ Ba Bể chia sẻ, nhiều đoạn trên sông Năng trước đây đi thuyền thoải mái thì hiện nay do bị bồi lắng nên mực nước rất nông. Giờ việc di chuyển giữa bến thuyền Bốc Lốm trên sông Năng (thuộc xã Khang Ninh, huyện Ba Bể) với hồ Ba Bể rất khó khăn, luôn phải đối mặt với trình trạng mắc cạn hoặc va phải đá ngầm.
Một số nơi bị vùi lấp khá nghiêm trọng, như khu vực Bé Vài, xã Khang Ninh. Trước đây ở đoạn sông này là mặt nước rộng, thì nay trở thành những bãi soi và thậm chí người dân có thể canh tác được.
Ông Lưu Quốc Trung, Chủ tịch UBND huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) cho biết, huyện Ba Bể đã kiến nghị các bộ, ngành Trung ương sớm có nghiên cứu, đánh giá cụ thể, toàn diện để đưa ra giải pháp bảo vệ và phát huy bền vững giá trị của thắng cảnh quốc gia hồ Ba Bể. Ngoài ra, UBND huyện cũng đã đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Kạn thực hiện đánh giá về các nguyên nhân gây sạt lở bờ sông Năng để làm cơ sở xem xét, có hướng khắc phục.
Để kiểm chứng lượng phù sa tăng đột biến trên con sông chính chảy vào hồ Ba Bể là sông Năng, phóng viên đã đi dọc theo bờ con sông này từ xã Thành Công, huyện Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng) cho tới vị trí tiếp giáp với hồ Ba Bể thuộc địa phận xã Khanh Ninh, huyện Ba Bể. Có thể thấy lượng phù sa rất lớn, tạo thành những bãi bồi phủ cát trắng vàng trên lòng sông Năng, khiến dòng chảy nhiều đoạn bị thay đổi.
Đó cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng sạt lở đất nông nghiệp dọc theo sông Năng trên địa phận các xã Bành Trạch, Khanh Ninh, Thượng Giáo của huyện Ba Bể từ nhiều năm nay. Đặc biệt, đoạn qua khu vực thôn Pác Châm, xã Bành Trạch chịu ảnh hưởng nặng nhất, mỗi năm có hàng ngàn m2 đất sản xuất đã bị cuốn xuống dòng sông. Người dân có đất nông nghiệp cạnh bờ sông đang rất hoang mang, lo lắng vì tình trạng sạt lở bờ sông Năng đang diễn ra thường xuyên hơn.
Tình trạng đất nông nghiệp giáp với sông bị sạt lở chủ yếu xảy ra ở phía bờ bắc của sông Năng. Nhiều đoạn phù sa bồi lấp giữa dòng sông Năng quá nhiều, khiến dòng nước chảy xoáy vào phía bờ sông gây ra sạt lở.
Bành Trạch là xã có không nhiều diện tích đất sản xuất và phần lớn nằm dọc theo sông Năng. Tại khu vực Pác Châm, không khó để chứng kiến những đoạn sạt lở, lộ ra bờ sông thẳng đứng với chiều cao vài mét.
Sông Năng có độ dốc lớn, điều này dẫn tới khi mùa mưa lũ sẽ khiến tốc độ dòng chảy nhanh và dữ dội. Kết hợp với lưu lượng nước về lớn, đã tác động dẫn đến sạt trượt bờ sông, gây ảnh hưởng đến đất sản xuất nông lâm nghiệp của người dân.
Về nguyên nhân sạt lở, theo nhận định của cơ quan chuyên môn, chủ yếu do tác động của mưa lũ ngày càng cực đoan, cùng với đó, trước đây có tình trạng khai thác cát trái phép, dẫn tới việc thay đổi dòng chảy tự nhiên. Đặc biệt từ ngã ba sông giữa sông Hà Hiệu và sông Năng về phía thượng lưu, khu vực này thường xuyên có hiện tượng sạt lở, thay đổi dòng chảy trong nhiều năm qua.
Ông Lưu Quốc Trung, Chủ tịch UBND huyện Ba Bể cho biết, để giải quyết dứt điểm được tình trạng sạt lở bờ sông Năng và bảo vệ được hàng ngàn ha đất nông nghiệp, giải pháp tốt nhất là xây dựng đường kè bờ sông. Tuy nhiên, vấn đề này rất khó thực hiện với nguồn lực hạn chế của địa phương, mà cần có sự vào cuộc của các bộ, ngành trung ương và các cơ quan của tỉnh Bắc Kạn.