Giải thích về sự khuyến khích ấy, ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội cho rằng chỉ có sản xuất theo chuỗi giá trị thì nông dân mới thoát khỏi cảnh làm nông manh mún, nhỏ lẻ, được mùa mất giá. Những nông dân nhỏ lẻ cần liên kết lại với nhau thành các tổ hợp tác hoặc hợp tác xã cùng sản xuất theo một mặt hàng, theo một quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn thực phẩm, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ.
Thực tế hiện nay trên địa bàn Hà Nội đã xuất hiện 159 chuỗi liên kết như vậy trong đó 93 chuỗi có nguồn gốc từ trồng trọt, bước đầu phát huy được hiệu quả kinh tế, giúp nông dân yên tâm về đầu ra như chuỗi lúa gạo chất lượng cao tại huyện Ứng Hòa, chuỗi rau an toàn tại huyện Thanh Trì, chuỗi ớt xuất khẩu tại huyện Đan Phượng…
Tham gia vào chuỗi liên kết cả hai bên cùng có lợi. Nông dân thì được bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng, không bị thương lái ép giá. Doanh nghiệp, hợp tác xã thì chủ động được nguồn nguyên liệu với số lượng nhiều, chất lượng đồng đều, đáp ứng cho nhu cầu ngày càng cao của thị trường nội địa cũng như hướng tới xuất khẩu. Và quỹ khuyến nông của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đang đồng hành cùng với những chuỗi liên kết để góp phần phát triển nông nghiệp và công cuộc xây dựng NTM của Thủ đô.
Xin được lấy ví dụ ở xã Liên Châu, huyện Thanh Oai - một địa phương mà hơn 10 năm về trước đi tiên phong trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi từ thuần trồng lúa sang có 119 ha trang trại VAC kết hợp thả cá, nuôi vịt, nuôi gà và trồng cây ăn quả. Cũng chính ở đây tạo ra sản lượng hàng chục triệu quả trứng vịt, trứng gà/tháng cung cấp không chỉ cho nhu cầu của Hà Nội mà còn cho nhiều tỉnh thành khác.
Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Châu Mai của xã Liên Châu có 78 thành viên nuôi 30 ha cá, 800.000 vịt đẻ, 200.000 gà đẻ thì có đến phân nửa là từng tiếp cận với nguồn vốn của quỹ khuyến nông thành phố 1 - 2 lần.
Khác với ngân hàng người nông dân đến vay rồi cầm tiền về, quỹ khuyến nông sau khi vay còn được cán bộ của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, Trạm Khuyến nông huyện Thanh Oai trước đây và sau này sáp nhập thành Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Thanh Oai hướng dẫn các kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh, hàng tháng, hàng quý xuống kiểm tra, nếu phát sinh dịch bệnh còn hỗ trợ để chữa trị. Ngoài ra những lúc bí về đầu ra các thành viên còn được cán bộ giúp đỡ để kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm.
Gia đình ông Nguyễn Văn Thanh, ở thôn Từ Châu đã được vay vốn quỹ khuyến nông 2 lần, mỗi lần 2 năm để mở rộng sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật. Trước đây với 2 ao nuôi, mỗi năm ông chỉ thu khoảng 10 tấn cá thương phẩm nhưng nhờ có vốn vay ông đã đầu tư các trang thiết bị mới, thức ăn, phòng bệnh tốt nên vài năm gần đây thu được 50 tấn cá thương phẩm/năm, lãi hàng trăm triệu đồng. Ông cũng đã lập phương án sản xuất để trình cho các cán bộ quỹ khuyến nông thành phố Hà Nội thẩm định, giải ngân trong thời gian tới để mở rộng sản xuất.
Trung bình trên địa bàn xã Liên Châu mỗi năm quỹ khuyến nông thành phố Hà Nội thẩm định và giải ngân cho khoảng 10 - 12 hộ với số tiền 5 - 6 tỷ đồng. Thủ tục vay được bà con đánh giá là khá nhanh và thuận tiện. Hơn nữa, trong quá trình sản xuất luôn được cán bộ kỹ thuật xuống trực tiếp từng hộ nắm thực tế tình hình và hướng dẫn kỹ thuật cũng như tư vấn về thị trường tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Nhờ đó góp phần không nhỏ vào việc hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất và đưa quả trứng Liên Châu trở thành một thương hiệu nổi tiếng của Hà Nội.