| Hotline: 0983.970.780

Trở thành chủ trại gà sau một cú… chết hụt

Thứ Hai 16/09/2024 , 08:03 (GMT+7)

HÀ NỘI Thoát chết sau một tai nạn, anh Cận thuyết phục vợ bỏ nghề thợ xây, về nhà chăn nuôi bởi làm nông tuy mạo hiểm về kinh tế nhưng ít mạo hiểm về tính mạng.

Cú ngã giúp chuyển hướng đi

Năm 2022, vợ chồng anh Bùi Văn Cận - chủ trang trại chăn nuôi gà ở xã Tân Xã, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội vay quỹ khuyến nông của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội 500 triệu đồng để cải tạo lại chuồng, mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư thêm con giống và mua thức ăn. Sau 1 năm, vì công việc gia đình nên họ xin trả vốn vay trước hạn. Giờ vợ chồng anh lại có nhu cầu vay tiếp quỹ khuyến nông nên đang lập phương án, nhờ cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thạch Thất hỗ trợ.

Tôi đi cùng với anh Nguyễn Bùi Hải - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thạch Thất xuống thăm mô hình của họ, đó là một trang trại xanh mát nằm dưới chân đồi.

Vừa gặp chúng tôi, vợ chồng anh Cận đã vồn vã mời vào nhà, pha trà và hàn huyên, tâm sự. Chị Nguyễn Thị Sâm, vợ anh Cận cứ tủm tỉm cười rồi giải thích: “Nói thật với các anh, lúc đầu làm phương án vay quỹ khuyến nông tôi lo lắm, sợ bị lừa vì vay có 500 triệu đồng mà phải thế chấp sổ đỏ của nhà, sợ người ta mang cái sổ đỏ có 700m2 đất ấy đi mà cắm lấy vài tỉ đồng thì mình biết đằng nào mà lần. Từ trước đến nay, chúng tôi chưa hề nghe thấy quỹ khuyến nông bao giờ.

Lúc lên UBND xã xin xác nhận, cán bộ cũng không biết quỹ khuyến nông là gì, đến khi đi công chứng lại thấy không phải ở huyện Thạch Thất mà sang tận thị xã Sơn Tây nên lại càng lo. Giờ thì chúng tôi đã biết quỹ khuyến nông rồi, phí vay thấp và thủ tục cũng không quá phức tạp”.

Anh Cận bên chuồng nuôi gà úm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Cận bên chuồng nuôi gà úm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Quỹ khuyến nông dù được tuyên truyền trên đài phát thanh huyện hay qua các hội nghị nhưng vẫn còn nhiều nông dân chưa biết đến như trường hợp của vợ chồng anh Cận. Kể về nguồn cơn trở thành ông bà chủ trang trại gà, họ bảo, trước đây cả hai đều làm nghề thợ xây, đi ăn cơm khắp thiên hạ.

Năm 2009, khi làm một nhà ở xã Hạ Bằng (huyện Thạch Thất, Hà Nội), anh Cận đứng trên mái tầng hai đón bao xi măng được kéo lên bằng tời. Chẳng may cái tời bị đứt dây, nó kéo cả người văng lộn xuống, may là anh nhanh tay ôm được vào cây cau, quặp chặt lấy rồi tụt xuống nên chỉ bị trầy xước da.

Thoát chết từ tai nạn đó, anh Cận mới thuyết phục vợ bỏ nghề thợ xây, về nhà lập trang trại chăn nuôi. “Chăn nuôi nó mạo hiểm về kinh tế nhưng ít mạo hiểm về tính mạng em ạ. Hai nữa, ruộng nhà mình nhiều, dồn đổi về chỗ đồi Cao Thiên mà làm”, anh Cận bảo. Đúng thời điểm đó nhà nước có chính sách dồn điền đổi thửa nên họ gặp đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa.

Trồng trọt và chăn nuôi vốn là sở thích của anh Cận. Hễ hở ra tí đất nào là anh trồng cây, rồi chăn nuôi cũng thế, anh rất thích nuôi chim, nuôi gà và thả cá. Lúc đầu anh chị nuôi 2 chuồng gà đẻ với quy mô 4.000 con nhưng do không đủ điều kiện để làm chuồng kín, mỗi ngày chỉ cần nhặt trứng 1 lần nên phải đành làm kiểu chuồng hở, mỗi ngày nhặt trứng đến 5 - 6 lần. Nếu không nhặt kịp thời mà để vỡ 1 quả là bẩn cả ổ trứng, thương lái chê, không chịu mua cho.

Trước đây khi các con còn nhỏ, còn ở nhà thì ngoài học hành chúng vẫn tranh thủ giúp bố mẹ mỗi ngày 5 - 6 lần vào chuồng nhặt trứng. Mấy năm nay con lớn, con thứ hai đi nước ngoài, nhà neo người nên anh chị đành chuyển sang nuôi gà thịt cho nhàn bởi sáng chỉ đổ cho ăn 1 lần, nước uống tự động, mưa gió gà tự chạy từ trên đồi vào chuồng. Nhàn đến mức họ còn làm thêm nghề bán bảo hiểm.

Anh Cận kiểm tra gà cùng cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thạch Thất. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Cận kiểm tra gà cùng cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thạch Thất. Ảnh: Dương Đình Tường.

Lứa gà nhiều trống để đón Tết

Anh chị chọn giống gà ta lai Mía để nuôi bởi vóc dáng đẹp, kích cỡ vừa phải, chất lượng thịt lại thơm ngon, dễ bán. Mỗi lứa họ nuôi 2.500 con gà thịt. Thông thường sẽ phải mất 5 tháng mới xuất bán được 1 lứa nhưng do có chuồng nuôi úm lúc gà còn nhỏ nên mỗi năm họ nuôi được 4 - 5 lứa gối nhau. Từ nhỏ đến 4 tháng tuổi gà được cho ăn hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp, tuy nhiên trước khi xuất bán 1 tháng họ tập cho chúng ăn ngô ngâm 24 giờ.

