| Hotline: 0983.970.780

Đảm bảo an toàn thực phẩm cho 100 triệu dân, khó cũng phải làm đến cùng

Thứ Sáu 07/07/2023 , 23:18 (GMT+7)

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, sứ mệnh của ngành thú y không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi mà là sức khỏe của 100 triệu dân Việt.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đánh giá cao sứ mệnh, tâm huyết, công việc của những người công tác trong ngành thú y. Ảnh: Linh Linh.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đánh giá cao sứ mệnh, tâm huyết, công việc của những người công tác trong ngành thú y. Ảnh: Linh Linh.

Số ổ dịch nguy hiểm giảm 80%

Báo cáo kết quả hoạt động của Cục Thú y trong nửa đầu năm 2023 tại Hội nghị sơ kết chiều 7/7 tại Hà Nội cho thấy, các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi, đặc biệt là các bệnh nguy hiểm đã được kiểm soát tốt.

Cả nước xảy ra 12 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1, số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy gần 14.000 con. So với cùng kỳ năm 2022, số ổ dịch giảm 45%, số gia cầm chết, tiêu hủy giảm 76%.

Tổng số lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy do dịch tả lợn Châu Phi là 7.000 con. Số ổ dịch bệnh giảm 79% và số lợn bị chết, tiêu hủy giảm 84% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong 6 tháng đầu năm, cả nước xảy ra 61 ổ dịch viêm da nổi cục. Tổng số gia súc mắc bệnh là 346 con, số gia súc tiêu hủy là 76 con.

So với cùng kỳ năm 2022, số ổ dịch giảm trên 71%, số gia súc mắc bệnh giảm trên 84% và số gia súc tiêu hủy giảm gần 82%.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long chủ trì Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của ngành thú y. Ảnh: Linh Linh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long chủ trì Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của ngành thú y. Ảnh: Linh Linh.

Đối với bệnh lây nhiễm từ động vật sang người, cả nước ghi nhận 4 ổ dịch nhiệt thán khiến 20 con trâu, bò mắc bệnh và buộc phải tiêu hủy.

Nguyên nhân chủ yếu là do gia súc chưa được tiêm phòng vacxin nhiệt thán. Khi trâu, bò chết, người dân không khai báo cho chính quyền, cơ quan thú y địa phương, tự ý giết mổ, ăn thịt, dẫn tới lây dịch bệnh cho tổng số 17 người.

Hiện dịch đã được kiểm soát và không phát hiện thêm động vật và người mắc bệnh.

Bệnh dại diễn biến phức tạp

Tuy nhiên, bệnh dại trong nửa đầu năm 2023 lại là vấn đề nổi cộm. Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra 41 trường hợp người tử vong do bệnh dại tại, tăng 16 ca tử vong so với cùng kỳ năm 2022.

Trong khi đó, số chó, mèo được tiêm phòng chỉ đạt 3,3 triệu, chiếm 44% tổng đàn 7 triệu con trên cả nước.

Nhiều địa phương, đặc biệt là một số tỉnh miền Tây có tỷ lệ tiêm phòng dưới 10%. Có 13 địa phương có tỷ lệ tiêm phòng thấp dưới 25%.

Báo cáo về tình hình xét nghiệm bệnh truyền lây từ động vật sang người, ông Ngô Văn Bắc, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương cho biết, tỷ lệ dương tính bệnh dại trên số mẫu xét nghiệm tại Trung tâm cao hơn 50% so với năm trước.

Trong khi đó, bệnh nhiệt thán năm nay bùng phát tại các tỉnh biên giới, và cần chú ý tới công tác môi trường vì mầm bệnh có thể lưu lại trong đất tới 30 năm.

Lãnh đạo Cục Thú y cho biết, đối với hai bệnh này, cần thực hiện tiêm phòng và tuyên truyền tốt để kiếm soát bệnh. Với bệnh cúm gia cầm chỉ xét nghiệm được 5 mẫu dương tính, cho thấy vacxin hoạt động hiệu quả.

Trước tình hình dịch bệnh trên, Cục Thú y cho rằng, cần có quỹ để đối với phòng chống, kiểm soát, giám sát các bệnh mới xâm nhập vào Việt Nam và sự biến đổi của các mầm bệnh cũ.  

Trong 6 tháng đầu năm, các dịch bệnh thông thường khác trên gia súc, gia cầm được phát hiện và kiểm soát tốt, không lây lan thành dịch lớn. Hiện, đã có các loại vacxin để phòng những bệnh này có hiệu quả; nhiều loại vacxin được sản xuất trong nước.

Để tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên cạn, Cục Thú y đã tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát, đôn đốc các địa phương báo cáo dịch bệnh động vật thông qua Hệ thống thông tin dịch bệnh động vật trực tuyến (Hệ thống VAHIS), bảo đảm nhanh, chính xác, liên tục, tiết kiệm 95% thời gian so với trước đây.

Hiện, đang mở rộng và tập trung hoàn thiện các hợp phần khác tích hợp lên hệ thống VAHIS như quản lý thông tin các dịch bệnh động vật khác bắt buộc phải công bố dịch.

Quản lý tổng đàn chó, mèo, dữ liệu tiêm phòng, quản lý dịch bệnh dại, quản lý dữ liệu giám sát chủ động cúm giá cầm, dịch tả lợn Châu Phi, lở mồm long móng quản lý cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh trên động vật; quản lý các dịch bệnh mới nổi trên động vật hoang dã.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, dịch bệnh trên gia súc gia cầm được ngành thú y cơ bản khống chế hiệu quả. Ảnh: Linh Linh.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, dịch bệnh trên gia súc gia cầm được ngành thú y cơ bản khống chế hiệu quả. Ảnh: Linh Linh.

Đối với dịch bệnh trên thủy sản, trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại là 17.927 ha (chiếm 87% trong tổng diện tích thủy sản nuôi bị thiệt hại), tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022.

Giải thích về thực trạng này, ông Tiền Ngọc Tiên, Chi Cục trưởng Chi Cục Thú y vùng VII cho biết, diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại do diễn biến thời tiết thay đổi, độ mặn tại một số cửa sông không đủ để nuôi tôm, khiến tình hình thả giống trong những tháng đầu năm chậm hơn so với năm 2022.

Bên cạnh đó, giá tôm những tháng đầu năm 2023 duy trì ở mức thấp khiến các cơ sở, trang trại tôm không tối đa hóa công suất và không đầu tư vào con giống chất lượng, khiến diện tích nuôi tôm nước lợ.

Không dựa vào "lối mòn" hành chính trong công tác thú y

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá, trong thời gian qua, Cục Thú y đã hoàn thành tốt công tác ngành với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ NN-PTNT, trực tiếp là Thứ trưởng Phùng Đức Tiến.

Với thực tế, thiên nhiên, động vật, thực vật đóng vai trò quan trọng trong duy trì sự sống và cuộc sống của con người, Bộ trưởng gợi ý ngành thú y cần xem xét đến vấn đề phúc lợi động vật và cách tiếp cận Một sức khỏe trong mối quan hệ gắn kết giữa con người, động vật và môi trường.

“Sứ mệnh của ngành thú y không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ sức khỏe gia súc, gia cầm để phát triển kinh tế, xuất khẩu. Mà cần suy nghĩ về câu hỏi: Phải làm gì để 100 triệu dân không bị tổn thương trước là sức khỏe, sau là tinh thần do nguyên nhân từ mất an toàn thực phẩm? Câu chuyện này dù khó cũng phải làm đến cùng”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặc biệt nhấn mạnh.

Tư lệnh ngành nông nghiệp cho rằng, công tác truyền thông của ngành thú y cũng là một vấn đề thay đổi, đừng tự mình làm ‘con tin’ cho những công văn đưa ra mà cần tìm giải pháp có tính cấu trúc để quản lý 10 triệu hộ chăn nuôi.

Bên cạnh tổ chức các hội thảo mang tính kỹ thuật, chuyên môn, cần có những hội thảo nhằm tìm ra giải pháp đưa các quy định, quy chuẩn đến gần hơn với người dân và tiếp cận đúng đối tượng, đặc biệt với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện như hiện nay.

Làm sao để những tâm huyết, sáng kiến của ngành thú y đến với người dân, giúp thay đổi nhận thức xã hội một cách thực chất theo một cấu trúc quản lý vận hành ổn định, bền vững.

Tiếp thu ý kiến của Bộ trưởng, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cam kết, ngành thú y đã, đang và sẽ từng bước thay đổi tư duy, cách tiếp cận để phân tích khó khăn hiện tại và đề ra giải pháp phù hợp mang tính khoa học và hệ thống.

Vận dụng hiệu quả, linh hoạt các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y. Từ đó, thúc đẩy người dân am hiểu và tự giác đồng hành với ngành thú y trong việc bảm đảm sức khỏe cho chính mình, gia đình và cộng đồng 100 triệu người dân Việt Nam.

Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long nhấn mạnh, sẽ tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh ở các địa phương, đặc biệt đối với bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch tả lợn Châu Phi, viêm da nổi cục, nhiệt thán và đặc biệt là bệnh dại...

Xây dựng các chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản, tăng cường kiểm dịch nhập khẩu sản phẩm thịt gia súc, gia cầm làm thực phẩm tại các tỉnh, thành phố.

Triển khai thực hiện các Chương trình giám sát an toàn thực phẩm năm 2023, xúc tiến thương mại, đặc biệt hỗ trợ các doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật ra thị trường nước ngoài.

Xem thêm
Hợp tác xã nuôi ong mật gắn với xây dựng sản phẩm OCOP

HÀ TĨNH Ong trong dự án sinh trưởng phát triển tốt, ít dịch bệnh, năng suất bình quân đạt ≥18kg/đàn/năm, hiệu quả kinh tế tăng ≥10% so với nuôi đại trà.

Trồng thành công giống sâm quý trên núi Kim Nọi

YÊN BÁI Mô hình trồng sâm Ngọc Linh và một số cây dược liệu ở Mù Cang Chải thành công bước đầu đang mở ra hi vọng tạo sinh kế mới cho người dân vùng cao.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.