Đã bố trí 11.400 tỷ đồng cho các dự án xây dựng giáo dục, y tế, tu bổ di tích
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội, trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo, thành phố dự kiến đầu tư 1.469 dự án với kinh phí 49.203 tỷ đồng để xây dựng, cải tạo trường học công lập đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích
Đến nay, ngân sách thành phố đã bố trí hơn 11.400 tỷ đồng, đạt 27,8% kế hoạch cho các dự án xây dựng giáo dục, y tế, tu bổ di tích. Trong đó, tính riêng từ tháng 4/2022 đến nay, thành phố đã bố trí hơn 3.000 tỷ đồng (trong tổng số hơn 11.400 tỷ đồng đã phân bổ) để thực hiện 252 dự án.
Đối với ngân sách cấp huyện, đã bố trí đối ứng để thực hiện đầu tư các dự án là 15.877 tỷ đồng. Đến nay, các địa phương đã bố trí vốn đối ứng các dự án được ngân sách thành phố hỗ trợ gồm 677 tỷ đồng (đạt khoảng 11% tổng số vốn đăng ký tại kế hoạch).
Có 2 huyện chưa bố trí vốn đối ứng cho các dự án là Thanh Oai và Ứng Hòa. Một số huyện, thị xã bố trí vốn với tỷ lệ rất thấp so với kế hoạch đã đăng ký gồm: Sơn Tây 1,5%, Sóc Sơn 8,68%, Phúc Thọ 6,57%, Phú Xuyên 4,7%, Mê Linh 9,4%, Chương Mỹ 2,8%, Thường Tín 3,3%. Còn các huyện Đông Anh, Đan Phượng, Quốc Oai đã bố trí vốn đối ứng đạt trên 40% kế hoạch.
Về ngân sách các quận bố trí thực hiện các dự án là hơn 17.000 tỷ đồng. Các quận tự cân đối nguồn lực triển khai các dự án thuộc 3 lĩnh vực để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố và mục tiêu của kế hoạch.
Đặc biệt, một số quận như Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Long Biên chưa báo cáo tình hình thực hiện.
Về tiến độ thực hiện các dự án cấp thành phố quản lý, có 9 dự án tu bổ di tích phân kỳ đầu tư sau năm 2025. Đến nay thành phố đã giao các đơn vị lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư 147/236 dự án. Trong đó, 55 dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư, 29 dự án đã đầu tư xây dựng (trong đó đã hoàn thành 11 dự án, đang xây dựng 18 dự án).
Chú trọng đến tiến độ nhưng phải đảm bảo chất lượng
Giai đoạn 2021 - 2025, thành phố dự kiến hỗ trợ cấp huyện đầu tư 1.083 dự án (trong tổng số 1.233 dự án) phân kỳ đầu tư sau năm 2025 đối với 150 dự án tu bổ di tích.
Đến nay, đã triển khai đầu tư xây dựng 464 dự án, đạt 42% kế hoạch, trong đó đã hoàn thành 120 dự án, đang thi công 344 dự án. Có 2 dự án vướng mắc thuộc huyện Chương Mỹ và Phú Xuyên do vướng quy hoạch; 427 dự án đang triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư đã được duyệt chủ trương đầu tư, duyệt dự án, đang lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật.
Bên cạnh đó, còn 228 dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư. Cơ bản tất cả các dự án đủ điều kiện bố trí vốn đều đã được thành phố cân đối bố trí theo nhu cầu, nhưng một số huyện chưa bố trí vốn đối ứng đúng kế hoạch.
Tại hội nghị giao ban triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm của Ban Chỉ đạo triển khai đầu tư, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên nhấn mạnh, thời gian tới các ngành, các cấp cần rà soát kỹ kế hoạch, bố trí vốn đối ứng xong trong năm 2022, đồng thời báo cáo kịp thời những khó khăn, vướng mắc.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục rà soát về nội dung trường công lập đạt chuẩn quốc gia, đề xuất với Ban Chỉ đạo và thành phố các giải pháp tháo gỡ khó khăn. Đối với lĩnh vực y tế, ngành Y tế bám sát các văn bản của Trung ương, có hướng dẫn kịp thời để triển khai.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn giao Sở Kế hoạch và Đầu tư với vai trò cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo tổng hợp đầy đủ các ý kiến, từ đó rà soát lại toàn bộ kế hoạch từ nay đến cuối năm 2022 và các năm tiếp theo.
Đồng thời Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội yêu cầu các cấp, ngành phải định lượng rõ các chỉ tiêu, cố gắng trong năm 2022 phải hoàn thành chủ trương đầu tư, bố trí nguồn lực cho 3 lĩnh vực này. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý cần chú trọng đến tiến độ nhưng phải đảm bảo chất lượng.