Thứ nhất là giá ngô rẻ, 1kg có 8.000đ, trong khi 1kg cám giá 13.000đ. Thứ hai là sau khi ngâm những dinh dưỡng trong hạt ngô được chuyển hóa, rất dễ tiêu. Thứ ba là cho gà ăn ngô giúp màu da vàng, thịt ít mỡ và rắn chắc, kết hợp với nuôi kiểu thả vườn, gà được tăng cường vận động, ít bị bệnh, thịt thơm ngon nên được thương lái ưa chuộng.

Không giống như gà công nghiệp, gà ta giá bán ít biến động. Tùy thời điểm, gà trống thường cuối năm đắt hơn gà mái khoảng 10.000đ/kg bởi được dùng để cúng trong các dịp lễ Tết, đình đám. Còn trong năm gà mái lại đắt hơn gà trống 10.000đ/kg bởi vào ngày thường người tiêu dùng thích ăn gà cỡ nhỏ, vừa bữa của gia đình.

Gà đến tháng cuối được cho ăn ngô để thịt thêm thơm ngon. Ảnh: Dương Đình Tường.

Gà đến tháng cuối được cho ăn ngô để thịt thêm thơm ngon. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chi hội nông dân nghề nghiệp chăn nuôi gà xã Tân Xã (huyện Thạch Thất, Hà Nội) mới được thành lập với 15 thành viên, anh Bùi Văn Cận được tin tưởng bầu làm chi hội trưởng. Khi biết tin xã sắp có mô hình khuyến nông nuôi gà anh đã xin ngay về thôn mình.

Anh Cận giải thích: “Nếu cho tiền thì ai cũng lấy được nhưng cho gà thì phải có bãi thả, phải có điều kiện chăn nuôi. Ở các thôn khác nhiều người cũng muốn tham gia vào mô hình khuyến nông nhưng vườn hẹp, chỉ nuôi được cỡ 500 con thì không đủ quy mô theo quy định nên thôn Mục Uyên 2 của tôi mới được chọn làm mô hình vì rộng nhất xã.

Có 4 hộ tham gia vào mô hình khuyến nông gồm Bùi Văn Cư, Bùi Đình Ti, Đỗ Văn Huấn mỗi anh nhận 1.000 con, còn tôi nhận 2.000 con, đồng thời mua thêm 500 con nữa bởi có vườn rộng 2.500m2, kế bên là quả đồi Cao Thiên đang bị bỏ không rộng 5 - 6ha nữa nên thả thoải mái. 

Vừa rồi giống gà của khuyến nông cấp cho chúng tôi rất đẹp. Thông thường gà mới nở cứ 1.000 con có thể chết 20 - 30 con, nhất là vào ngày thứ 3, thứ 4 bởi từ ngày đầu đến những ngày đó chúng không ăn uống gì cả, cầm vào cứ nhẹ như bông. Nhưng 2.000 con giống khuyến nông cấp cho tôi đến ngày thứ 28 mà chỉ chết 17 - 18 con. Tất cả các hộ khác gà đều đẹp như thế. Theo kinh nghiệm của tôi, một khi con giống đã đạt tỷ lệ sống cao thì chúng sẽ có tốc độ lớn rất nhanh”.

Vừa dẫn chúng tôi vào chuồng gà, anh Cận vừa giới thiệu mới hơn 30 ngày tuổi mà đàn gà trọng lượng như thế này là rất tốt. Với tỷ lệ trống cao, gia đình anh đón đầu xu hướng mua gà cúng Tết của người tiêu dùng, giá lúc đó hẳn sẽ là cao. Ngoài nuôi gà, vợ chồng anh Cận còn có thêm nghề bán bảo hiểm nên cũng thường xuyên phải đi để tiếp cận thị trường. Tôi hỏi nguồn thu nào lớn hơn, anh cười, trả lời rằng là bảo hiểm. Nhưng nuôi gà ngoài khía cạnh kinh tế còn là niềm đam mê của đời mình nên có lẽ không bao giờ anh có thể phụ nó được.      

Trung bình mỗi con gà lai Mía từ lúc nhỏ đến khi xuất chuồng tiêu thụ 8kg cám, ngô, 20.000đ tiền thuốc bệnh lẫn vacxin, 15.000đ tiền giống..., tổng cộng hết khoảng 150.000đ, nên tùy thời điểm anh chị lãi được 70 - 80.000đ/con.

Xem thêm
Tăng tốc giải ngân hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại do dịch bệnh

Hơn 46 tỷ là số tiền Hà Tĩnh cấp cho các địa phương để hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại do bệnh viêm da nổi cục trâu, bò và dịch tả lợn Châu Phi.

Khuyến nông cộng đồng cùng nông dân sản xuất nông nghiệp hữu cơ, phát thải thấp

Cà Mau Khuyến nông cộng đồng cùng nông dân thực hiện giải pháp sản xuất nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn, phát thải thấp trong thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa.

Khám tổng thể sức khỏe đất: [Bài 4] Kết quả kiểm tra sức khỏe đất tỉnh Đồng Tháp và Hà Nam

Thạc sĩ Trương Xuân Cường - Phó trưởng Bộ môn Phát sinh học và Phân loại đất thông tin về kết quả kiểm tra sức khỏe đất tỉnh Đồng Tháp và Hà Nam.