| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội: 69/69 mẫu giám sát chất lượng thực phẩm đều an toàn

Thứ Hai 24/07/2023 , 07:41 (GMT+7)

Việc lấy mẫu, giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) của Hà Nội thời gian qua tập trung vào các sản phẩm tươi sống tại các công đoạn có nguy cơ cao.

Theo thông tin từ Sở NN-PTNT Hà Nội, tổng số mẫu được giám sát trong 6 tháng qua là 69, kết quả phân tích đều cho thấy chúng đảm bảo an toàn.

Ngoài ra Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng lấy mẫu xét nghiệm nhanh 103 mẫu thịt gia súc đối với hoạt chất Salbutamol (chất tạo nạc), kết quả 103/103 âm tính; Trung tâm Phân tích và Chứng nhận Chất lượng Sản phẩm Nông nghiệp lấy 369 mẫu, kết quả 6/363 mẫu không đảm bảo an toàn với chỉ tiêu thuộc nhóm thuốc bảo vệ thực vật...

Các lực lượng thanh tra ngành nông nghiệp đã tổ chức thanh tra, kiểm tra tại 191 tổ chức sản xuất kinh doanh vật tư và sản phẩm nông lâm thủy sản, kết quả có 12 cơ sở vi phạm, bị xử phạt 181.500.000 đồng.

Cụ thể: Về lĩnh vực ATTP kiểm tra 50 tổ chức, 3 cá nhân, xử phạt 9 tổ chức, cá nhân 140.500.000 đồng với các hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm các điều kiện an toàn thực phẩm.

Về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, buôn bán thủy hải sản, sơ chế, giết mổ kiểm tra 4 cơ sở xử phạt 1 với số tiền 1.500.000 đồng.

Về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân bón thanh tra tại 94 cơ sở, phát hiện 2 cơ sở vi phạm, xử phạm vi phạm hành chính 1 cơ sở với số tiền 39.500.000 đồng về hành vi bán thuốc kém chất lượng.

Giới thiệu những sản phẩm nông sản của Hà Nội tại một cuộc hội nghị. Ảnh: NNVN.

Giới thiệu những sản phẩm nông sản của Hà Nội tại một cuộc hội nghị. Ảnh: NNVN.

Song song đó, các đơn vị thuộc sở đã tổ chức 58 hội nghị, hội thảo, lớp tuyên truyền, tập huấn kiến thức về chất lượng vật tư và ATTP nông lâm thủy sản với trên 5.600 người tham dự.

Tập trung phổ biến điều kiện, quy định trong sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản, hướng dẫn quy trình giết mổ đảm bảo vệ sinh thú y, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, IPM, áp dụng chương trình quản lý chất lượng GMP, HACCP…

Để quản lý tận gốc vấn đề ATTP, Sở NN-PTNT Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai đồng độ các giải pháp phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Qua đó, Hà Nội và 43 tỉnh, thành phố trong Ban điều phối đã chủ động duy trì 926 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho thành phố (tăng 22 tỉnh và 140 chuỗi so với giai đoạn 2015-2020).

Còn riêng Hà Nội tiếp tục phát triển 159 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ, thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ tham gia. Đã xây dựng trên 40 nhãn hiệu được bảo hộ như gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, vịt Vân Đình, nhãn Đại Thành, gạo thơm Bối Khê... Đồng thời nâng cao chất lượng, mẫu mã các sản phẩm trong chuỗi và nhân rộng các mô hình từ sản xuất đến tiêu thụ trên địa bàn.

Hà Nội thường xuyên kết nối với các tỉnh để đảm bảo an toàn thực phẩm. Ảnh: NNVN.

Hà Nội thường xuyên kết nối với các tỉnh để đảm bảo an toàn thực phẩm. Ảnh: NNVN.

Tiếp tục vận hành “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm sản thuỷ sản thực phẩm thành phố Hà Nội” (check.hanoi.gov.vn). Lũy kế đến nay, hệ thống này đã hỗ trợ hướng dẫn và cấp tài khoản tham gia quản lý và duy trì hệ thống quản lý cho 3.346 cơ sở là các hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông lâm sản và thủy sản; đã cấp 12.802 bộ mã truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông lâm thủy sản đủ các tiêu chí về ATTP.

Tích hợp hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ về an toàn thực phẩm của thành phố Hà Nội trên phần mềm ứng dụng nền tảng công nghệ GIS (gis.chicucquanlychatluongnlsts.hanoi.gov.vn); Mở rộng hệ thống quản lý dữ liệu tự công bố sản phẩm nông lâm thủy sản, (tucongbo.sonnptnt.hanoi.gov.vn); Xây dựng hệ thống phần mềm kiểm tra, đánh giá kiến thức ATTP cho các cơ sở SXKD nông lâm thủy sản (tracnghiemattp.chicucquanlychatluongnlsts.hanoi.gov.vn); Tiếp tục 46 mô hình áp dụng hệ thống đảm bảo có sự tham gia (PGS) trong sản xuất rau, diện tích áp dụng 1.942ha.

Hệ thống này dựa trên sự tham gia tích cực của các bên liên quan như người tiêu dùng - công ty phân phối - cơ quan quản lý nhà nước - các đối tượng quan tâm khác. Nhờ đó mà quá trình sản xuất và thu hoạch thường xuyên được giám sát, điều tra đảm bảo phát hiện, khắc phục những sai phạm nhỏ và loại bỏ ngay lập tức các nhóm sản xuất, các sản phẩm mắc sai phạm nghiêm trọng. 

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Thái Nguyên có 240 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP

Trong số các sản phẩm OCOP của Thái Nguyên, có 155 sản phẩm đạt 3 sao, 83 sản phẩm đạt 4 sao và 2 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia.